30/06/2016 13:31 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ trao giải văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ 3-2015 diễn ra tại thành phố Cao lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày 30/6/2016. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp.
Đây là lần trao giải thứ 3, với tổng cộng 67 giải cho các lĩnh vực văn học, âm nhạc, điện ảnh - truyền hình, mỹ thuật , nhiếp ảnh, sân khấu, và văn nghệ dân gian.
Quang cảnh lễ trao giải Nguyễn Quang Diêu lần 3, diễn ra từ sáng đến chiều ngày 30/6/2016
Giải thưởng được trao 5 năm 1 lần, mang tên của nhà thơ - nhà chí sĩ cách mạng thời cận đại Nguyễn Quang Diêu (1880 - 1936). Ông là người con của xã Tân Thuận Tây, Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày nay, và là nhà cách mạng có tầm hoạt động quốc tế.
Về văn chương, ông viết bằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ, và chữ Hán, nhưng đương thời ông không tự xuất bản thành tập riêng. Về sau này, tác phẩm của ông được kết tập thành Cảnh Sơn Nguyễn Quang Diêu thi văn sưu tập (do Nguyễn Công Rao sưu tập), Cảnh Sơn thi tập và Cảnh Sơn thi tập chi nhứt (do Phạm Trung Chánh sưu tập).
Năm nay, riêng giải A, trao 8 giải trên 7 lĩnh vực, trong đó văn học gồm 2 giải của Hữu Nhân (tập thơ Gọi thơ) và Hồ Văn (tập truyện ngắn Mùa cúm núm thay lông).Các giải A khác trao cho Trần Tấn Lực (ca khúc Khúc ca dâng Đảng), Thanh Truyền - Tùng Thiện - Phú Nghĩa (phim tài liệu Tìm lại giọng hò), Nguyễn Đắc Nguyên (tranh sơn dầu Tháng Ba), Nguyễn Văn Nguyên (nhiếp ảnh Thế mạnh quít hồng), Ngô Triều Dương (tập ca cổ Tình ca quê mẹ), Nguyễn Hữu Hiếu (nghiên cứu Nghề cá Đồng Tháp Mười năm xưa).
Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp ngày đầu thành lập chỉ hơn 60 người, ngày nay đã có hơn 400 hội viên. Việc thành lập và duy trì được một giải thưởng như Giải văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu là nỗ lực đáng trân trọng. Giải cũng là điểm nhấn khi nhìn về văn học nghệ thuật của Đồng Tháp, và rộng hơn là của miền Tây Nam bộ.
Từ trái sang: nhà thơ thai Sắc, nhà thơ Thu Nguyệt, nhà văn Trần Quốc Toàn, nhà thơ Hữu Nhân
Nhìn từ bình diện quốc gia, hội đã “tiến cử” nhiều tên tuổi vượt qua lãnh địa của một tỉnh, ví dụ trong văn học có nhà thơ Thu Nguyệt, nhà văn Trần Quốc Toàn, nhà thơ Thai Sắc, nhà thơ Hữu Nhân…
Trong đợt trao giải lần thứ 2 cách đây 5 năm, nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Nam (giao hưởng Mẹ Việt Nam), nhà điêu khắc Nguyễn Oanh (tác phẩm Người anh hùng bất tử)… đã được trao các giải A. Chính những tên tuổi này đã cho thấy nỗ lực và uy tín mà Giải văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu muốn hướng đến.
“Văn học Đồng Tháp nói chung cũng đi theo chu trình thịnh suy của văn học đồng bằng sông Cửu Long và văn học Việt Nam. Nếu hiện nay văn học nước nhà đang bình bình, thì văn học Đồng Tháp cũng vậy. Nhìn từ khía cạnh giải thưởng được trao định kỳ 5 năm một lần, để khẳng định rằng lần nào cũng có tác phẩm hay hoặc xuất sắc thì rất khó, nhưng nỗ lực duy trì và mở rộng giải thưởng là rất đáng ghi nhận” - nhà thơ Thu Nguyệt chia sẻ.
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất