(TT&VH) - Dòng tranh dân gian này một mặt luôn bám sát thời cuộc, thời Pháp thuộc thì đả kích các biến tướng nhiễu nhương của phong trào Âu hóa; thời chống Pháp, chống Mỹ thì các nghệ nhân Đông Hồ chính là các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Bây giờ ta quay lại câu chuyện những bức tranh Đông Hồ buổi đầu. Điểm qua một số bức tranh có nội dung nhắn gửi về đạo lý như những trang sách quý của người xưa để lại cho con cháu.
Vì sao tranh Nhân nghĩa - Lễ tri lại vẽ ôm cóc, ôm rùa?
Ta hãy cùng nhau xem bộ tranh đôi: Nhân nghĩa - Lễ tri. Tranh Nhân nghĩa vẽ bé ôm cóc. Đây là tranh thuộc thể loại chúc tụng. Cháu bé trong tranh ôm cóc là ôm cái ý chí của cậu ông Trời, người ta mong cháu lớn lên có cái gan của cóc, có cái ý chí, cái uy và cái nhân nghĩa của cóc.
Tranh Nhân nghĩa
Có một chuyện thú vị vừa diễn ra là vào tháng 4/2009 vừa qua, ở Bordeaux tôi tặng cho một chị người Pháp bức tranh trên. Chị cầm bức tranh ngần ngại rồi nói với phiên dịch muốn đổi bức khác... Tôi hiểu chị ấy ghê con cóc bẩn, tại sao lại cho em bé ôm con vật như vậy. Nhưng khi nghe tôi giải thích xong về bức tranh thì chị ấy ôm bức tranh vào ngực, biểu lộ thái độ trìu mến rồi tươi tắn trả lời: Không đổi nữa, sao lại có thể xa rời một nhân cách lớn như vậy. Bài học về giá trị nhân cách đã thấm vào người ở xa chúng ta vạn dặm từ một bức tranh khiến tôi thấy rất vui.
Bức Lễ tri lại vẽ bé gái ôm con rùa. Rùa là con vật sống lâu, được coi là linh vật. Rùa nằm trong tứ linh: Long-Li-Qui- Phượng, là biểu tượng bền vững ngàn năm. Lễ là lễ nghĩa, tri là hiểu biết. Có hai thứ đó sẽ có sự bền vững vĩnh hằng. Đó là lời giáo huấn nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nhưng tại sao con rùa lại trong tay bé gái? Chúng ta đều biết dân gian có câu “Phúc đức tại mẫu”, người mẹ là người bú mớm cho con lớn lên và dạy cho con đạo lý đầu tiên ở đời. Người mẹ sinh con đẻ cái nối dài cuộc sống của xã hội. Vai trò và trách nhiệm tự nhiên của người mẹ phương Đông rất lớn. Khi nói chuyện này ở Pháp, nhiều phụ nữ lắc đầu thán phục. Ở phương Tây vai trò người mẹ không giống như thế. Hai bức Nhân nghĩa và Lễ tri là sự cân xứng cho một xã hội lành mạnh.
Những bài học thấm thía
Bức tranh thầy đồ cóc: Lão oa giảng độc lại mang một ý nghĩa khác. Trong tranh, ông thầy cóc chễm chệ trên bàn trà có nghiên bút mực, có ống điếu, đĩa hoa quả và được bóng tùng che mát. Rõ ràng ông thầy ở vị trí cao sang tôn kính. Bên dưới là lũ cóc, đứa trả bài, bê ấm trà lên cho thầy, đứa bị đánh đòn vì phạm lỗi. Trưởng tràng (lớp trưởng) thì đi thu bài, mỗi người mỗi việc.
Thầy đồ cóc - hoàn toàn không phải tranh châm biếm
Đây không phải là bức tranh lớp học mà là tranh dạy về đạo lý của sự học. Muốn học chữ phải học trước sự tôn trọng tuyệt đối thầy, phải phục vụ thầy, chịu sự quản lý của thầy. Đó là tôn ti trật tự của đạo học phong kiến ngày xưa. Trước đây có người giải thích rằng đây là bức tranh biếm, chế giễu cách học vẹt ê a của thầy đồ xưa là không chính xác... Trong tranh nghệ nhân chọn thầy là cóc, trò cũng là cóc là có ý tứ: Con cóc ở đây chính là hình tượng có nhân cách: thầy trò đều thuộc hàng có nhân cách mới mong học được chữ của thánh hiền!
Tranh Gà dạ xướng có dòng chữ: Ngũ canh hòa dạ xướng (5 canh con gà gáy đúng thời khắc) lại là lời nhắc nhở về chữ tín mà người đời cần nhớ qua biểu hiện tiếng gà năm canh, dù nắng mưa hay giá rét không bao giờ sai. Đó là đức tính người đời cần ghi nhớ và làm theo.
Tranh Công việc nhà nông lại cho một ý nghĩa khác. Xét kỹ thì đây là bức tranh dạy học, kể về các công đoạn trong việc trồng cây lúa. Nghệ nhân đã mô tả hai câu ca dao rất khéo: Ai ơi ăn bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần, bằng một bức tranh mang tính tổng hợp: làm đất gieo mạ, nhổ mạ cấy lúa, thu hoạch phơi phóng và xay giã nấu thành cơm. Cuối cùng là cảnh sống sung túc: sân nhà gà lợn, có cả chuồng chim bồ câu. Trên trời cao đôi chim én bay lượn, bên dưới bà cháu quấn quýt, khung cảnh thanh bình.
Tranh Công việc nhà nông
Tôi rất thích bức tranh này vì hai lý do: một là nó mở rộng không gian ra vô biên (làm đất gieo mạ, nhổ mạ cấy lúa, gặt đập phơi phóng xay giã và trên cùng là không gian gia đình, đều là những không gian khác nhau được đưa lên cùng một mặt phẳng), hai là đưa cả thời gian một vụ lúa khoảng bốn tháng trời vào trong một tranh. Có rất nhiều nội dung trong một bức tranh như vậy mà vẫn có sự gắn bó khăng khít. Dù không chủ ý, nhưng với cách nghĩ và cách thể hiện giản dị của nghệ nhân, bức tranh này vô tình mang màu sắc đồng hiện. Thời gian và không gian được nghệ nhân đưa lên cùng một mặt phẳng, một thế giới sống rộng lớn. Sau này tranh Hàng Trống cũng có một bức tương tự, nhưng là tranh nằm với lối phô diễn thời gian và không gian như trên, nghĩa là đổi hình thức nhưng không đổi ý...
***
Chỉ giới thiệu một vài bức tranh trên ta cũng đã thấy được cái sâu xa trong cách làm tranh của nghệ nhân xưa. Bức tranh không chỉ là để trang trí mà trong nó còn cả một bài học dài về đạo lý. Hiểu được điều đó ta càng thấy yêu quý những giá trị thầm kín của người xưa để lại. Đó là những trang sách hình chứa đựng tư tưởng, đạo đức, văn hóa, kinh nghiệm sống của một thời truyền cho thế hệ sau rất đáng ghi nhớ!
Đỗ Đức (họa sĩ)