Triều phá hủy văn phòng, Hàn rắn giọng đáp trả, Bán đảo 'căng như dây đàn'

18/06/2020 07:22 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trong một đòn giáng mạnh vào nỗ lực vì hòa bình mấy năm qua của Hàn Quốc, Triều Tiên ngày 16/6/2020 đã phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều tại thành phố biên giới Kaesong. Động thái này đã khiến mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên trở nên vô cùng căng thẳng.       

Quân đội Hàn Quốc tăng cường giám sát ở biên giới sau khi Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc chung

Quân đội Hàn Quốc tăng cường giám sát ở biên giới sau khi Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc chung

Hãng tin Yonhap dẫn tuyên bố của một sĩ quan thuộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết lực lượng quân đội nước này đã ngay lập tức tăng cường các hoạt động giám sát và chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu trước khả năng diễn ra các vụ đụng độ ở biên giới liên Triều.

Triều phá hủy văn phòng liên lạc, Hàn rắn giọng đáp trả   

Trong những tuần gần đây, Bình Nhưỡng liên tục chỉ trích Seoul, nhấn mạnh hoạt động thả truyền đơn chống Triều Tiên từ phía Hàn Quốc là hành động thù địch, vi phạm một loạt thỏa thuận hòa bình liên Triều, đồng thời đe dọa đóng cửa văn phòng liên lạc chung cũng như cắt toàn bộ liên lạc với Hàn Quốc.   

Đỉnh điểm là vào ngày 16/6 vừa qua, Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc ở khu công nghiệp chung Kaesong tại thị trấn biên giới cùng tên của nước này. Kênh truyền hình và đài phát thanh nhà nước Triều Tiên xác nhận văn phòng liên lạc chung liên Triều đã bị phá hủy hoàn toàn. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố nước này sẽ "đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào mà phía Triều Tiên có thể tiến hành". Hàn Quốc cũng "rất lấy làm tiếc" về vụ phá hủy văn phòng liên lạc chung liên Triều. Seoul đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong đó thành phần tham gia bao gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Thống nhất, Bộ trưởng Quốc phòng và người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia để thảo luận những chi tiết liên quan đến hành động mới nhất nói trên của Triều Tiên và cách thức đáp trả của Hàn Quốc.   

Trong diễn biến mới nhất ngày 17/6, Triều Tiên thông báo đã từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc về việc cử các đặc phái viên, cũng như cho biết sẽ sẽ tái triển khai quân đội tại các khu vực biên giới của thành phố Kaesong và Núi Kumgang. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng tái bố trí các điểm chốt gác từng được dỡ bỏ ở khu vực phi quân sự, cũng như sẽ bắt đầu chiến dịch rải truyền đơn tại khu vực biên giới. Về phía Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng nước này cho biết thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều được ký kết năm 2018 cần phải được duy trì, đồng thời cam kết "phản ứng mạnh mẽ" nếu chính quyền Bình Nhưỡng có bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào.   

Chú thích ảnh
Binh sĩ Quân đội Nhân dân Triều Tiên tại lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng ngày 9/9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Văn phòng liên lạc chung liên Triều được chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 9/2018 để tạo điều kiện trao đổi và hợp tác giữa hai miền trong bầu không khí hòa giải được tạo ra sau cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4/2018. Trong Tuyên bố chung Panmunjom, hai miền Triều Tiên nhất trí đặt văn phòng liên lạc chung ở thành phố Kaesong, nằm trên lãnh thổ Triều Tiên.

Tại cuộc đàm phán cấp cao liên Triều sau đó, hai bên nhất trí đặt trụ sở của văn phòng trong khu công nghiệp chung Kaesong. Trụ sở chính của văn phòng này được đặt ở tầng 4 của tòa nhà (trước đây từng được sử dụng làm Văn phòng hợp tác giao lưu liên Triều) nằm trong khuôn viên khu công nghiệp chung Kaesong. Văn phòng liên lạc chung có bốn nhiệm vụ cơ bản gồm: liên lạc và trao đổi; điều phối các cuộc họp liên Triều; hỗ trợ giao lưu dân sự; tạo điều kiện đi lại cho người dân hai miền. Tuy nhiên, hai miền Triều Tiên đã đình chỉ hoạt động của văn phòng này kể từ đầu tháng 1/2020 do lo ngại về đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đằng sau động thái của Triều Tiên   

Văn phòng liên lạc liên Triều tại thành phố biên giới Kaesong được coi là biểu tượng của sự hòa giải giữa hai miền Triều Tiên. Hãng tin Yonhap dẫn lời các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng hành động phá hủy văn phòng này của Bình Nhưỡng dường như nhằm hướng sự chú ý của dân chúng nước này khỏi những khó khăn kinh tế sâu sắc do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các lệnh trừng phạt gây ra.       

Trên thực tế, tình hình kinh tế của Triều Tiên đã trở nên tồi tệ hơn do các lệnh trừng phạt quốc tế; những trở ngại trong thương mại với Trung Quốc cũng như trong hoạt động kinh doanh và du lịch do ảnh hưởng của COVID-19, song song với đó là mối lo ngại về tình trạng thiếu lương thực do thiếu viện trợ phân bón bên ngoài. Vụ phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong là đỉnh điểm của những lời đe dọa gần như hàng ngày của Triều Tiên nhằm trừng phạt Hàn Quốc vì để những người đào tẩu Triều Tiên thả các tờ rơi chống Bình Nhưỡng qua biên giới.         

Động thái cứng rắn của Bình Nhưỡng ngày 16/6 khiến các nhà phân tích lo ngại rằng có thể khiến sự kiên trì thúc đẩy phi hạt nhân hóa của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên bị đe dọa. Tệ hơn nữa, Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận quân sự liên Triều nhằm giảm căng thẳng biên giới, làm tăng khả năng Triều Tiên có thể thực hiện các hành động khiêu khích quân sự lớn hơn, điều có thể khiến sáng kiến hòa bình của Seoul bị phá vỡ.   

Chú thích ảnh
Văn phòng liên lạc chung liên Triều ở thành phố biên giới Kaesong tháng 5/2020 (ảnh trên) và sau khi bị phá hủy ngày 16/6/2020 (ảnh dưới). Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Nhà phân tích Kim Dong-yub tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Seoul) cho rằng Hàn Quốc sẽ đối mặt với một bài toán khó nếu tàu quân sự Triều Tiên hộ tống các tàu dân sự tiếp cận hoặc tìm cách vượt qua ranh giới hàng hải phía Tây để rải truyền đơn. Vùng biển này từng là nơi diễn ra một số vụ đụng độ đẫm máu, như vụ tấn công tàu hải quân Hàn Quốc Cheonan năm 2010 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Triều Tiên, không công nhận ranh giới hàng hải phía Tây được Liên hợp quốc đơn phương thiết lập sau khi Chiến tranh Triều Tiên tạm chấm dứt, phủ nhận trách nhiệm liên quan trong vụ chìm tàu Cheonan.   

Trong khi đó, hãng tin CNBC dẫn lời ông John Park (Giám đốc Dự án Triều Tiên thuộc Trường Kennedy Havard, Mỹ), cho rằng truyền đơn và gạo lâu nay vẫn là những vấn đề nhức nhối trong quan hệ hai miền Triều Tiên, song bối cảnh khiến Bình Nhưỡng tỏ ra gay gắt trong thời gian gần đây là do ảnh hưởng từ bối cảnh rộng lớn hơn. Bình Nhưỡng đi theo một lộ trình khác bởi họ cho rằng đã bị Mỹ và Hàn Quốc gạt ra ngoài lề. Hai năm sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Singapore vào tháng 6/2018 giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, không hề có nhiều tiến triển như trông đợi. Ông Park cho rằng những động thái từ phía Bình Nhưỡng là thông điệp rõ ràng gửi tới Hàn Quốc rằng Triều Tiên đã rất thất vọng về những tiến triển trong việc triển khai thỏa thuận liên Triều.

Minh Trà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm