Đề xuất đặt tên đường Vũ Bằng ở Hà Nội

21/12/2013 11:15 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Là nhà văn, nhà báo, đồng thời là chiến sĩ tình báo, Vũ Bằng được đánh giá là một trong vài người viết hay nhất về thủ đô với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội…

Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Vũ Bằng được tổ chức sáng 20/12 tại Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội. Vũ Bằng (1913-1984) là người cầm bút tài năng, nổi bật ở thể loại ký, nhưng ông cũng là một chiến sĩ tình báo chịu nhiều oan khuất trong thế kỷ 20.


Công chúng Việt Nam nhiều người biết đến nhân vật Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao được đưa vào sách giáo khoa văn. Nguyên mẫu nhân vật Hoàng được nhiều nhà nghiên cứu văn học gán cho Vũ Bằng, khiến ông bị hiểu lầm trong suốt thế kỷ qua.


Nhà văn, nhà báo Vũ Bằng

Những trang văn lộng lẫy


Vũ Bằng sinh ra tại Hà Nội. Gia đình có gốc gác Hải Dương, làm nghề xuất bản ở phố Hàng Gai, Hà Nội. Vì thế, nhà văn sớm được tiếp xúc với sách vở.


Ngòi bút Vũ Bằng suốt đời gắn bó với Hà Nội.Từ năm 1954, ông vào Sài Gòn làm công tác tình báo. Nhưng cũng kể từ đó cho đến khi qua đời (30 năm), ông viết như “tìm lại thời gian đã mất” thấm đẫm hồi tưởng về Hà Nội.


Những trang viết của Vũ Bằng về Hà Nội đến các văn nhân cùng tầm vóc cũng phải tán thưởng. Tô Hoài từng viết trong sách Những gương mặt (1997): “Thương nhớ mười hai, bàn tay giơ lên đếm một tháng, một ngày, một năm, một đời… Tác giả đã miệt mài ròng rã hơn 10 năm trời mới viết xong được 12 tháng thân phận một kiếp người. Từng câu tha thiết với Hà Nội đã làm cho đến cả những người đương ở giữa Hà Nội cũng phải thương lây yêu lây”. Giới văn chương xếp Vũ Bằng ngang với Nguyễn Tuân, Thạch Lam trong nhóm các nhà văn viết hay nhất về Hà Nội.


Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cũng cho rằng, văn tài của Vũ Bằng đã viết nên “những trang văn đẹp lộng lẫy về sự ăn uống” (qua Thương nhớ mười hai Miếng ngon Hà Nội). Theo nhà phê bình Lý Hoài Thu, Vũ Bằng thường so sánh món ăn với mỹ nữ, khiến trang văn về ẩm thực của ông rất gợi tình.


Một số tác phẩm của Vũ Bằng

Một đề xuất hợp lý


Là người hoạt động tình báo, Vũ Bằng phải chịu thiệt thòi quá lớn: đến đầu thập niên 2000, sự nghiệp tình báo của ông mới được làm sáng tỏ, tức 16 năm sau khi ông qua đời (1984). Vì thế, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận định ông là nhà văn có “thân phận vào loại đặc biệt nhất trong văn chương hiện đại Việt Nam”.


Trong bài viết nhân 100 năm sinh Vũ Bằng, nhà phê bình Văn Giá nêu ý kiến: “Thủ đô Hà Nội rất nên có một con đường mang tên Vũ Bằng. Câu chuyện sáng tạo văn hóa thực chất là một thỏa ước tự nguyện và kỳ diệu: Vũ Bằng mang ơn Hà Nội, mang ơn đất nước, nhưng Hà Nội và đất nước này cũng nên biết ơn Vũ Bằng.


Nhờ ông, chúng ta có được những áng văn đẹp đẽ bậc nhất về thủ đô trong nền văn chương dân tộc, với những tác phẩm xuất sắc của một người Hà Nội chính danh như: Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Người Hà Nội nhớ người Hà Nội… Không lý gì Hà Nội lại không có một con đường mang tên Vũ Bằng”.


Văn Giá cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về Vũ Bằng, từng có các công trình Vũ Bằng - Bên trời thương nhớ (NXB Văn hóa thông tin), Vũ Bằng - Mười chín chân dung nhà văn cùng thời (NXB ĐHQG Hà Nội). Chỉ tiếc, trong lễ kỷ niệm vừa qua, nhà phê bình Văn Giá lại không có mặt để nói lên đề xuất của ông.


Trao đổi với TT&VH về đề xuất này, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tỏ ý đồng tình và nhận định thêm: “Oan khuất về chính trị có thể được thanh minh, còn sự vinh danh về văn hóa thì phải dựa vào các cống hiến về văn hóa. Tôi nghĩ Vũ Bằng hoàn toàn xứng đáng, đây là một đề xuất hợp lý”.


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm