Trao giải Sách hay 2019: Tiếc vì vắng bóng tiểu thuyết

16/09/2019 06:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 15/9/2019 tại TP.HCM, kết quả giải Sách hay 2019 đã được công bố, với 6 hạng mục có tính “truyền thống” và 1 hạng mục mới là “Sách cho người trẻ” do Cộng đồng sách trẻ bình chọn. Các hạng mục đều khá tươi mới, tìm ra được vài tác phẩm xứng đáng nhất, chỉ tiếc hạng mục văn học, phần sáng tác là hoàn toàn vắng bóng.

Công bố 21 tác phẩm Sách hay năm 2019

Công bố 21 tác phẩm Sách hay năm 2019

Ngày 15/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc sách hay và Sáng kiến OpenEdu phối hợp tổ chức lễ công bố kết quả bình chọn “Giải Sách hay lần thứ IX, năm 2019”.

Mỗi hạng mục đều có 5 tác phẩm hoặc cụm tác phẩm vào chung khảo, riêng hạng mục văn học, phần sáng tác thì “trống trơn”. Phần văn học dịch trao cho tiểu thuyết Vết nhơ của người của Philip Roth, do Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Hạng mục văn học năm nay chỉ khu biệt với thể loại tiểu thuyết, điều này vừa là thuận lợi cho ban xét giải, nhưng kết quả lại trở thành bất lợi, vì họ không tìm ra tiểu thuyết xứng đáng để trao. Nếu mở rộng ra các thể loại khác như truyện ngắn, thơ, bút ký, lý luận, phê bình… thì chắc không thiếu.

Chú thích ảnh
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung (Trưởng BTC giải Sách hay 2019) phát biểu khai mạc

Những năm trước, ở phần sáng tác, giải Sách hay đã trao cho Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh, Tình cát của Nguyễn Quang Lập, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái… Nếu làm một phép so sánh có tính tương đối, thì những tiểu thuyết mới xuất bản mấy năm gần đây như Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, Nhụy khúc của Đinh Phương, Trời hôm ấy không có gì đặc biệt của Phan An, Về cô gái ấy của Nguyễn Ngọc Thuần… xứng đáng với giải Sách hay 2019.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương đang được đánh giá rất cao, có thể xứng đáng trao Giải sách Hay 2019

Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về hiện trạng của tiểu thuyết Việt Nam trong những năm gần đây, tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu nhận xét: “Tôi không bi quan về tình hình tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Thậm chí tôi đang có hứng thú theo dõi nó. Tín hiệu cảm thấy thú vị nhất là giờ có những tác giả - nhiều người trẻ - rất có ý thức theo đuổi thể loại, thể nghiệm cả những dòng mạch không có/chưa có truyền thống trong văn học Việt Nam, đặc biệt là thể hiện được năng lực tưởng tượng, mang đến nhiều bất ngờ. Ví dụ thể loại tiểu thuyết phản không tưởng (dystopia) của Maik Cây, ly kỳ mạo hiểm (thriller) và lịch sử của Phan Cuồng... Dù họ đang khá vất vả trong việc tìm kiếm ngôn ngữ cho tiểu thuyết, nhưng cũng đáng để chú ý. Có lẽ nhiều người cho rằng, đây là những hiện tượng mới manh nha, hoặc có tính thời trang nên gần như chưa có đánh giá nào thỏa đáng về họ”.

Trong văn giới khoảng 10 năm trở lại đây, tiểu thuyết Mình và họ của Nguyễn Bình Phương là một tác phẩm được đánh giá rất cao, thu hút nhiều góc nhìn. Trong một nghiên cứu công bố năm 2015, nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi nhận định: “Thật vậy, trong sáng tác nói chung, nội dung dù có cao quý đến mấy mà không được tác giả xây dựng như một ý đồ nghệ thuật, một định nghĩa mới về cái đẹp, một cách thách thức các quan điểm thẩm mỹ sẵn có, thì sản phẩm cũng chỉ xấp xỉ tiểu thuyết ngôn tình hay phim bộ Hàn Quốc. Ngược lại, bạo lực, một chủ đề thường bị coi là “ít nhân văn”, vẫn có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật đích thực dưới ngòi bút của Nguyễn Bình Phương như ta đã thấy, chính bởi nó tạo được một nguồn mỹ cảm đặc biệt”.

Chú thích ảnh
Bộ “Từ Dụ thái hậu “(2 tập) của Trần Thùy Mai xứng đáng là một giọng nói mới của dòng tiểu thuyết lịch sử

Trong một chiều kích khác, Từ Dụ thái hậu (2 tập) của Trần Thùy Mai xứng đáng là một giọng nói mới của dòng tiểu thuyết lịch sử. Nó gồm 69 chương, kể về cuộc đời bà Phạm Thị Hằng, chánh thất của hoàng đế Thiệu Trị, sau trở thành Hoàng thái hậu Từ Dụ. Tác phẩm “di chuyển” qua 3 triều vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị suốt 30 năm, với bao mưu mô, tội ác chốn hậu cung.

Đành rằng mỗi giải thưởng có một tiêu chí và tầm nhìn riêng, chúng ta tôn trọng quyết định của giải Sách hay 2019. Nhưng cũng lấy làm tiếc vì sự vắng bóng tiểu thuyết ở giải Sách hay 2019, vì thực tế đang có một số tiểu thuyết xứng tầm giải thưởng này.

Danh sách tác phẩm đoạt giải Sách hay 2019

1. Sách nghiên cứu: Hoàng Sa - Trường Sa - Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc của Phạm Hoàng Quân; Tri thức khách quan - Một cách tiếp cận dưới góc độ tiến hóa của Karl R. Popper, Chu Lan Đình dịch.

2. Sách giáo dục: Đại học - Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới- Từ trung cổ đến hiện đại của Nguyễn Xuân Xanh; Những nguyên tắc đạo đức trong giáo dục của John Dewey, Cao Tuấn dịch.

3. Sách kinh tế: Xã hội công dân Việt Nam dưới góc nhìn thể chế do Nguyễn Khắc Giang và Nguyễn Quang Thái chủ biên; Nền kinh tế chia sẻ: Sự kết thúc của việc làm, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản dựa-trên-đám-đông của Arun Sundararajan, Nguyễn Tuấn Việt dịch.

4. Sách quản trị: Nhượng quyền khởi nghiệp - Con đường ngắn để bước ra thế giới của Nguyễn Phi Vân; Tư duy nhanh và chậm của Daniel Kahneman, Hương Lan và Xuân Thanh dịch.

5. Sách thiếu nhi: bộ sách Con gà đẻ trứng vàng, Mỗi hơi thở một nụ cười của Thích Nhất Hạnh; Chuyến tàu đêm trên dải ngân hà của Kenji Miyazawa, Thanh Điền dịch.

6. Sách văn học: (không tìm được tiểu thuyết sáng tác để trao giải); Vết nhơ của người của Philip Roth, Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh dịch.

7. Sách cho người trẻ: a) Tác phẩm kinh điển: Suối nguồn của Ayn Rand, Nhà giả kim của Paulo Coelho, Hoàng tử bé của Antoine De Saint-Exupéry, Giết con chim nhại của Harper Lee, Những người khốn khổ của Victor Hugo; b) Tác phẩm đương thời: Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh của Giản Tư Trung, Bức xúc không làm ta vô can của Đặng Hoàng Giang, Sapiens: Lược sử loài người của Yuval Noah Harari, Cà phê cùng Tony của Tony Buổi Sáng, Lối sống tối giản của người Nhật của Sasaki Fumio.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm