06/02/2020 09:08 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối ngày hôm qua (5/2), LĐBĐ châu Á (AFC) đã có “công điện khẩn” sau khi nhận được kiến nghị - báo cáo của VFF, về dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (nCoV) tại Việt Nam. Theo đó, lịch thi đấu tại AFC Cup 2020 của CLB TP.HCM và Than Quảng Ninh, với các đại diện của Philippines (Ceres Negros) và Myanmar (Yangoon United) sẽ được điều chỉnh. Trước đó, như Thể thao & Văn hoá đã thông tin, VPF và VFF cũng đã lùi ngày khai mạc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ít nhất 2 tuần để tránh "bão nCoV".
“Nó giống như việc di dân tránh bão hay thiên tai vậy. Nhưng nếu như bão hay thiên tai còn có thể dự báo được thời gian, còn với dịch nCoV xem ra tệ hơn nhiều, chúng ta chưa thể biết chắc chắn khi nào có thể khoanh vùng, chặn đứng vết dầu loang. Thiệt hại về con người và vật chất, vì thế cũng khó thể cân-đo-đong-đếm. Ngoài ra còn phải kể đến sự hoang mang trong một bộ phận chúng ta”, HLV trưởng CLB Than Quảng Ninh, Phan Thanh Hùng, chia sẻ.
Theo HLV Phan Thanh Hùng, đội bóng vùng Mỏ rất hợp tác với sự thay đổi phút cuối và cũng đã có kế hoạch chuẩn bị cho việc phải di chuyển đến Philipppines, đá trận lượt đi (25/2), thay vì được chơi trên sân nhà Cẩm Phả trước. Vị HLV họ Phan là một người khá chỉn chu trong việc làm chiến thuật chuẩn bị - tâm lý, cho các đội bóng mà ông từng dẫn dắt. Từ Hà Nội, đến Than Quảng Ninh và các ĐTQG Việt Nam, với sự đề cao lối chơi kiểm soát bóng, trở thành đặc sản.
Hàng loạt các sự kiện liên quan đến bóng đá nội phải thay đổi kế hoạch. Ví như Lễ xuất quân - ra mắt mùa giải 2020 của CLB Bình Định cũng bất đắc dĩ phải hủy vào phút cuối, do đại dịch nCoV.
Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, kể từ ngày bóng đá Việt Nam lên chuyên, chúng ta phải ứng phó với một việc ngoài chuyên môn bóng đá và vốn dĩ không xuất phát từ nội tại, cam go đến vậy. Dời lịch thi đấu các giải đấu, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị nhân sự, tài chính, tính toán điểm rơi, ở cấp CLB, mà các ĐTQG cũng chịu liên đới. Chắc chắn sẽ dẫn đến việc “dồn toa” các giải đấu sau này và đó cũng là điều rất bất lợi, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chấn thương, phong độ.
Trong nhiều ngày qua, phóng viên Thể thao & Văn hóa đã đi đến nhiều các thành phố du lịch và thấy lượng khách du xuân giảm rõ rệt. Các trung tâm bóng đá lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang hay TP.HCM, với hàng tuần vốn có hàng trăm giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp diễn ra, thì lúc này cũng khá yên ắng. Chỉ còn các trận đấu phong trào nhỏ lẻ mang tính khai xuân. Đời sống bóng đá phủi cũng chịu thiệt thòi không khác gì bóng đá chuyên nghiệp.
Nó còn hơn cả tránh bão, đúng như HLV Phan Thanh Hùng nói. Cơn bão mang tên nCoV đang hoành hành và chưa có biểu hiện dừng lại. Bộ Y tế đã liên tục gửi đi thông điệp đến người dân, chúng ta không chủ quan, nhưng cũng đừng quá hoang mang.
Trở lại với đời sống bóng đá Việt Nam. Cùng với việc ứng phó và cố gắng thiểu thiệt hại về người và của, các đội bóng cũng chủ động cho các cầu thủ và BHL nghỉ, để tiện chăm sóc gia đình.
Bây giờ không phải lúc tính toán thiệt hơn nữa, mà nó liên quan đến tính mạng con người. Há chẳng phải sự hưng suy của nền bóng đá và hệ thống các giải đấu, cũng là do con người quyết định. Nên các yếu tố còn lại chỉ được xem xét sau.
Bóng đá vẫn được xem là quân tiên phong trong việc nêu cao các hành động vì cộng đồng, bởi bóng đá sinh ra là để phục vụ. Trong ít nhất 2 năm qua, bóng đá Việt Nam đã đem lại rất nhiều niềm vui, sự hưng phấn cho người hâm mộ, kích thích niềm tự hào - đoàn kết dân tộc. Và ngay lúc này, bóng đá Việt Nam cũng đã và đang hành động rất khẩn trương. Đây không phải là chuyện đùa. Hy vọng, với bao nỗ lực của cả xã hội, những ngày tồi tệ sẽ qua mau.
Thể thao & Văn hóa sẽ tiếp tục thông tin, không chỉ về bóng đá, thể thao, mà còn hơn thế nữa. "Bão nCoV" không thể triệt hạ chúng ta, mà ngược lại, nó giúp cho chúng ta trở nên kiên cường hơn.
Tuỳ Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất