Tranh cãi trong ngày: Nếu Công Vinh và "đồng đội" gây ra sóng ngầm, VFF phải "xử" thẳng tay?

02/12/2012 07:10 GMT+7 | Đội tuyển Việt Nam

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu những ngôi sao của đội tuyển Việt Nam gây ra sóng ngầm tại AFF Cup 2012, VFF cần phải ra tay "xử" nặng, như những gì Liên đoàn bóng đá Pháp đã làm sau World Cup 2010 hay Man City đối với trường hợp của Tevez.

Hôm qua, hàng loạt trang báo uy tín của Việt Nam đưa tin nhiều cầu thủ của đội tuyển quốc gia đã tranh cãi quyết liệt với huấn luyện viên Phan Thanh Hùng và ban huấn luyện sau thất bại quyết định trước Thái  Lan.

VnExpress đưa tin: "Một số cầu thủ đã có hành động tỏ thái độ không hài lòng với ban huấn luyện. Trong đó, Văn Quyết, Quang Hải, Tấn Tài, Ngọc Duy đã tranh cãi gay gắt nhất. Tiền vệ Tấn Tài đã tiến thẳng lại trước mặt HLV Phan Thanh Hùng và trợ lý Hoàng Anh Tuấn quát lớn. Ông Hùng và trợ lý đứng im lặng".



Liệu có "sóng ngầm" trong lòng nội bộ Đội tuyển Việt Nam

Trong bài báo Vấn nạn "cừu đen - cừu trắng" ở đội tuyển Việt Nam, báo Thanh niên viết rằng: "Vì (HLV Phan Thanh Hùng) quá lành nên Công Vinh khi không được đăng ký thi đấu đã không thèm mang giày lúc ngồi trong băng ghế dự bị. Khi các đồng đội ra khởi động thì Vinh vẫn ngồi yên như anh chả có trách nhiệm gì với đội tuyển. Ngay cả Vũ Phong lúc được gọi vào thay người cũng ngó nghiêng làm ngơ tỏ thái độ không muốn vào sân. Từ khu khởi động Phong chạy chậm rãi đến khu kỹ thuật, rồi lại chậm rãi mang tất, dù tuyển Việt Nam đang bị dẫn bàn và thời gian chỉ còn hơn chục phút. Vào sân, chàng cầu thủ của Bình Dương không được đá chính chỉ chạy vật vờ trên sân như muốn gửi thông điệp đến ban huấn luyện".

Liên quan đến trường hợp của Công Vinh, báo Thanh niên còn tiết lộ: "Lê Công Vinh bị Phó Chủ tịch Nguyễn Lân Trung mời lên để hỏi vì sao thông tin về đội tuyển cho báo chí, hay tại sao lại nói này nói nọ. Trước những câu hỏi của lãnh đạo VFF, Lê Công Vinh đều khẳng định mình không nói bất cứ điều gì phá hoại đội tuyển. Tuy nhiên, việc Công Vinh bị cất trên băng ghế dự bị trong trận gặp Thái Lan không hẳn chỉ là vấn đề chuyên môn mà còn vì thái độ của anh với ban huấn luyện và các đồng đội của mình".

Qua đó có thể thấy rằng, chuyện trục trặc trong quan hệ cá nhân giữa một số thành viên của đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2012 là có. Còn mức độ thế nào, người trong cuộc sẽ hiểu rõ hơn ai cả.

Hàng chục triệu người hâm mộ đã rất đau lòng khi chứng kiến thành tích tệ hại của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2012. Họ sẽ càng đau lòng hơn nếu xảy ra mâu thuẫn, sóng ngầm, "bệnh ông sao" trong nội bộ đội tuyển. Và rất nhiều người đang chờ đợi VFF làm rõ vấn đề này.

Nếu thực sự xảy ra những chuyện động trời này, VFF cần phải làm mạnh tay, "xử" thẳng tay những chú "cừu đen".

Như những gì Liên đoàn bóng đá Pháp đã làm với các ngôi sao như Ribery, Evra, Anelka... hồi ở World Cup 2010 hay mới đây là với Samir Nasri và M'Vila sau EURO 2012. Hàng loạt án phạt đã được đưa ra, mà nặng nhất là án treo giò 18 tháng đối với Anelka.

Ở cấp CLB, vụ Carlos Tevez nổi đình nổi đám nhất. Trong trận thua Bayern Munich tại Champions League mùa trước, Tevez đã không chịu khởi động khi HLV Roberto Mancini gọi vào thay người. BLĐ Man City đã rất ủng hộ Mancini ở vụ này, trừng phạt Tevez. Khi Tevez bỏ về Argentina, Man City cứ theo quy định mà phạt tiền, phạt đến mức Tevez cúi mình phải quay trở lại.

Nếu những ngôi sao ở đội tuyển Việt Nam không tuân lệnh của huấn luyện viên Phan Thanh Hùng, VFF phải ra những án phạt tương tự để làm gương. Kể cả khi ông Hùng rút lui (nếu có).

Không đội bóng nào có thể thi đấu thành công khi các cầu thủ không nghe sự chỉ đạo của huấn luyện viên.

Và không ngôi sao nào là không thể đụng đến nếu anh ta vi phạm kỷ luật hay thiếu tôn trọng đối với huấn luyện viên.

Dù đó có là ngôi sao số 1.

Lê Đồ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm