Tưởng niệm các nạn nhân Nhật Bản: Trải lòng qua cuốn sổ tang

19/03/2011 11:02 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Xin chia buồn cùng đất nước và nhân dân Nhật Bản! Chúng tôi luôn ở bên cạnh các bạn. Cầu mong những linh hồn được bình yên”; “Nguyện cầu linh hồn các nạn nhân được siêu thoát trong miền cực lạc”… Đó là những dòng cầu nguyện cho các nạn nhân trong thảm họa động đất ở Nhật Bản được ghi trong sổ tang của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Những ngày này trời Hà Nội đang trong giá buốt, cơn mưa nặng hạt không ngớt như càng tăng thêm bầu không khí trầm mặc tại tòa nhà Đại sứ quán Nhật Bản ở 27, phố Liễu Giai. Theo thông báo từ Đại sứ quán Nhật Bản, thời gian ghi sổ tang bắt đầu từ 10 giờ sáng. Nhưng mới 8 giờ sáng ngày 18/3, mặc cho mưa lạnh, nhiều người đứng trước của Đại sứ quán để được vào ghi sổ tang. Người bảo vệ sứ quán cúi đầu chào, những người đi theo đoàn chỉ cần giới thiệu, người dân bình thường chỉ cần nói mục đích, đưa chứng minh thư cho bảo vệ xem và được mời vào cổng.

Xin được chia sẻ nỗi đau

Qua tầng 1 nơi làm hộ chiếu, lên cầu thang trái theo hướng dẫn của nhân viên sứ quán, là căn phòng đặt sổ tang. Không gian trầm lắng, những vòng hoa, bó hoa trắng tưởng niệm các nạn nhân đặt trước tấm bảng thông báo giản dị bằng tiếng Việt và tiếng Nhật: “Nơi ký sổ tang tưởng niệm các nạn nhân trong trận động đất ngoài khơi Thái Bình Dương phía Đông Bắc Nhật Bản”.

Những nhân viên trong bộ vest đen hoặc tối màu cúi chào và đi nhanh về phía khách. Nhanh chóng và trang trọng, họ hướng dẫn mọi người về vị trí ghi sổ tang phía trước những vòng hoa tưởng niệm.

Không khí trong phòng như ngưng lại, không một tiếng động, mọi người đều im lặng, chỉ nghe tiếng bút sột soạt ghi nhanh trên giấy, đôi khi nghe thấy tiếng nấc nhẹ của những người ghi sổ tang. Có lẽ, bình thường họ sẽ không khóc, nhưng khi trải lòng vào dòng chữ chia sẻ nỗi đau khiến cho người ta xúc động hơn.

Cậu bé được mẹ hướng dẫn cách ghi sổ tang tưởng niệm các nạn nhân Nhật Bản


Viết xong, tôi lặng lẽ lùi về phía sau. Bên phải tôi là những đại diện sứ quán người Nhật Bản, họ đứng nghiêm trang, có người khóe mắt hơi đỏ, môi họ hơi mím chặt, thi thoảng lại cúi người đáp lễ khách đến viếng thăm. Hình ảnh mím môi, những ngày này chúng ta đã bắt gặp nhiều ở đâu đó. Đó là trong những bức ảnh được phát đi từ nước Nhật, về người dân Nhật trong thảm họa. Cái mím môi thường biểu hiện của sự chịu đựng và quyết tâm. Dù ở nơi xa tổ quốc, họ có chung suy nghĩ với đồng bào ở quê hương mình.

Theo quan sát, những người đến đây có cả người Việt Nam và người nước ngoài, từ người già đến cháu bé chưa đầy 10 tuổi. Tất cả đều thành kính, trang nghiêm. Những dòng chữ sẻ chia, xúc động cứ ghi dày thêm những trang A4 trắng tinh, trong 6 cuốn sổ tang bìa bọc màu nâu trầm đặt ngay ngắn trên dãy bàn phủ vải trắng.

Gia đình bác Phạm Thanh Tân ở Thanh Xuân chia sẻ: “Xem tivi, đọc báo tôi thấy nỗi đau kinh hoàng và mất mát to lớn mà người dân Nhật Bản đang phải gánh chịu. Hôm nay xem tin thời sự thế giới lại nói tuyết rơi dày, đất nước tiếp tục bị dư chấn, họ lại đối mặt với chất phóng xạ rất nguy hiểm nữa. Dù họ ở một đất nước xa xôi, nhưng tôi thấy họ quá kiên cường. Tôi đến đây, cầu mong cho những nạn nhân được an nghỉ, người dân Nhật Bản sớm vượt qua hoạn nạn này”.

Những người đến đây đều chung niềm khâm phục tinh thần quả cảm của người dân Nhật Bản. Chị Nguyễn Thúy Hà, cho cậu con trai 10 tuổi của mình đến đây để tưởng niệm các nạn nhân kể: “Mấy ngày nay, con tôi theo dõi tin về Nhật Bản không khác gì người lớn, cháu còn bật cả truyền hình cáp để xem. Tôi nghĩ cháu chỉ thích đồ chơi, rô bốt, Đôrêmon thôi, chứ không ngờ cháu lo lắng thật sự. Những gì nước Nhật trải qua là quá khủng khiếp. Tôi đưa cháu đến đây để cháu bày tỏ yêu thương với những em nhỏ Nhật Bản, nạn nhân của trận động đất”.

Trong cuốn sổ tang, tôi cũng bắt gặp những dòng xúc động của ông Nguyễn Xuân Vui, một người từng công tác tại Nhật Bản đúng dịp đất nước này gánh chịu thảm họa. Ông viết: “Là người chứng kiến thảm họa trong những ngày công tác tại đất nước các bạn, chúng tôi nhận thức được ở người dân Nhật Bản tính kiên nhẫn, bình tĩnh để đứng vững trong cơn hoạn nạn. Hy vọng, với bản lĩnh kiên cường của người dân Nhật, các bạn sẽ vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục phát triển”.

Và còn nhiều, rất nhiều những lời sẻ chia hướng về nhân dân Nhật Bản trong những ngày đau thương này.

“Động lực to lớn giúp Nhật Bản vượt qua khó khăn”

Đáp lại những tình cảm từ đất nước Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc. Đại sứ viết: “Thay mặt Đại sứ quán Nhật Bản, tôi xin chân thành cảm ơn những lời thăm hỏi ân cần và những hỗ trợ mà Chính phủ Việt Nam cùng các đoàn thể, cá nhân đã dành cho Nhật Bản sau trận động đất ngày 11/3/2011”.

Đại sứ quán mở sổ tang ngày 17/3/2011. Sáng sớm cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến ghi sổ tang. Sau đó, rất đông các quan chức Chính phủ, đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các doanh nghiệp, trường đại học và người dân Việt Nam cũng đã tới chia buồn. Những lời chia buồn và thăm hỏi đó thể hiện tình bạn vững chắc của Việt Nam đối với Nhật Bản, khiến chúng ta thêm vững lòng và tin tưởng vào quan hệ hợp tác trên cơ sở tin cậy lẫn nhau giữa hai nước.

Hiện nay, tình hình thiệt hại do động đất và sóng thần tại Nhật Bản vẫn đang diễn biến phức tạp. Đại sứ Nhật Bản khẳng định: “Tôi sẽ chuyển tất cả những lời thăm hỏi và những hỗ trợ của các bạn tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, nhất là người dân khu vực thảm họa. Đó sẽ là động lực to lớn giúp nhân dân Nhật Bản đoàn kết nhất trí vượt qua khó khăn hiện tại để khôi phục lại đất nước. Nhật Bản cũng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để trợ giúp người Việt Nam cư trú tại Nhật Bản.

Một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được những tình cảm nồng ấm dành cho Nhật Bản của các bạn”.

Mạnh Cường

Lễ cầu siêu và ủng hộ nạn nhân động đất, sóng thần Nhật Bản

Chiều ngày 18/3 chùa Yên Phú (xã Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội), ngôi chùa có từ thời Hai Bà Trưng, đã tổ chức lễ cầu siêu và ủng hộ nạn nhân của trận động đất, sóng thần ở Nhật Bản. Thông báo về lễ cầu siêu và ủng hộ này chỉ được gửi đến các phật tử và người quan tâm một ngày trước đó, mặc dù thời tiết không thuận nhưng đã có hơn 300 phật tử dành thời gian đến dự và phát tâm đóng góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản.

Lễ cầu siêu và ủng hộ nạn nhân Nhật Bản ở chùa Yên Phú


Lễ cầu siêu diễn ra trong vòng 2 giờ đồng hồ với nhiều nghi thức trang trọng. Sau đó, nhà chùa và các phật tử đã đóng góp được 100 triệu đồng để ủng hộ người dân Nhật Bản. Toàn bộ số tiền được trụ trì nhà chùa, thượng tọa Thích Thọ Lạc, trực tiếp trao cho Đại sứ quán Nhật Bản trong ngày hôm nay 19/3.

Lễ cầu siêu cho nạn nhân của trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản là hoạt động thực sự mang ý nghĩa xã hội và đúng tâm nguyện nhà Phật, gắn kết con người ở mọi nơi trên thế giới lại với nhau.

Thúy Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm