12/02/2011 10:52 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Bức chân dung một phụ nữ Afghanistan bị chồng xẻo mũi và tai do một phóng viên ảnh người Nam Phi chụp đã vừa được trao giải “Bức ảnh của năm”, trong khuôn khổ Giải ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo- WPP) 2010. Ra đời từ năm 1955 tại Hà Lan, đây được coi là giải ảnh báo chí danh giá nhất hiện nay.
Bức ảnh chân dung do nhiếp ảnh gia Jodi Bieber chụp, đã cho thấy một cô gái Afghanistan còn khá trẻ nhưng trên khuôn mặt lại hiện diện một lỗ đen ngòm, rộng hoác, ngự trị ngay chính nơi từng là cái mũi xinh đẹp. Khi xuất hiện lần đầu trên tạp chí Time hồi tháng 8 năm nay, bức ảnh đã khiến độc giả vô cùng xúc động
Bức ảnh đáng sợ nhưng xuất sắc
“Bức ảnh của năm” do nhiếp ảnh gia Bieber tạo nên.
Cô gái 18 tuổi người Bashtun có tên Bibi Aisha đã bị chính người chồng của mình dùng dao tàn phá gương mặt. Tội của cô là đã trốn khỏi nhà trong một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Uruzgan, do không còn chịu nổi những trận đòn và sự nhục mạ của gia đình chồng.
Khi bị bắt lại, một thủ lĩnh Taliban “nhân danh công lý” đã ra lệnh cho chính những người anh em nhà chồng cô trừng phạt cô theo hình phạt tưởng chỉ có ở thời Trung Cổ.
Hình ảnh Aisha tàn tật với cái nhìn đau đớn trên trang bìa tạp chí Time của Mỹ khiến ai cùng phải phẫn nộ. Bức ảnh là lời nhắc nhở đau đớn về số phận tất yếu của những người phụ nữ có tư tưởng độc lập nếu tàn quân Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan.
Hội đồng giám khảo cho rằng bức ảnh, dù gây sốc, đã nêu bật tình trạng bạo lực chống lại phụ nữ và vì thế xứng đáng được trao giải.
Cô gái trẻ sau đó đã được giải cứu và giờ đang định cư ở Mỹ. Nhưng bức ảnh của cô, ngoài việc gây thương cảm, còn tạo nên một cuộc tranh cãi về việc liệu báo chí có nên xuất bản hay phải kiểm duyệt những bức ảnh đáng sợ như vậy. "Đó là một bức ảnh xuất sắc, một bức ảnh vô cùng khác biệt, một tấm hình đáng sợ” - giám khảo Vince Aletti, một nhà phê bình tự do người Mỹ nhận xét - "Bức ảnh này nói lên quá nhiều điều, không chỉ về trường hợp đặc biệt của riêng cô gái này, mà còn về tình trạng của phụ nữ trên thế giới”.
Hãng tin AP đánh giá bức ảnh nhận được điểm cao còn vì nó khá giống với một tấm hình khác do phóng viên Steve McCurry của tờ National Geographic chụp hồi năm 1984, ghi lại cảnh một cô gái Afghanistan trẻ với cái nhìn xoáy tâm can người khác.
Các hãng ảnh vẫn thống trị WPP
Năm nay ban giám khảo WPP đã nhận một lượng tác phẩm dự thi khổng lồ, với 108.059 bức ảnh thuộc về 5.847 nhiếp ảnh gia nhà nghề tới từ 125 nước. Tổng cộng có 56 nhiếp ảnh gia từ 23 nước giành giải.
Giải WPP 2010 tiếp tục chứng kiến sự thống trị của các hãng ảnh chuyên nghiệp, cũng như các hãng tin lớn, dù nhóm các phóng viên tự do và nhiếp ảnh gia hoạt động độc lập đoạt giải vẫn đều đặn tăng cao. Cụ thể, các hãng ảnh Getty Images và Panos đều giành được 5 giải thưởng trên 5 hạng mục khác nhau. Trong khi đó, hãng tin Reuters rinh về 3 giải, còn 2 hãng tin Associated Press và AFP mỗi hãng có 2 giải.
Một trong những người giành nhiều giải lớn năm nay là nhiếp ảnh gia tự do Daniel Morel ở Haiti. Morel giành giải nhất trong hạng mục Chùm ảnh sự kiện tiêu điểm vì đã ghi lại vụ động đất diễn ra ngày 12/1 ở Haiti và hậu quả diễn ra sau đó. Ông cũng giành giải Nhì ở hạng mục “Ảnh đơn tiêu điểm” khi ghi cảnh một phụ nữ mắc kẹt dưới đống đổ nát được giải cứu. Hiện Morel đang có tranh chấp pháp lý liên quan tới những bức ảnh đoạt giải này. Số là Morel đã đưa các tấm ảnh của ông lên một trang web và ai đó đã lấy chúng và bán cho hãng tin AFP một cách trái phép. Chưa rõ các cuộc tranh cãi sẽ kết thúc ra sao.
Trong khi đó, giải Nhất hạng mục Ảnh đơn tiêu điểm thuộc về Peter Lakatos, Hungary với bức Suicide jump; giải Ảnh đơn tin tức tổng thể thuộc về Riccardo Venturi, Italia, với bức Old Iron Market burns, giải Chùm ảnh tin tức tổng thể thuộc về Olivier Laban-Mattei, Pháp, phóng viên hãng tin AFP với các bức ảnh ghi lại trận động đất Haiti.
Các giải Ảnh đơn nhân vật trong tin tức thuộc về Altaf Qadri, hãng tin AP, với bức Funeral of Feroz Ahmad, Pahan, Indian-administered Kashmir; giải Chùm ảnh nhân vật trong tin tức được trao cho Daniel Berehulak, hãng ảnh Getty Images, với các tấm hình chụp trận lụt ở Pakistan.
Ảnh bé Lý đoạt một giải Nhì
WPP cũng trao nhiều giải thưởng khác cho các hạng mục như Ảnh hành động thể thao, Ảnh mục thể thao, Ảnh những vấn đề đương đại, Ảnh đời thường, Ảnh chân dung, Ảnh nghệ thuật và giải trí cùng giải Ảnh thiên nhiên. Mỗi giải này đều có 3 giải cho ảnh đơn và chùm ảnh. Đáng chú ý là bức ảnh của Ed Kashi, thuộc hãng ảnh VII Photo, chụp bé Nguyễn Thị Lý, 9 tuổi, nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng đã được trao giải Nhì “Ảnh những vấn đề đương đại”.
Bức ảnh chụp bé Lý đã được trao giải Nhì hạng mục “Ảnh những vấn đề đương đại”
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất