Triệu phú trơ tráo Noel Biderman: Mơ hốt bạc nhờ cổ súy ngoại tình

29/05/2015 12:07 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Lời lẽ của Noel Biderman nghe giống như vị sếp bình thường, ở một công ty công nghệ tham vọng lớn: Ông thêm vào câu nói của mình những từ như “phá vỡ trật tự” và “tác động xã hội”.

Có điều công ty của ông ta không chỉ là một doanh nghiệp thuần túy mà còn là nền tảng giúp những người đã có gia đình dễ dàng... ngoại tình.

Bình đẳng giới trên khía cạnh ngoại tình?

“Tôi chỉ đang cố giúp phụ nữ bắt kịp đàn ông” – Biderman bình thản nói về AshleyMadison, trang web ông ta thành lập năm 2001.

Vấn đề nằm ở chỗ, Ashley Madison là trang web dành cho những ông chồng, bà vợ thích quan hệ tình ái, tình dục ngoài hôn nhân. Khẩu hiệu đăng trên trang web này dễ gây sốc cho những người có tư duy bình thường về sự chung thủy trong tình cảm lứa đôi: “Cuộc sống ngắn lắm. Hãy ngoại tình.”


Noel Biderman đang hy vọng thu lời lớn nhờ chào bán cổ phiếu của Ashley Madison

Biderman, một cựu luật sư thể thao đã thường phải xử lý hậu quả các vụ ngoại tình của thân chủ, cho biết ông ta muốn giúp phụ nữ tiến kịp với đàn ông, thông qua việc giúp họ... ngoại tình thoải mái như cánh mày râu.

"Có rất nhiều hoạt động kinh doanh ngoài kia, từ nhà thổ tới dịch vụ cung cấp gái gọi, dành cho đàn ông. Vì thế tôi thực sự muốn quan tâm tới phụ nữ, muốn tạo sự bình đẳng cho họ” – Biderman nói tỉnh bơ.

Biderman cho biết “hướng tới phụ nữ” cũng là lý do vì sao ông ta đặt tên trang web là Ashley Madison, theo 2 cái tên con gái được ưa chuộng nhất ở Mỹ vào năm 2001.

Cho dù quan điểm kể trên của Biderman rất khó “lọt tai”, điều trớ trêu là màn đánh cược của ông ta, rằng hoạt động có thể phá hoại hạnh phúc gia đình như ngoại tình sẽ mang lại lợi nhuận lớn, dường như đã thành công.

Công ty, cho phép phụ nữ sử dụng dịch vụ miễn phí nhưng lại thu tiền các đấng mày râu muốn tạo hồ sơ và gửi tin nhắn tìm bạn tình lên trang web Ashley Madison, đã mang về khoản doanh thu tới 150 triệu USD trong năm 2014. Toàn bộ số tiền này đều là phí đăng ký làm thành viên, hiển nhiên là do cánh đàn ông trả.

Thèm khát lợi nhuận từ việc “kinh doanh tội lỗi”

Vừa qua Ashley Madison đã gây chú ý lớn khi tìm cách bán cổ phiếu công khai ở London và thu về thêm 200 triệu USD nữa – qua đó nâng giá trị của công ty lên mức 1 tỷ USD. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có ai công khai đầu tư cho một dịch vụ cổ súy sự lăng nhăng, của những người đã lập gia đình?

Đây không phải lần đầu tiên Biderman và Avid Life Media – công ty mẹ của Ashley Madison, nơi còn điều hành các trang CougarLife, EstablishedMen và TheBigandtheBeautiful, tìm cách bán cổ phiếu.


Trang web của Ashley Madison có khẩu hiệu gây phẫn nộ: “Cuộc sống ngắn lắm. Hãy ngoại tình”

Năm 2011, công ty đã thử niêm yết trên sàn chứng khoán Toronto, Canada, chỉ để sau đó phải bỏ cuộc, do không nhận được sự quan tâm của Sàn giao dịch chứng khoán Toronto và các nhà đầu tư. Biderman tin rằng thất bại đầu tiên chỉ vì dư luận quá khắt khe và cổ phiếu công ty được tung ra không đúng thời điểm.

Ashley Madison mới chỉ hoạt động tại Mỹ và Canada trong năm 2011. Nay, công ty đã vươn ra 46 nước, có 30 triệu thành viên trên toàn cầu và nắm trong tay doanh thu lớn. Biderman tin rằng London là điểm mở bán cổ phiếu tốt hơn, do thành phố có quan điểm thoải mái hơn với “các hoạt động kinh doanh tội lỗi” hoặc gây tranh cãi.

Và quan điểm này không phải không có cơ sở. Một nghiên cứu gần đây, do 3 nhà kinh tế học nổi tiếng tại Trường kinh doanh London thực hiện, đã thấy rằng các khoản đầu tư vào thuốc lá hay hoạt động sản xuất nội dung khiêu dâm cho người lớn thường mang lại lợi nhuận lớn nhất.

Nguyên nhân có thể do các nhà đầu tư thường tránh xa cổ phiếu thuộc về các lĩnh vực này, khiến chúng có giá thấp hơn tự nhiên.

Một nghiên cứu khác thấy rằng đầu tư vào các “cổ phiếu tội lỗi” có thể mang lại lợi nhuận thường niên tới gần 19%. Nói một cách khác, người ta dễ được tưởng thưởng khi cổ súy cho thói xấu, và đó là một thực tế khó nuốt.

Dư luận phản ứng         

Tuy nhiên Biderman cũng thừa nhận thái độ không chấp nhận của công chúng với việc ngoại tình vẫn là rào cản lớn nhất trong tham vọng hốt bạc của ông ta.

“Thật không may, tính đạo đức trong hoạt động ngoại tình vẫn là rào cản cuối cùng. Chúng ta đã cảm thấy thoải mái hơn với các mối quan hệ tình cảm khác chủng tộc, đồng giới, nhưng vẫn khó chấp nhận ngoại tình” – ông ta nói, bày tỏ hy vọng một lúc nào đó xã hội sẽ thay đổi tư tưởng.

Tuy nhiên có thể thấy thời khắc đó vẫn chưa tới. Nhiều nhà đầu tư được BBC phỏng vấn nói rằng họ từ chối bình luận về cổ phiếu Ashley Madison và họ cũng không theo dõi cổ phiếu của công ty.

Những người khác chất vấn về thành tích kinh doanh của Ashley Madison, sau khi một số cựu nhân viên và người dùng nói rằng trang web của công ty đầy các thành viên giả, được họ tạo ra để câu khách. Ashley Madison thừa nhận nhiều người đã đăng ký sử dụng dịch vụ, nhưng không bao giờ tham gia hoạt động nào cả.

Đó là chưa kể tới việc Ashley Madison vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ “kinh doanh tội lỗi” giống mình. Ví dụ Gleeden, một công ty cổ súy ngoại tình khác ở Pháp, đã có 2,6 triệu thành viên kể từ năm 2009, với trang web có các nội dung “khêu gợi” hơn Ashley Madison.

Rắc rối pháp lý cũng là một trở ngại nữa cho những doanh nghiệp như Ashley Madison. Singapore gần đây đã cấm Ashley Madison hoạt động, còn Hàn Quốc ban đầu đã đóng cửa công ty. Gleeden thì bị khởi kiện ở Pháp.

Cuối cùng Ashley Madison còn đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty hẹn hò truyền thống. Một nghiên cứu gần đây do công ty phân tích Global Web Index thấy rằng hơn 40% người dùng Tinder, một dịch vụ hẹn hò truyền thống, đã có gia đình hoặc đang ở trong một mối quan hệ tình cảm.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm