Tranh cãi việc 'hành chính hóa' quản lý phủ Dầy

22/01/2015 07:15 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/1/2015 UBND huyện Vụ Bản (Nam Định) ban hành Quy chế Quản lý, Bảo vệ và Phát huy Giá trị Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy. Quy chế này đã “gây bão” ở địa phương khi nhân dân và các thủ nhang có những phản ứng mạnh về việc “hành chính hóa” vấn đề tâm linh.

Mấu chốt gây tranh cãi trong quy chế của huyện Vụ Bản là việc “bầu” thủ nhang và đặt “nhiệm kỳ” 5 năm với thủ nhang (khác với việc cha truyền, con nối theo đặc trưng tâm linh trước kia). Lý giải về điều này, ông Phạm Đình Mậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Tổ trưởng Tổ Biên tập Quy chế cho biết: Thủ nhang sẽ được bầu theo hình thức dân chủ. Ai được dân tín nhiệm sẽ trông coi phủ. Chúng tôi đã tổ chức nhóm họp nhiều lần với cơ quan chức năng và người dân để thống nhất việc ra quy chế mới và đảm bảo quy chế được sự đồng thuận của người dân.


Hội Phủ Dầy, Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia, hàng năm thu hút hàng ngàn du khách thập phương. Ảnh: Minh Quyết- TTXVN

Tuy nhiên, thủ nhang phủ Tiên Hương (thuộc quần thể di tích Phủ Dầy) Trần Thị Duyên lại phản ứng hoàn toàn khác. Bà Duyên cho biết: Chúng tôi chỉ được huyện mời lên họp một lần duy nhất mà không nêu rõ họp về vấn đề gì. Buổi họp và trưng cầu ý kiến các thủ nhang cũng như đại diện địa phương diễn ra trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ. Với người 85 tuổi như tôi, việc phải ký vào một văn bản pháp lý dài cả cả chục trang giấy có rất nhiều đề mục quan trọng là điều không thể.

Khi hay phóng viên tới phủ, nhiều người dân xã Kim Thái (huyện Vụ Bản, Nam Định- đơn vị có di tích) đã tập trung trước cửa phủ Tiên Hương để trình bày nguyện vọng. Theo những người dân này, việc quy định “nhiệm kỳ” với thủ nhang là “hành chính hóa” vấn đề tâm linh. Điều này ảnh hưởng nhiều tới tín ngưỡng của người dân và có thể phủ nhận những công đức của thủ nhang vốn được người dân rất tín nhiệm.

Phóng viên đặt câu hỏi về việc nếu được lòng dân, tại sao người dân phải quan ngại việc lấy phiếu tín nhiệm với thủ nhang hiện thời, bà Trần Thị Lan (người dân xã Kim Thái) đáp: Chúng tôi lo những cuộc lấy phiếu tín nhiệm này sẽ làm làng thôn chia năm, xẻ bảy vì những cuộc “vận động”. Và chúng tôi cũng sợ cả những tiêu cực có thể sẽ xảy ra.

Đây chỉ là hiện tượng ở một địa phương, song việc xử lý mối quan hệ chồng chéo giữa nhà quản lý với các đền, phủ thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu. Trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Việc quản lý các di tích liên quan tới tín ngưỡng và tâm linh là cần thiết. Tuy nhiên, với đặc thù tín ngưỡng thờ Mẫu vốn gắn chặt với văn hóa dân gian nhiều năm, các nhà quản lý cần hết sức mềm mỏng, linh hoạt. Đặc biệt, tuy chỉ là một câu chuyện ở một địa phương song rất có thể, đây sẽ là tiền lệ cho nhiều địa phương khác. Bởi vậy, các cơ quan quản lý cần bình tâm nghiên cứu thật kỹ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, những người “giữ lửa” cho tín ngưỡng hàng trăm năm”.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm