Triển lãm tranh Kiều của Lê Thiết Cương: Cảm hứng gợi cảm hứng

14/04/2022 18:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau nhiều năm ấp ủ, triển lãm “Truyện Kiều - Nguyễn Du/ Lê Thiết Cương - 24 tranh” sẽ khai mạc tại Gallery Thăng Long (41 Hàng Gai, Hà Nội) vào chiều nay, 14/4. Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu cùng độc giả bài viết của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.

Ra mắt tác phẩm 'Truyện Kiều' với 24 bức tranh Kiều của họa sĩ Lê Thiết Cương

Ra mắt tác phẩm 'Truyện Kiều' với 24 bức tranh Kiều của họa sĩ Lê Thiết Cương

Chiều 13/4, tại Hà Nội, họa sỹ Lê Thiết Cương đã tổ chức giới thiệu cuốn sách “Truyện Kiều – Nguyễn Du/Lê Thiết Cương – 24 tranh” với đông đảo công chúng.

1. Không chờ đến khi được học trích giảng Truyện Kiều ở trường phổ thông, tôi đã thuộc dăm ba câu Kiều từ ngày chưa biết chữ. Thuộc như các bà mẹ quê vẫn truyền miệng từ thuở Truyện Kiều được “xuất bản mồm” sau khi Nguyễn Du viết xong. Chính việc lan truyền dân gian như thế mới gìn giữ được tuyệt phẩm này qua bao thăng trầm lịch sử, khiến Phạm Quỳnh phải thốt lên khâm phục: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Tôi đã thuộc dăm ba câu Kiều là nhờ nghe bố ngâm nga: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau”. Không chỉ ngâm nga, bố mê Kiều đến nỗi khi đẻ chị tôi mùa Thu 1946 - mùa Thu độc lập thứ hai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bố đã từ câu Kiều: “Qua cơn bĩ cực tới ngày thái lai” để đặt tên cho chị tôi là Nguyễn Thị Thái Lai. Rồi đến khi em gái tôi Thu Thuỷ thì cũng là từ câu Kiều: “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn”.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lê Thiết Cương

Tôi tin, đã là người Việt Nam, không ai là không nằm lòng dăm ba câu Kiều. Giống như các dân tộc khác yêu quý danh nhân của họ.

Không chỉ những người đọc cảm được vẻ đẹp của ngôn ngữ Truyện Kiều mà nó còn lan toả sang các ngành nghệ thuật khác, tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ sáng tạo Kiều thành kịch, nhạc kịch, điện ảnh và nhất là hội hoạ. Ví dụ một số ấn bản tiêu biểu:

1. Bản sớm nhất là bản Nôm hoàng gia lưu giữ tại Thư viện Anh Quốc (Bristish library), niên đại khoảng năm 1894. Do một họa sỹ vô danh minh họa 146 bức đen trắng. Đây cũng là cuốn Kiều có nhiều minh họa nhất.

2. Bản quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký in năm 1911. Họa sỹ vô danh.

3. Bản Truyện Kiều do Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp. Họa sỹ Mạnh Quỳnh minh họa 1942 - 1943. Trước 1954 duy nhất có Mạnh Quỳnh là một mình minh họa Truyện Kiều.

4. Bản Truyện Kiều do NXB Phổ thông in năm 1959 do họa sỹ Tạ Thúc Bình minh họa.

5. Bản Truyện Kiều do Nguyễn Khắc Viện dịch tiếng Pháp, NXB Ngoại văn 1979, do Nguyễn Tư Nghiêm minh họa.

6. Tập văn họa kỉ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị ở Huế có tập hợp các họa sỹ minh họa: Tô Ngọc Vân, Lưu Văn Sìn, Lê Văn Đệ...

2. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương sau khi “nhiễm” Kiều thời gian dài, đã “phát bệnh” vẽ Kiều theo bút pháp tối giản của mình. May tôi và Cương “gần như láng giềng - thân như thủ túc” nên ngày nào cũng được sang uống whisky và chứng kiến Cương “phát bệnh” vẽ Kiều. Không chỉ “phát bệnh” mà Cương trầm trọng đến mức “tẩu hoả nhập ma” Kiều.

Hỏi vẽ bằng chất liệu gì thì Cương bảo cứ dân tộc, truyền thống mà chơi. Đó là giấy dó, vải màn và bột màu. Ngày nào tôi cũng tận mắt chứng kiến Cương chuẩn bị cho cái sự vẽ Kiều, bằng việc tạo ra loại toan vẽ đặc biệt cho riêng mình. Đầu tiên là ngâm giấy dó vào nước cho giãn đều. Khi giấy dó vớt ra gần ráo nước, hoạ sĩ bôi keo vào bốn mép giấy dán lên một bản gỗ dầy. Dán xong để khô, hoạ sĩ vẽ phác thảo bằng chì. Xong xuôi mới bắt đầu công đoạn bồi tấm vải màn lên mặt giấy dó. Cương bảo, công đoạn này có gì đó tương tự như nghệ nhân sơn mài bọc vải màn vào tấm gỗ để làm vóc, nhưng lại được gọi bằng một cái tên rất hay là “đánh vải”. Lần đầu tiên trong tiếng Việt, động từ “đánh” được làm mềm trở lại. Đáng yêu quá, tiếng ta!

Chú thích ảnh
Bìa sách “Truyện Kiều - Nguyễn Du/ Lê Thiết Cương - 24 tranh”

Cương bảo thuở hàn vi, thân mẫu phải làm bánh nướng, bánh dẻo, bánh khảo, oản bột đưa cho các hàng chè chén. Vì sẵn có bột nếp ở bếp, nên đã nghĩ ra chất liệu này. Triển lãm cá nhân lần đầu tiên, Đồng Dao cũng là triển lãm “trình làng” chất liệu bột màu/ vải màn (tháng 5/1991 tại Hà Nội). Tiếp theo là các triển lãm từ Singapore, Hong Kong, London, Paris, Zurich, New York, Tokyo, bên cạnh sơn dầu, bao giờ cũng có bột màu/ vải màn/ giấy dó. Đúng là “cái khó ló cái khôn”. Chất liệu này là độc chiêu của Cương. Và cứ thế, nhẩn nha vẽ theo những câu Kiều mà chính hoạ sĩ chọn lựa sau khi đã “thấm”, đã “say” Kiều.

Cảm hứng vẽ Kiều của Cương đã lây sang tôi lúc nào không hay. Nhìn những bức vẽ độc đáo đến mức không thể kìm được thi hứng. Giống như hồi nào thưởng ngoạn bức Kim - Kiều của Nguyễn Tư Nghiêm, tôi đã thốt lên: “Cộng hưởng - những đường sin - Kim Kiều nức nở”. Thế là vừa nhắp whisky, tôi vừa ngắm nghía tranh cho đến lúc ngẫu hứng bật ra câu thơ. Cách sáng tạo này vừa giống như cách tôi viết về Kiều ca của Phạm Duy, vừa khác chút. Ở Kiều ca, sau khi nghe xong, tôi còn phải xem bản nhạc, phải dùng tài liệu để viết. Còn đối với vẽ Kiều thì là cuộc chơi trực thị. Bức Cương vẽ cảm hứng từ câu Kiều khi Kiều và Thúc Sinh xa nhau mà Nguyễn Du đã tả: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” là bức vẽ Kiều ôm trọn vầng trăng trong lòng nhưng vẫn cô đơn. Cô đơn tuyệt đối một màu vàng tàn phai. Tôi ngẫu hứng: “Nửa trăng/ người thức/ nửa trăng không”. Ngẫu hứng này vẫn đúng khi Cương vẽ thêm bức nữa cho câu thơ này với hai con mắt ở ngoài Kiều, một ngóng phía này, một thì ngóng phía kia.

Ngoài 23 bức vẽ Kiều, Cương vẽ thêm một bức gọi là bức +1 từ câu thơ chữ Hán của Nguyễn Du: “Chung chi vô tự thị chân kinh”. Ngắm bức ấy, tôi ngẫu hứng: “Kinh theo ai - kinh tan - trong ta”. Tôi nghĩ, sướng nhất của đời mình là những đạo lý đã tan trong mình để mình tự nhiên hành xử. Cương vẽ Kiều cũng là một đốn ngộ như thế. Như thở. Không phải cố gắng.

Số 24 trong thứ tự Kinh Dịch thuộc quẻ Địa Lôi Phục. Địa Lôi Phục là trở lại, hanh thông. Có lẽ, Cương muốn dừng ở con số này, quẻ này để tìm đến một sự trở lại riêng biệt của mình với áng thơ tuyệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du. Một sự trở lại thuận theo trời đất, nhưng cũng phải tập trung cao độ tinh lực.

Cương có nhiều cuộc sáng tạo vừa căn cốt truyền thống, song ngôn ngữ tạo hình thì rất thời đại. Nhưng có lẽ Vẽ Kiều Hạt gạo ngày nào là hai đỉnh tầm vóc nhất. Nhờ thế, cảm hứng gợi cảm hứng.

Triển lãm Truyện Kiều - Nguyễn Du/ Lê Thiết Cương - 24 tranh giới thiệu 24 tranh và cuốn sách cùng tên của họa sĩ Lê Thiết Cương, trong đó mỗi bức tranh có kèm theo 1 câu thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sáng tác từ câu thơ Kiều. Ngoài ra, triển lãm cũng giới thiệu một số cuốn sách về Truyện Kiều quý hiếm tại Việt Nam.

Nguyễn Thuỵ Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm