23/03/2021 19:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, TP.HCM), Triển lãm tranh lụa Hoàng Minh Hằng vừa khai mạc, giới thiệu nhiều tác phẩm đặc sắc.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: “Sau Nguyễn Phan Chánh, Trần Đông Lương, Mai Long, Mộng Bích, Kim Bạch…, đến Hoàng Minh Hằng thì tranh lụa mới có lại cái hoành tráng trong cảnh vật, giản dị, khoáng đạt trong tâm tư chân thành...”.
Nguyễn Quân nói thêm: “Hoàng Minh Hằng là tác giả đã định hình phong cách lụa từ rất sớm, hầu như không thay đổi, mà tác phẩm luôn mới, nên khá độc đáo. Tranh của Hoàng Minh Hằng không mắc vào vẻ làm duyên, điệu dáng, nữ tính, mơ màng, ẻo lả, đáng yêu… một cách hời hợt và giả tạo tràn lan, đã thành “thương hiệu” tầm thường, trưởng giả của tranh lụa Việt Nam lâu nay. Tranh của chị có một thẩm mỹ tự tại, tư tưởng ung dung, vì thế tranh mang phong vị cổ điển Á Đông. Đây là nữ họa sĩ ít nữ tính mà nhiều nữ quyền nhất mà tôi thích. Thích nhất!”.
Bố cục âm dương
Về bảng màu và tạo hình, tranh lụa của Hoàng Minh Hằng có sự tiếp nối từ tranh lụa thời mỹ thuật Đông Dương, với nét buồn vương, âm âm đặc trưng. Chị luôn giữ nguyên đặc tính của tranh lụa truyền thống, với kỹ thuật nhuộm và rửa lụa nhiều lần, tạo ra độ trong suốt và mềm mại. Thực hiện kỹ thuật này trên mảng lớn, diện rộng là rất khó, cần một tài năng riêng và sự nhạy cảm màu đặc biệt.
Họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang chia sẻ: “Tôi không được học cô Hoàng Minh Hằng, chỉ nghe danh tiếng trong giới. Nhưng sau vài lần gặp gỡ loáng thoáng, tôi cảm nhận bên trong sự mỏng mảnh, nhẹ nhàng, chậm rãi, khiêm cung của cô là một nội tâm phong phú, mạnh mẽ. Đến hôm qua, khi tận mắt xem tranh, tôi càng thấy cảm giác của mình là đúng. Sự đơn giản, lãng mạn trong cách chọn đề tài, sự chuyển biến màu sắc nhẹ nhàng trong các mảng miếng vẫn không che giấu nổi sự mạnh mẽ của đường nét và hình khối. Đứng trước tranh của cô, người khác có thể thấy được sự trong trẻo, nhẹ nhàng, nhưng tôi lại cảm thấy một sự cô đơn và một nỗi buồn sâu thẳm”.
“Tôi cảm nhận mỗi một bố cục tranh đều được sắp xếp có sự tính toán khéo léo, chứ không thuần do bản năng hoặc cảm tính. Nó không hề dễ dãi, vì khá cổ điển, nhưng được làm mới bằng những đường nét và hình khối khỏe khoắn” - Châu Giang nói thêm - “Tôi thích cách đi màu nhiều lớp của cô. Với cách vẽ màu loãng, nhạt mà để đạt được độ sâu và thắm như vậy cần kỹ thuật giỏi, đặc biệt là sự bình tĩnh và kiên nhẫn, vì nếu không màu sẽ bị nông và đục. Độ sâu của màu lụa như vậy tôi thấy lớp trẻ vẽ lụa ngày hôm nay còn phải học rất nhiều mới đạt tới được”.
Bố cục tranh của tác giả có một đặc điểm dễ nhận biết: Luôn giữ sự cân đối âm dương, lớn nhỏ một cách vừa bài bản vừa tinh tế. Bài bản thì dễ rồi, họa sĩ chuyên nghiệp thì có thể làm được. Nhưng để đạt đến sự tinh tế trong bài bản, không cứng nhắc, không giáo điều thì phải cần đến tài năng đặc biệt, đôi khi trời cho.
Hoàng Minh Hằng sinh năm 1946, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1972, chuyên tâm vẽ và giảng dạy. Cả cuộc đời làm việc không ngừng nghỉ, nhưng chị ít xuất hiện bằng triển lãm hoặc trên truyền thông. Chị không lánh đời và không lập dị, nhưng chỉ muốn giữ một khoảng riêng tư nhất định để làm việc, khi nào cảm thấy được thì xuất hiện. Triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1989 và lần thứ hai năm 1994 diễn ra tại TP.HCM. Triển lãm cá nhân lần thứ ba diễn ra tại Hà Nội năm 2020.
Tinh thần bình thản
Từ tháng 5/1992, khi xem tranh Hoàng Minh Hằng, họa sĩ Nguyễn Trung đã viết: “... Một thế giới bình lặng, thanh thản. Có thể nói, đó là thế giới của một con người muốn lánh xa cuộc sống phiền lụy để quay về với cõi riêng của mình. Cái thời thơ ấu của chiến tranh, của bom đạn, của những ngày gian khổ dường như đã hiện lên tranh của cô với những hình ảnh hoàn toàn ngược hẳn của nó. Tôi nhớ mang máng ở đâu, trong sách nào đó, khi người ta hỏi Henri Matisse vì đâu mà ông vẽ những bức tranh tươi sáng, yêu đời như vậy thì ông trả lời: “Có lẽ vì tôi đã quá khổ đau”.
“Dù thể hiện lụa hoặc sơn mài, Hoàng Minh Hằng đều có cùng phong cách: Từ tốn, ôn hòa, màu sắc nhẹ nhàng, không gian thoáng đãng, mênh mang, sâu lắng. Những thuyền, biển, cảnh miền núi, thôn quê, những hoa và trái là những cái cớ để cô bộc lộ cái rung động về tạo hình, về ước muốn cho cuộc sống thanh bình, tươi đẹp với một tình yêu trầm tĩnh và sâu sắc” - Nguyễn Trung nói thêm.
Nhận định này vẫn còn đúng y nguyên với tranh của Hoàng Minh Hằng hôm nay, ở cái tuổi U80, nơi mọi thứ đã có thể bỏ ngoài tai. Nghĩa là, từ rất trẻ, chị đã đạt đến sự bình thản, tự tại trong cách nhìn, cách thể hiện.
Nguyễn Thị Châu Giang khẳng định: “Khi đến ngắm tranh của cô thì nên mang theo một tâm thế nhẹ nhàng, dung dị để cảm cái kỹ thuật lụa truyền thống đỉnh cao đang dần mai một, để cảm một tình yêu sâu lắng với thiên nhiên, con người và hội họa. Còn nếu đến với một tâm thế kiếm tìm cái mới lạ, cách tân, ồn ào, khoa trương, thì tôi nghĩ sẽ dễ bị thất vọng. Với riêng mình, tôi đã được truyền thêm cảm hứng sau khi xem tranh của cô”.
Triển lãm tranh lụa của Hoàng Minh Hằng kéo dài đến hết ngày 5/4 tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, TP.HCM). |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất