13/05/2019 06:54 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nữ diễn viên điện ảnh Việt Trinh, sau khi đăng ký hiến tạng rồi đăng bài trên Facebook với mục đích chia sẻ và truyền cảm hứng cho mọi người thế nhưng cô lại bị một số người ì xèo cho là PR, đánh bóng tên tuổi… Cô buồn, xoá đi những điều đã chia sẻ, rồi đi đến quyết định “nghỉ chơi Facebook một thời gian cho nhẹ đầu".
Câu chuyện này, buồn thay, lại diễn ra trong những ngày đầu của tháng được chọn là “Tháng nhân đạo” 2019 của Hội chữ thập đỏ Việt Nam…
Ghép tạng được coi là biện pháp duy nhất có thể cứu sống người bệnh ở gia đoạn cuối. Để thực hiện được công việc này thì ngoài các kỹ thuật tiên tiến hiện đại, chúng ta cần phải có “nguyên liệu” nội tạng. Và điều này lại phụ thuộc vào nghĩa cả cao đẹp của những người tình nguyện hiến tạng sau khi chết não. Ngoài ra còn phụ thuộc vào sự phối hợp, hỗ trợ công tác điều phối, vận chuyển…
Chưa kể là vấn đề hành lang pháp lý hiện nay cũng là một trong nhiều rào cản việc hiến tạng. Luật pháp Việt Nam quy định người từ 18 tuổi có đủ năng lực hành chính nhân sự, nếu tình nguyện thì có thể đăng ký hiến tạng khi sống hoặc sau khi chết hoặc chết não. Quy định đó để bảo đảm việc người đăng ký tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nhưng lại có vấn đề nảy sinh. Có những cháu nhỏ không may rơi vào hiện tượng chết não, nếu gia đình tình nguyện hiến tạng thì lại vướng vào quy định của luật pháp. Ngoài ra còn các chi phí mà người tình nguyện hiến tạng phải chi trả cho các xét nghiệm trước khi tiến hành hiến tạng cũng là một thiệt thòi cho họ.
Từ những khó khăn kể trên mới thấy rằng, cái việc hiến tặng một bộ phận cơ thể có ích như thế nào. Hiểu được điều này chắc chắn nhiều người sẽ ủng hộ, hưởng ứng.
Khi hiến tạng, Người đẹp Tây đô vang bóng một thời chia sẻ: “Nếu như khi mình mất đi mà bộ phận nội tạng của cơ thể mình còn có ích, có thể cứu được người khác đem lại niềm vui cho họ và gia đình thì đó chính là món quà dành cho họ. Biết đâu sau đó họ lại là người có ích cho xã hội, cho cộng đồng”.
Và sau một thời gian làm MC chương trình “Gương sáng đời thường”, cô có cơ hội được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh người bệnh khó khăn, tìm hiểu và biết được nhiều câu chuyện hiến tạng cứu người cảm động, với mong muốn giúp thêm nhiều người sau khi đã qua đời. Mất 2 năm suy nghĩ giằng xé, phân vân. Ngày 22/4 vừa qua, tại Bệnh viện chợ Rẫy, TP.HCM, sau khi được các bác sĩ tại đây tư vấn, hướng dẫn thủ tục, giải đáp những thắc mắc, Việt Trinh đã đồng ý làm thủ tục đăng ký hiến tạng sau khi qua đời với tâm nguyện: “Tôi hiến tạng vì muốn trả ơn cuộc đời”.
Một nghĩa cử, một hành động cao đẹp như vậy mà lại bị một số người cho là thế này, thế kia. Quả thật là không thể hiểu nổi. Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Việt Trinh làm PR cái gì qua việc đăng ký hiến tạng? Và liệu cô có cần phải đánh bóng tên tuổi của mình không khi cô đã thành danh trong giới điện ảnh nước nhà từ những năm 1990?
Trong cộng đồng mạng, những ai ì xèo về việc hiến tạng của cô, hãy tự hỏi xem mình đã đã “tri ân cuộc đời” được như Việt Trinh chưa, bằng cách đăng ký hiến tạng sau khi qua đời?
Có thể, nhiều người trong chúng ta còn phải suy nghĩ thêm trước khi đi đến quyết định cuối cùng, nhưng chí ít cũng nên thể hiện thái độ tôn trọng tâm nguyện của riêng cô, chưa nói đến việc, với tư cách là một thành viên trong cộng đồng, rất nên ủng hộ cái quyết định dũng cảm của cô.
Không cần phải dành cho Việt Trinh những lời có cánh, chỉ cần mỗi một cá nhân trong cộng đồng cùng nhau chia sẻ câu chuyện của cô trung thực theo đúng những gì nó đã xảy ra, chia sẻ những lời tâm sự trong nước mắt của cô tại bệnh viện Chợ Rẫy khi đăng ký hiến tạng, đó cũng đã là một việc làm rất thiết thực và có ý nghĩa.
Trong cuộc sống không ai là hoàn hảo và luôn có nhu cầu yêu thương, được yêu thương. Chính vì vậy việc chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương, được yêu thương là để mỗi người vượt qua khó khăn. Đặc biệt với những người có hoàn cảnh khó khăn, không may mắn thì việc được chia sẻ, được giúp đỡ và được tôn trọng, được yêu thương càng có ý nghĩa hơn. Đó cũng chính là đạo lý của người Việt Nam.
Cuộc sống là không thể nói trước điều gì, nhưng chắc là ai trong chúng ta cũng sẽ rất vui và hạnh phúc khi biết rằng mình có chết đi nhưng rất nhiều người khác đã được cứu sống nhờ những bộ phận nội tạng do mình hiến tặng. Và đúng như Việt Trinh nghĩ, cách tri ân sâu sắc nhất cho cuộc đời là sẵn sàng dâng hiến một phần thân thể của mình cho sự sống của người khác.
Đó cũng là một việc làm nhân đạo, một nghĩa cử cao đẹp mà bất cứ xã hội nào cũng đều đánh giá cao, khuyến khích, kêu gọi mọi người cùng nhau thực hiện.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất