22/02/2023 21:18 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Để phản đối các influencer, nhiều TikToker giờ đây phấn đấu làm deinfluencer, tức người trừ khử ảnh hưởng.
Ngày càng có nhiều người tạo nội dung trên mạng xã hội từ chối những người có ảnh hưởng và thay vào đó trở thành “những người trừ khử ảnh hưởng”. Họ tự gọi mình là những “deinfluencer”, đối lập với “influencer”.
Chúng ta đều biết những người có ảnh hưởng trên TikTok, Instagram, Facebook,... giờ đây có “quyền lực” quá lớn với ngành kinh doanh và marketing. Với những clip review, lời khen từ họ, cho dù đó là son bóng hay chiếc váy, điện thoại, máy rửa mặt,... thì đều có sức lan tỏa nhất định. Thông thường, các influencer được nhãn hàng thuê quảng cáo và người mua qua kênh giới thiệu của họ sẽ được giảm giá bằng cách sử dụng mã đặc biệt riêng khi mua hàng.
Phương tiện truyền thông xã hội giờ đây giống như một trung tâm mua sắm thời công nghệ - nơi mọi người đến để tiêu tiền của họ - với đầy những thứ "phải có" như dụng cụ uốn lông mi bằng nhiệt và bột tẩy màu hồng "thần kỳ". Và khi một thứ gì đó lan truyền trên mạng, nó sẽ bán được ngoài đời thực. Theo báo cáo, những người có ảnh hưởng đã bán được 3,6 tỷ đô la hàng hóa vào năm 2022. Trong một nghiên cứu gần đây, 54% người cho biết họ đã mua hàng ngay hoặc sau khi nhìn thấy một sản phẩm hoặc dịch vụ trên Instagram. Theo một báo cáo khác, 55% người dùng TikTok đã mua hàng sau khi nhìn thấy một thương hiệu hoặc sản phẩm trên nền tảng này. Trên Twitter, con số đó là 40%.
Mua sắm theo chỉ dẫn của những người có ảnh hưởng giờ đây là một xu hướng quá quen thuộc. Khi diện chiếc váy do fashionista nổi tiếng hàng triệu người theo dõi mặc, các cô gái sẽ có cảm giác mình sở hữu phong cách thẩm mỹ và bắt kịp xu hướng.
Và để đi ngược lại với làn sóng quen thuộc này, giờ đây trên TikTok nổi lên một phong trào mới. Những người tạo nội dung cố giảm ảnh hưởng của quảng cáo trên mạng đến người dùng, đưa ra lời khuyên về những sản phẩm được quảng cáo nào không đáng để thổi phồng hoặc nói thẳng với họ những gì không nên mua.
Bita, hay @bbybeets, 25 tuổi, đã đăng một video trên TikTok liệt kê những món đồ mà cô ấy từng thấy có người ảnh hưởng quảng cáo nhưng mọi người tuyệt đối không nên mua. Lý do cô đưa ra đơn giản chỉ vì chúng “không hợp túi tiền”.
Trong video đã có hơn 58.000 lượt xem, Bita cho biết những người có mức lương trung bình không thể mua được những món đồ như đôi dép 95 bảng Anh (khoảng 3 triệu đồng) và tai nghe có giá 550 bảng (khoảng 16 triệu đồng), nhưng họ cảm thấy bị áp lực phải mua chúng để bắt kịp theo xu hướng.
Cô nói: “Tất cả các thương hiệu mà tôi đã đề cập đều có giá đắt đỏ. Để mua được những mặt hàng thịnh hành này, bạn phải có một mức thu nhập nhất định, và hầu hết mọi người thì không, trong đó có tôi. Vậy nên chúng ta không việc gì phải mua chúng. Tôi đang nhắc nhở người xem của mình rằng mua được những thứ đó mới là thực sự không bình thường. Đó là tiêu xài xa xỉ”.
Trên TikTok, hashtag #deinfluencer hiện có hơn 159,6 triệu lượt xem. Theo Jago Sherman, người đứng đầu bộ phận chiến lược của công ty tiếp thị truyền thông xã hội Goat, sự phổ biến của xu hướng này được thúc đẩy bởi vì mọi người đã phát ngán với việc bị mạng xã hội “điều khiển” phải liên tục mua thứ gì đó.
Ông nói: “Chúng tôi đã đạt đến một điểm quan trọng khi nói đến chủ nghĩa tiêu dùng. Mọi người đã chán ngấy với việc truy cập mạng xã hội và bị nói: 'Bạn cần cái này và cái này'”.
Đối với Valeria Fridegotto, 22 tuổi, sinh viên kiêm người sáng tạo nội dung bán thời gian sống ở Chicago, Illinois, tình hình kinh tế khó khăn đã thôi thúc cô làm một video về những sản phẩm mà cô cho là bị đánh giá quá cao và “không đáng được quảng cáo rầm rộ”.
Cô nói: “Với tình hình kinh tế ở Mỹ, mọi người cần chi tiêu cẩn thận hơn. Tôi cảm thấy như họ bị thu hút một cách vô thức bởi những người nội dung trên TikTok khuyến khích họ mua những món đồ đắt tiền”. Video của cô đã có hơn 1,3 triệu lượt xem và hàng trăm bình luận.
Sherman cho biết thuật toán TikTok có thể không phụ thuộc vào lượng người theo dõi. Vì vậy những người dùng có lượng người theo dõi tương đối nhỏ vẫn có thể lan truyền, thúc đẩy xu hướng này. Trend đi ngược lại số đông này còn lan rộng ra nhiều mảng khác như review nhà hàng không nên ghé, địa điểm du lịch không nên tới thăm,...
Trong khi một số người dùng trong các bình luận bên dưới video của Fridegotto chia sẻ quan điểm của cô về các sản phẩm, TikToker vẫn bày tỏ lo lắng những review xấu của mình có thể phản tác dụng trong tương lai. “Trong một thế giới hoàn hảo, chúng tôi muốn nghĩ rằng các thương hiệu sẽ coi đó là phản hồi của khách hàng, nhưng tôi e rằng điều đó có thể khiến các hợp tác tiềm năng với nhãn hàng khác bị ảnh hưởng.
Còn đối với Sherman, dù tham gia nhiệt tình nhưng cô nghĩ rằng xu hướng này sẽ chẳng đi đến đâu. “Quan điểm của tôi đây chỉ là một từ khác cho cái gọi là đánh giá trung thực mà thôi. Những người muốn trừ khử ảnh hưởng đang tạo ra ảnh hưởng”.
Nguồn: The Guardian
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất