Lưu Quang Vũ - Người biết yêu bất tử

19/05/2010 14:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Cuộc toạ đàm thơ Lưu Quang Vũ diễn ra tối 17/5 tại Trung tâm Văn hoá Pháp (L’Espace) Hà Nội kéo dài hơn hai tiếng, là minh chứng cho giá trị và sức sống của một người đa tài hiếm biệt, với sức sống căng đầy vẫn đang tiếp diễn. Như Vũ đã viết năm 1972: “Tình yêu tôi như một tiếng chuông dài/ Làm run rẩy hoa hồng trên ngực nắng”.

Vẫn trẻ trung thơ

Sống và làm thơ mãnh liệt những năm 70 thời kỳ chống Mỹ, nhưng Lưu Vũ là một giọng điệu khác hoàn toàn. Anh mãnh liệt trong nỗi buồn, để không hát đồng ca, không bị nhoà vào đại cảnh.

Chính vì thế, 22 năm sau khi ra đi vì tai nạn thảm khốc lúc tuổi 40, Lưu Quang Vũ vẫn trẻ trung thơ và có sức hút với công chúng nhiều thế hệ. Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tuyển thơ Lưu Quang Vũ (Nhã Nam và NXB Hội nhà văn ấn hành), cuốn sách 15 x 23cm, 400 trang, ra mắt và phát hành ngay sự kiện này, bằng sự đón nhận náo nức và nâng niu của công chúng. Những người tuổi 80, 70, bậc trung niên, những cô cậu sinh viên 20 tuổi, đều tìm thấy mình qua thơ tình Lưu Quang Vũ.


Cuộc tọa đàm về Lưu Quang Vũ
Có tuyển thơ này hôm nay, là nhờ công bà Vũ Thị Khánh (1925- 2006), người mẹ tuyệt vời của Vũ. Không làm nghệ thuật, song sống không khí văn nghệ cả đời, bà đã giữ gìn tác phẩm di cảo của con trai cả, đến khi yếu rồi mới trao lại cho con gái. Họ đã quý giá và đọc tác phẩm của người thân bằng máu thịt từng tế bào, để cho chúng ta được khám phá gia tài tinh thần của một thi nhân đẳng cấp.

248 ghế chật kín, nhiều người phải đứng hai bên lối đi cuối hội trường. Khán giả nghe các diễn giải thuyết trình, đọc những trang thơ trên giấy mới, thấy hiện lên cả lịch sử đất nước, xã hội qua số phận những con người. Một chàng trai bị loại ngũ, không có việc làm, tình yêu với Tố Uyên tan vỡ, chiến tranh khốc liệt, gia đình vất vả, vẫn dành đức tin cho tình yêu. Tình yêu và Em, là cứu rỗi, là tương lai, sức sống. Lưu Quang Vũ là nhà thơ bẩm sinh, cực nhạy cảm, một thiên tài. Thơ của anh đậm chất thơ, tràn ngập hình ảnh và xúc cảm, nó khác và vượt trên kiểu thơ gánh quá nhiều nhiệm vụ. Nó đạt tầm vóc nhân loại vì nói đến những khát vọng sâu thẳm và bi kịch của con người một cách nhân bản, vi tế nhất. Chất thơ ấy lại được đưa vào kịch của anh, từ những cái tên: Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Sống mãi tuổi 17, Nếu anh không đốt lửa, Khoảnh khắc và vô tận, Tin ở hoa hồng...

Lời thổ lộ sau 20 năm của HS Nguyễn Thị Hiền

Lưu Quang Vũ đã chuẩn bị thảo “Mây trắng của đời tôi”, chưa kịp in thì mất. Em gái đã in cho anh "Mây trắng của đời tôi" (1989), rồi tới “Bầy ong trong đêm sâu” (NXB Hội Nhà văn, 1993), “Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường” (nhật ký, di cảo thơ, NXB Lao Động, 2008); và giờ đây, đến “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" ... mới đạt được tâm nguyện.


Đây thực sự là giai phẩm nghệ về chất lượng nghệ thuật và thẩm mỹ. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, người mãi yêu và giữ tình yêu với Lưu Quang Vũ, đã nhận lời làm minh họa cho cuốn sách, vì lời hứa với Lưu Quang Vũ mùa Hè 1988. Giờ cũng đã Hè, mùa mà Vũ đã viết “Dành cho em”. Dành cho em hoa những khu vườn, mưa, sống dữ, cơn khát, thành phố “Anh muốn mang phủ ngập cả mình em” cùng nồng nhiệt, tha thiết, sức lực, tiếng chuông, vầng trán, nỗi nhớ: “Những gì tràn đầy những gì sôi sục/ Dành cho em sức lực của đời anh”.

Im lặng hơn 20 năm, HS Nguyễn Thị Hiền giờ đây mới cất tiếng: “Tôi và Vũ đã yêu nhau với một tình yêu trên cả sự chiếm hữu, không thời gian không năm tháng, chẳng bận tâm Vũ sống cùng ai. Vũ vui vẻ an toàn trong đời thường, là tôi an tâm. Vũ luôn muốn tôi làm việc, chúng tôi yêu tâm hồn nhau, luôn nhìn về một hướng để xứng đáng với nhau. Trong tâm tưởng nghệ thuật, lúc nào cũng là đốm lửa của nhau. Dù âm dương cách biệt, vẫn cảm nhận được nhau, vẫn còn chung nhiều lời hứa cùng nhau để làm”.

Đêm trước, nằm mơ thấy Lưu Quang Vũ về, sáng hôm sau, NXB điện thoại mời Nguyễn Thị Hiền làm minh hoạ cho tuyển thơ. Lưu Quang Vũ đã dành cho Hiền những bài thơ ám ảnh: “Lá thu”, “Gửi Hiền mùa đông”, “Thơ tình về người đàn bà không có tên”, “ Tình yêu - những năm đau xót và hy vọng”.

Gặp nhau từ 1970, khi HS đang phụ trách mỹ thuật cho tạp chí Thanh Niên, họ yêu nhau. Lưu Quang Vũ thích vẽ từ nhỏ, theo học thày Phạm Viết Song, từng vẽ áp – phích kiếm sống. Mỗi lần gặp hay chờ Hiền vào nhà in, Vũ làm thơ vào cuốn sổ, và cũng minh họa vài bức. Vũ rất thích các minh hoạ của Hiền cho tập này. Éo le nghịch cảnh và không lấy được nhau. Cuốn sổ bị lấy cắp, đã bị huỷ hay bị thất lạc, không rõ. Hiền chuyển cư vào Nam để rời xa kí ức đau. Hè 1988, Lưu Quang Vũ gặp Nguyễn Thị Hiền, anh nói muốn in tập thơ, với Hiền đã minh hoạ, họ hứa sẽ làm năm ấy. Hai tháng sau, Vũ qua đời, đó là lần gặp cuối cùng. Và hôm nay, lời hứa mới thành hiện thực.

Từ đận chia ly, Lưu Quang Vũ đã viết cho Hiền: “Cuộc sống chia rẽ chúng ta/ Chỉ cái chết là nối gần nhau lại/ Sau này chết đi, bên nhau mãi/ Chấm dứt mọi buồn tủi đắng cay mọi nhọc nhằn ngang trái/ Chúng mình vẫn nhận được ra nhau”. Bởi là tình yêu lớn của nhau: “Chẳng có ai yêu em như thế được”, Nguyễn Thị Hiền thể hiện tên 5 chương: Hương cây, Viết cho em từ cửa biển, Đất nước đàn bầu, Mắt của trời xanh, Những đám mây ban sớm và sáng tác 10 minh hoạ đẹp như những bức tranh. Hơn cả thế mạnh bút lực, đó là động lực của tình yêu.

Sống lại những kỷ niệm

Hóm hỉnh, thông minh và sâu sắc, phần nói của NSND Đào Trọng Khánh được hoan nghênh nhiệt liệt, là linh hồn, ấn tượng kéo dài của toạ đàm, bởi Khánh là tri kỉ, nhân chứng, người đã đi vào thơ Vũ. Cười mà ứa xót xa, khi Đào Trọng Khánh kể về nhưng ngày khó khăn buồn tủi của Vũ.


NSND Đào Trọng Khánh đang phát biểu. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Năm 1965, họ quen nhau khi Đào Trọng Khánh lên Hà Nội, làm điện ảnh. Rồi Vũ về Hải Phòng và từ tình bạn ấy, đã viết: “Đêm đồng chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn”, về nơi chứng kiến tình yêu và đau khổ: “Những người bạn khuân vác”, “Hải Phòng mùa đông”, “Nửa đêm đến thành phố lạ gặp mưa”. Đào Trọng Khánh nói rất tình, rất lửa khi ông nhìn thấy Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh... có mặt ở đây.

Ông kể: “Sau 1975, Quỳnh - Vũ vào Sài Gòn ra, đem cuốn Thằng ngốc của Dostoevsky, trong đó dịch là “Gã khờ”. Quỳnh bảo tôi, ông đem về mà đọc, vì cứ nhìn thấy nó là tôi đọc thành gà kho”. Thời đói ăn khốn cùng ấy, Khánh và Vũ hay đến nhà Lâm, 28 Triệu Việt Vương, sau những lúc tụ tập ở nhà Vũ, rồi ra quán đầu ghế gần rạp xiếc. Họ chỉ có tiền mua 3 cái chân gà to của quán phở bán gà Hồ. Vũ luôn “boa” cho người hát xẩm, lần nào cũng thế, để được nghe “Hòn Vọng Phu”. Vũ biết uống rượu, tửu lượng không cao, nên dễ say, mà say là có thể khóc. Đường vắng tanh, sau cơn mưa có trăng. Ba thằng lảo đảo về. Những con gà, phở gà ám ảnh chúng tôi đến nỗi, kết bài Mây trắng của đời tôi, Vũ viết: “Sợi dây mỏng nối liền ta với bạn/ Và ban mai trong mắt những con gà”. (Mọi người cười, vỗ tay vỡ hội trường)

* * *
Lưu Quang Vũ vẫn thổi tình yêu trên những cơn gió mạnh, những con đường gần gũi và tít tắp bằng mạch máu của người - đàn- ông biết yêu, biết sống cho tình yêu. Tôi như thấy Lưu Quang Vũ phong trần, hào hoa cưỡi chiếc Mobilette cá ươn trên đường Hà Nội, tươi sáng rạng rỡ, luôn là “Lưu in love”. “Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên”, Lưu Quang Vũ không thể ngừng yêu và thiếu Em: “Phải xa em anh chẳng còn gì nữa/ Chẳng còn gì, kể cả nỗi cô đơn”. Tôi biết nhiều người đã và đang yêu Lưu Quang Vũ mà không một lần dám nói. Còn tôi, không thể giấu che niềm ngưỡng mộ và tình yêu của mình với thơ Anh, với Lưu Quang Vũ, một tình yêu trinh khiết và đẹp đẽ trước một Người đàn ông Lớn, tài năng kiệt xuất mà cuộc đời sinh ra chỉ để yêu, được yêu, đau khổ và hạnh phúc, bấn loạn và thăng hoa giữa những tình yêu ...

Nhà thơ Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm