Triển lãm sắp đặt của hoạ sĩ Lê Hữu Hiếu: 'Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30/4/1975'

16/04/2025 20:08 GMT+7 | Văn hoá

Hoạ sĩ Lê Hữu Hiếu sẽ mang đến cho công chúng Việt Nam một trải nghiệm nghệ thuật đầy xúc động và tự hào với cụm tác phẩm điêu khắc – sắp đặt về chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hà Tĩnh nghèo khó, Lê Hữu Hiếu đã hun đúc trong mình một ý chí vươn lên mạnh mẽ, một tình yêu nước sâu sắc và một khát vọng chinh phục đỉnh cao nghệ thuật. Chính những điều đó đã tạo nên một nghệ sĩ bền bỉ, sáng tạo và quyết tâm, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng giới mộ điệu tại các triển lãm quốc tế. 

Theo chia sẻ, anh mất hai năm thực hiện để có được cuộc triển lãm sắp đặt "Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30/4/1975". Nhưng ý tưởng nung nấu về cuộc triển lãm này thì lâu hơn thế rất nhiều - từ hàng chục năm trước. Lý do được chính hoạ sĩ bày tỏ là bởi anh sinh ra trong gia đình mà bác là liệt sĩ, bố mẹ đều là thương binh và bản anh thân cũng mang trong mình di chứng của chiến tranh. Và đặc biệt, khi lần đầu nhìn được thấy bãi cọc Bạch Đằng lịch sử, anh đã nghĩ ngay đến tính nghệ thuật của chiến lược chiến tranh mà cha ông ta đã trải qua.

Một số hình ảnh của loạt tác phẩm trong quá trình thực hiện tại Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Triển lãm "Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30/4/1975" được anh thể hiện một cách sâu sắc thông qua ngôn ngữ tạo hình đặc trưng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật kết cấu, sự am hiểu vật liệu truyền thống và khát khao hướng đến sự vĩ đại.

Lê Hữu Hiếu sử dụng phong cách ước lệ để khắc họa chiến công của những người anh hùng thầm lặng của chiến thắng lịch sử. Quan niệm của anh giản dị mà sâu sắc: Mỗi người Việt tham gia vào kỳ tích Bạch Đằng đều xứng đáng là những tượng đài. Hình tượng nhân vật được tối giản, vượt lên trên những danh xưng như nông dân, chiến sĩ hay quan lại, tất cả hiện lên vững chãi, mạnh mẽ như những thân cây cổ thụ vươn mình từ đất. Tính đồng nhất và phi cá nhân của các nhân vật không chỉ phản ánh góc nhìn của nghệ sĩ mà còn gợi mở cho khán giả về dòng chảy thời gian, nơi mỗi cá nhân chỉ được nhớ đến qua những đóng góp cho lịch sử.

Tác phẩm sẽ vượt qua hàng ngàn km để đến TP. HCM (Ảnh: NVCC) 

Một điểm nhấn đặc biệt trong cụm tác phẩm là hình tượng Thần Bảo Hộ, một ý niệm được Lê Hữu Hiếu chắt lọc từ tín ngưỡng đa thần của người Việt. Không phải một vị thần cụ thể, đó là sự ngưỡng vọng đối với ước mong được Trời Đất chở che, bảo vệ, một khát khao về cuộc sống hòa bình và an yên.

Hình ảnh Thần Bảo Hộ hiện lên đầy ấn tượng qua những thanh gỗ mít ngâm bùn, được xử lý tỉ mỉ và sơn đen bóng, tượng trưng cho sức mạnh tiềm ẩn và kiên cường của dân tộc. Cách sắp xếp các khúc gỗ, từ khúc đầu tiên vươn cao đến sáu mét, hoàn toàn dựa trên cảm xúc, tạo nên một hình tượng vừa thân thuộc, vừa thiêng liêng, vừa giản dị - một quan điểm độc đáo của người Việt về thần linh.

Sự say mê khám phá và xử lý vật liệu truyền thống là thế mạnh không thể phủ nhận của Lê Hữu Hiếu. Anh trân trọng những vật liệu đã gắn bó với đời sống người Việt suốt hàng ngàn năm như gỗ mít sơn son thếp vàng, dây thừng, xơ dừa, tơ tằm, áo tơi, vải đay. Nghệ sĩ không ngần ngại bày tỏ mong muốn tác phẩm của mình trường tồn cùng thời gian, và chỉ những vật liệu đã được chứng minh sự bền bỉ qua bao thế hệ mới đủ sức thuyết phục anh. 

Triển lãm thị giác khơi gợi niềm tự hào của Lê Hữu Hiếu: 'Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30/4/1975' - Ảnh 4.

Hoạ sĩ Lê Hữu Hiếu vừa "đóng gói" xong tác phẩm của mình (Ảnh: NVCC)

Với triển lãm này, có lẽ trải nghiệm của khán giả được nâng lên một tầm cao mới nhờ quy mô đồ sộ của tác phẩm. Bước đi giữa những hàng cọc cao vút, phủ sơn mài lấp lánh và khắc những vần thơ hào hùng của Hịch tướng sĩ, người xem không khỏi cảm thấy như đang sống lại với hào khí quật cường của cha ông trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Cảm giác choáng ngợp ban đầu nhường chỗ cho niềm tự hào dân tộc trào dâng, cùng với đó là tình yêu và lòng biết ơn sâu sắc.

Trong bối cảnh nghệ thuật đương đại, nơi điêu khắc lớn thường giới hạn ở các tượng đài hay phù điêu cố định, việc Lê Hữu Hiếu mang đến tác phẩm điêu khắc sắp đặt quy mô lớn ra không gian ngoài trời một nỗ lực đáng ngưỡng mộ. 

Và vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ký văn bản đồng ý về mặt chủ trương việc tổ chức triển lãm sắp đặt "Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30/4/1975" từ ngày 19/4/2025 tại khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Với kinh nghiệm tổ chức triển lãm ở quốc tế với những tác phẩm "khổng lồ", Lê Hữu Hiếu vừa bắt tay đóng gói và vận chuyển loạt tác phẩm của mình vào TP. HCM. Chắc chắn, khi được chiêm ngưỡng cụm tác phẩm độc đáo này của Lê Hữu Hiếu, công chúng sẽ có những trải nghiệm nghệ thuật đầy xúc động và tự hào.

Lê Hữu Hiếu sinh năm 1982 tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh có triển lãm cá nhân "Mặc" năm 2014 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; năm 2015 Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc tại Trung tâm Triển lãm Quốc gia; năm 2016 tham dự Spectrum - Miami Art Fair 2016 cùng triển lãm Contemporary Art Projects USA; năm 2017 Triển lãm Tam tấu tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; năm 2017 tham gia Florence Biennale lần thứ XI tại Fortezza da Basso – Florence, Italy; triển lãm cá nhân "Soul Energy" năm 2021 tại Italy.

Duy An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm