Trên những nẻo đường nước Pháp: Không đề, từ một buổi sáng ở Cannes

08/06/2016 06:47 GMT+7 | Ký sự Euro

(Thethaovanhoa.vn)- Khi tôi đến Mandelieu-la Napule, lễ hội hoa mimosa đã qua ba tháng. Sắc vàng rực của loại hoa đẹp và cho mùi hương ngai ngái ấy không còn thấy ở đâu nữa trên những con đường của thành phố nhỏ tôi sẽ qua đêm mấy ngày này. Nhưng như nhiều nơi khác của vùng Riviera thuộc Pháp, nó vẫn đẹp một cách lạ lùng và lung linh khi những ánh mặt trời cuối cùng sắp tắt, báo hiệu một ngày sắp qua đời, lúc xe tôi vừa thoát khỏi con đường trên núi chạy dọc bờ biển suốt từ đất Ý gần 800 km đến đây.
Marine là một bà chủ rất nhiệt tình. Con chó của bà cũng thế. Họ đón tôi ở cửa ngôi nhà của mình tại Mandelieu-la Napule. Thành phố nhỏ xíu ấy từ lâu đã nổi tiếng vì hoa mimosa và cũng được biết đến như là "sân sau" của Cannes. Đấy là một bất công lớn cho Mandelieu, bởi nơi có những căn nhà nhỏ lô xô, những lâu đài xinh xinh và cổ kính nhìn ra biển Địa Trung Hải này xứng đáng có được một sự quan tâm lớn hơn thực tế, khi ánh sáng của Cannes đã bao trùm những nơi được coi là vệ tinh của nó. Nhưng Marine bảo, chẳng ai có thể lấy đi được niềm tự hào của người dân nơi đây.

Trước khi người ta biết đến Cannes với Liên hoan phim thường niên vào tháng 5, Mandelieu-la Napule là một thiên đường của "art de vivre" (nghệ thuật sống), khi hàng năm, người giàu, các nhà quý tộc, những người yêu hoa đổ về đây để thưởng thức mimosa. Mỗi hội hoa mimosa hàng năm, người ta dùng đến 9 tấn hoa để trang hoàng thành phố và trang trí các xe hoa, kiệu hoa cho các đám rước. "Phim ở Cannnes ư, tôi không quan tâm", bà nói. "Vùng Bờ biển Thiên thanh này có quá nhiều điều để ngắm và cảm nhận hơn chỉ là Cannes".

Ngày tôi sang Pháp, xe chạy qua biên giới tới thành phố đầu tiên trên đất Pháp là Menton, "ville fleurite" (thành phố hoa), của những khu vườn và màu vàng của chanh, qua Nice với những đại lộ chạy dọc bờ biển, qua Antibes với những con phố dài nhưng nhỏ hơn, mát mẻ và trầm lặng hơn, để rồi sau đó ngược lên phía trên, nhưng vẫn men theo một chút biển, để tới Mandelieu-la Napule. Những con đường rất đẹp với những hàng cọ, những cánh cửa khép hờ trên phố, một vài cụ già thong thả đi qua đèn đỏ, đám thanh niên vừa lái xe vừa để mở toang cửa sổ, nhạc bật ầm ỹ và mồm hát theo.

Đấy mới chỉ là một chặng đầu nhỏ xíu trong hành trình nước Pháp dưới bốn bánh xe của tôi trong vòng hơn một tháng, và cảm giác ngay từ đầu đã rất tuyệt, rất hào hứng và đầy đam mê. Bao giờ cũng thế, tôi đến những vùng đất có bóng đá, để nhìn thấy những điều rất khác mà ở trong sân đấu, trong 90 phút hoặc hơn thế nữa, ta không thể thấy được. Cuộc sống rộng lớn vô cùng, và bóng đá chỉ là một góc rất nhỏ trong đó.

Nhưng bóng đá hầu như chưa có mặt ở nơi này. Đâu đó ở Nice, trên một con đường ngoại ô, phấp phới một lá cờ có chữ "EURO 2016, rendez-vous" (Điểm hẹn EURO 2016). Ngoài ra không còn gì nữa. Một ông già trong quán cà phê tôi ngồi một lúc bảo rằng, có bóng đá hay không thì cuộc sống ở đây cũng vẫn sẽ sôi động như thế. "Chẳng gì có thể thay đổi được màu xanh của biển ở ngoài kia", ông nói, và tôi ngỡ ngàng nhìn ông khi ngỡ ông là một triết gia.

Đương nhiên, người ta đã chuẩn bị tối đa cho giải đấu, và đối với một đất nước đã từ lâu quen với những làn sóng người đổ về đây tiêu tiền, kiếm tìm cảm giác hạnh phúc để quên đời hoặc đơn giản là để hưởng thụ cuộc sống mà họ cho là xứng đáng được hưởng, thì thêm một giải đấu bóng đá nữa cũng là chuyện rất bình thường. Khủng bố là một điều gì đó có vẻ rất xa vời với ông cũng như mấy ông lão đang câu cá bên một bãi biển ở Antibes. Trái bóng sẽ phải lăn. Những bàn thắng sẽ được ghi. Những đêm trắng vì ăn mừng chiến thắng và rơi nước mắt vì thất bại sẽ xuất hiện. Quỷ tha ma bắt những kẻ cực đoan mang danh đạo Hồi…


Tôi nhìn xuống biển đêm từ cửa sổ căn hộ. Phía dưới là Cannes, thành phố của điện ảnh, của những cuộc ăn chơi, của cuộc sống tươi đẹp, của những giấc mơ, của một bờ biển dài và cong mát mắt chạy tít đến Antibes, một thiên đường khác của những người ngưỡng mộ một cuộc sống vui tươi và đam mê. Từ cửa sổ hàng xóm bỗng vang lên một giai điệu cùng tiếng cười trong trẻo của một cô gái đang nói chuyện điện thoại (có lẽ là với người yêu).

Phải rồi, Charles Trenet đang hát "La Mer" (biển) và bỗng nhiên tôi nhớ đến những gia điệu dìu dặt và rất đỗi thân quen của nó ở đoạn cuối của bộ phim "Mr Bean's Holiday" (Kì nghỉ của Mr Bean), khi nhân vật hài đáng yêu của chúng ta vừa kết thúc một hành trình thật dài từ Paris đến Cannes. Chàng ngốc nhìn thấy biển, thấy những bãi cát, những con người vô lo đang chơi với sóng. Chàng quên hết tất cả, leo qua trần của biết bao chiếc xe để xuống bãi cát và sung sướng, háo hức như một đứa trẻ lần đầu tiên đứng trước biển xanh thẳm.

Để đến được đấy cho kịp Liên hoan phim Cannes, chàng đã đi ròng rã một đêm, buồn ngủ đến mức phải lấy que diêm chống mắt cho mí khỏi sập xuống. Thế rồi buổi sáng hôm sau, chàng và người bạn đồng hành-một nữ diễn viên ít tên tuổi nhưng có nụ cười khá duyên dáng-kêu lên hạnh phúc khi thấy biển vào một sớm tinh mơ. Tôi cũng đã kêu lên sung sướng như thế khi lái xe dọc bờ biển Thiên Thanh, qua Nice, Antibes và Cannes để lên tới đây, trong tiếng nhạc nhè nhẹ cất lên từ radio. Đấy là kênh Nostalgie chuyên phát các bài hát cũ. Và kiểu nhạc hoài cổ đó rất hợp với không gian tuyệt vời này.

Tôi không cần que diêm như Mr Bean mà chỉ cần vài li cà phê và tâm trạng hớn hở như một thằng bé con trước chuyến đi chơi là tới đất Pháp, và tôi reo lên đầy hứng khởi khi cuối cùng cũng tới Cannes. Ngày mai, ngày kia, những ngày sau nữa, tôi sẽ ra biển. Cannes đang chờ.

Chào nước Pháp. Chào EURO...

Trương Anh Ngọc (từ Cannes, Pháp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm