07/07/2018 07:10 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (dự kiến kéo dài đến ngày 31/12/2018) đã đối diện với các luồng dư luận trái chiều, mà chủ yếu đến từ góc nhìn đạo đức về nguồn gốc của các hiện vật.
Như tin đã đưa, tối qua (6/7) Sở VH-TT TP.HCM đã yêu cầu đơn vị tổ chức tạm dừng hoạt động trưng bày từ 7/7. Lý do triển lãm bị "tuýt còi" và phải dừng hoạt động được Sở cho biết là do mẫu đơn vị tổ chức xin trưng bày bằng nhựa, nhưng thực tế lại trưng bày cơ thể người thật.
Theo thông tin mà Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tìm hiểu được, triển lãm vòng quanh thế giới này từng có ý định xin trưng bày tại Thảo cầm viên Sài Gòn từ năm 2015. Họ cũng hai lần muốn xin triển lãm tại tòa nhà Keangnam (Hà Nội), nhưng không được cấp phép. Đây là lần đầu tiên triển lãm đến TP.HCM, sau khi đã diễn ra ở nhiều nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Anh, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản...
Trái chiều thế nào?
Nhìn ở khía cạnh tích cực, khi Việt Nam chưa có các bảo tàng tự nhiên chuyên về cơ thể người, thì những triển lãm dạng này có thể cung cấp cho người xem một phần nhận thức, trải nghiệm sinh động. Điều này có thể nhận thấy qua hàng trăm ý kiến ủng hộ trên báo chí và mạng xã hội những ngày qua.
Thế nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng cần tẩy chay triển lãm, vì “xác người” cần được an táng, yên nghỉ, có gì đáng xem. Từ đây, những người đi theo hướng ý kiến này đồn đoán, thêu dệt về nguồn gốc khá li kì, oan trái của các hiện vật, với ý muốn phải đóng cửa triển lãm để điều tra.
Nhưng cũng có một bộ phận người xem chọn thế lưỡng lự, nước đôi. Họ nói rằng nếu ban tổ chức trưng ra được giấy tờ hợp pháp của hiện vật thì sẽ đến xem. Nếu không có giấy tờ, họ sẽ tẩy chay.
Đây có lẽ cũng là một yêu cầu chính đáng, nhưng thực tế cho thấy ít khi nào người xem bình thường có đủ thẩm quyền để làm được. Cũng như chúng ta vào các bảo tàng cổ vật, có nhiều cổ vật nghi là có nguồn gốc không rõ ràng, thậm chí là bất hợp pháp, nhưng với tư cách người xem bình thường cũng không thể yêu cầu bảo tàng xuất trình giấy tờ. Việc này nên thuộc về các cơ quan hữu trách.
Một tranh luận nữa, đó là liệu các xác người được xử lý để trưng bày có phải là tác phẩm nghệ thuật không? Trả lời điều này sẽ rất khó, tùy lăng kính và quan điểm thẩm mỹ, đạo đức của mỗi người. Nhưng với triển lãm này, họ không nhấn mạnh khía cạnh nghệ thuật, mà nhấn vào khía cạnh giáo dục khoa học về cơ thể người, về sức khỏe, về nhân văn. Nơi người xem có thể gián tiếp nhận ra vẻ đẹp và tính nghệ thuật từ các hiện vật.
Triển lãm là một chỉnh thể
Cần lưu ý một điều quan trọng, triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người là một chỉnh thể được trưng bày, vào một cửa ra một cửa, với sự dẫn dắt, diễn giải cụ thể của biểu đồ, tài liệu và hướng dẫn viên.
Triển lãm gần như mô phỏng lại hành trình của một đời người, từ lúc thụ thai cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Nghĩa là người xem được chuẩn bị về thông tin và tâm lý tiếp nhận, chứ không phải xem ngẫu hứng, đột ngột một hai hiện vật.
Về cách thức trưng bày, triển lãm tạo không khí sáng sủa, thân thiện kiểu khoa giáo, nơi mà thông tin, sự nhận thức và hiểu biết có thể giúp cân bằng cảm xúc sợ hãi - nếu có. Nó không có chủ ý tạo ra không khí rùng rợn, ghê sợ, nên nói triển lãm này kinh dị thì quá khắt khe, hoặc hơi suy diễn.
Thế nhưng, cuộc sống thì nên có những ý kiến trái chiều, vì mâu thuẫn là động lực để phát triển. Những mô hình triển lãm mới mẻ như thế này thì càng cần nhiều ý kiến phân tích, phản biện, tranh luận.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến từ xa hơi vội vàng, khi chưa xem triển lãm mà đã đưa ra kết luận thì cũng không nên. Bởi đôi khi hình chụp hoặc quay phim riêng lẻ một hai hiện vật không thể diễn tả được toàn bộ không khí và mục đích của cả một triển lãm quy mô.
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất