Trẻ vào lớp 1: Chuẩn bị tâm lý - chìa khoá thành công

29/08/2016 13:10 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Từ mầm non lên lớp 1, nhiều bé đã bị sốc và chán ghét việc đi học. Thế nên, chuẩn bị tâm lý cho con trước sự thay đổi này là việc mỗi người bậc cha mẹ cần làm.

Bé Trà My nhà anh Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) sắp tới sẽ vào bước vào lớp 1. Mấy năm học ở mẫu giáo, quen bạn, quen bè, được chơi với búp bê, cầu trượt…, thế nên khi phải xa trường, Trà My buồn lắm. Chẳng những vậy, tháng trước, anh cu Bon còn cứ doạ em là đi học lớp 1 sẽ phải dậy sớm, phải làm bài kiểm tra… nên cô nàng càng sợ, nói không muốn đi học lớp 1 đâu.

Tuy nhiên, sau khi được mẹ dẫn đi tham quan một trường tiểu học, được vào phòng học của các anh chị lớp 1, vào thư viện, phòng máy tính và được nghe kể về những hoạt động hay ho ở trường thì bé thay đổi hẳn.

Tuần vừa rồi, vợ chồng anh Tuân còn dẫn bé đi mua cặp sách, đồ dùng học tập và một bộ bàn học màu hồng xinh xinh cho bé. Nhìn thấy những món đồ nhỏ, Trà My lại càng háo hức hơn, mong ngóng đến ngày khai trường để được đi học.

Trẻ từ mầm non lên tiểu học sẽ có nhiều bỡ ngỡ, lo lắng và sợ hãi. Môi trường học tập mới, những người bạn mới, thầy cô mới và phương pháp học tập mới… có thể dẫn đến những thay đổi về tâm lý của trẻ. Để hạn chế những lo lắng và bất ổn này, bố mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý cho con.

Kể cho con nghe về trường học

Nhiều bé khi chuẩn bị lên lớp 1 hay bị các anh, các chị hoặc người lớn doạ nạt, như: lên lớp 1 sẽ phải học nhiều, không được đi chơi hay phải làm bài kiểm tra nhiều, rồi bị điểm kém sẽ bị phạt… Điều này vô tình sẽ khiến đứa trẻ sợ hãi, không muốn đi học.

Để khắc phục điều này, bố mẹ nên thường xuyên kể chuyện cho con nghe về trường học. Có thể kể cho con nghe vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, những câu chuyện về nội quy trường học, nhấn mạnh những điểm khác biệt giữa tiểu học và mầm non để con có sự chuẩn bị từ trước khi vào lớp.

Tuy nhiên, không nên nhấn mạnh quá nhiều vào những điểm tiêu cực khiến đứa trẻ sợ hãi. Thay vào đó, hãy kể cho con về những niềm vui có được khi đến trường như sẽ có thêm nhiều bạn mới, con sẽ khám phá ra nhiều điều mới lạ, biết đọc, biết viết. Con có thể đọc cho bố, mẹ nghe truyện, không cần nhờ ai đọc nữa…

Bố mẹ cũng có thể kể cho con nghe về thời cắp sách đến trường của chính mình, với những kỷ niệm hài ước, khó quên để con thêm hứng thú với môi trường mới.

Đặc biệt, hãy dành thời gian để nói về ngôi trường mà con sẽ theo học với những phòng học hiện đại, khuôn viên nhiều cây xanh, ghế đá, hay chiếc trống trường “quyền năng”… Cùng với đó, bạn hãy đưa con đến trường thăm quan ít nhất 1 lần trước khi chính thức nhập học để con có thể làm quen và tìm hiểu về “ngôi nhà” mới.

Làm quen với sách vở


Để con có thêm động lực và hưng phấn, bố mẹ nên cùng con lập kế hoạch mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, giày dép… cho năm học mới. Có thể ghi ra thành một danh sách đầy đủ và cả gia đình cùng nhau đi sắm sửa. Được tự tay chọn lựa những vật dụng cần thiết phục vụ cho việc học tập sẽ khiến trẻ thấy thú vị và có trách nhiệm hơn với việc học.

Bạn cũng đừng quên cùng con trang trí góc học tập, sắp xếp đồ đạc, bọc vở, dán nhãn cho những cuốn sách, cuốn vở... Nhớ là để con cùng làm nhé vì điều này sẽ tạo cho con thêm niềm háo hức được đến trường. Đồng thời, nó còn giúp con nhận thức được trách nhiệm giữ sạch đẹp đồ dùng học tập nữa.

Ngoài ra, trước ngày khai giảng, hãy gợi ý bé tự chuẩn bị quần áo đồng phục, hướng dẫn bé cách sắp xếp tập, sách, dụng cụ học tập bỏ vào từng ngăn cặp cho gọn gàng. Những lúc này, bé sẽ cảm thấy việc đi học là một điều rất đáng được mong chờ.

Đồng hành cùng con


Ngày đầu đi học thường là ngày vô cùng quan trọng với mỗi đứa trẻ. Trong ngày khai giảng, bố mẹ nên cùng con đến trường, cùng tham dự lễ khai giảng hoặc đơn giản là chờ đợi ngoài cổng. Chỉ là một hành động nhỏ thôi nhưng điều này sẽ khiến con thích thú và an tâm vì luôn có bố mẹ bên cạnh.

Khi con bắt đầu vào học, sau mỗi buổi, bố mẹ nên dành thời gian hỏi chuyện và tâm sự về những việc xảy ra trong ngày. “Con hôm nay ở trường có gì hay”? “Con thích gì ở trường nhất hay không thích gì”?… Những câu hỏi này sẽ giúp bạn biết được độ hứng thú cũng như khó khăn mà con đang gặp phải để có thể đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời.

Khen ngợi cũng là một biện pháp tâm lý rất tốt đối với trẻ nhỏ. Khi con làm được một việc tốt như được điểm cao, được cô giáo khen… thì bố mẹ hãy khen ngợi con, có thể tặng con một món quà hoặc “tích” điểm nhằm khuyến khích con cố gắng hơn nữa.

Không mắng trẻ khi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập mà nên tìm hiểu nguyên nhân và khích lệ để giúp trẻ học tốt hơn. Đồng thời, không so sánh con mình với con người khác, bởi mỗi đứa trẻ có một đặc điểm tích cách và khả năng khác nhau. Việc so sánh không tạo nên động lực mà còn khiến đứa trẻ mặc cảm, tự ti, ghen tỵ và ảnh hưởng đến đến mỗi quan hệ với người được so sánh.

Quí Cao
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm