13/01/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Trang Thế Hy (29/10/1924 - 8/12/2015), vừa rồi Hội Nhà văn TP.HCM và Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu phối hợp tổ chức tọa đàm Cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Trang Thế Hy tại TP.HCM.
Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của nhà văn Trần Quốc Toàn để phần nào thấy được quan niệm và nghề văn của Trang Thế Hy.
Vẽ được nhân vật vô hình
Truyện ngắn Một nghệ sĩ buồn thích đùa của Trang Thế Hy viết về con mèo rừng mê nhạc tài tử, với bối cảnh là tiếng đàn buồn của nghệ sĩ - soạn giả cải lương Thanh Nha (1919 - 1972). Buồn như tiếng đàn kìm ấy không còn là tiếng đàn nữa, mà là "tiếng rền của một nỗi thê lương không có tên từ một cõi mịt mù nào vang vọng đến". Nhà văn Trang Thế Hy đoán chừng phải có "nỗi niềm riêng tư" gì "độc đáo lắm, "tiểu thuyết lắm", thì viết về tiếng đàn mới thê lương đến thế.
Từ truyện ngắn này, từ nội dung tư tưởng và đường nét văn chương của tác phẩm mà hình dung ra tác giả. Ở đây không thấy bàn tay Trang Thế Hy cầm bút, mà thấy lỗ tai ông lắng nghe. Lắng nghe tiếng nước, tiếng trời. Lắng nghe cả cây đàn còn câm lúc đang lên dây, "cót két" gỗ nghiến vào gỗ, làm bật lên "tiếng kêu đau của sợi dây tơ". Lắng nghe cả giọng "nam trầm" gà cồ cơ quan, giọng "nam cao" gà rừng hòa âm ồ ề, eo éo. Lắng được cả tiếng kêu đau và hòa âm vui, tưởng như những "thinh trần", những tiếng đời chẳng có gì lọt ngoài đôi vành tai như ăng-tên chảo kia, để rồi "trăm năm trong cõi người ta, những điều..." nghe thấy, Trang Thế Hy đan dệt thành một hình tượng âm thanh hoàn chỉnh, choàng phủ lên toàn bộ câu chuyện.
Hình tượng âm thanh này như nhạc nền của một phim truyện, một kịch nói, kịch múa... Nó là một nhân vật vô hình, nhưng lại luôn có mặt bên nhân vật chính Thanh Nha.
Tiếp tục chơi âm thanh, Trang Thế Hy cho nổ một phát súng. Nổ súng để đưa câu chuyện vào đêm, trải phông đen, đặng mà mượn ánh trăng rọi sáng một... con mèo rừng "lông vàng có đốm đen rất đẹp": "… ngồi ở một chỗ sáng ánh trăng nhìn (Thanh Nha) đờn, chứ không núp vào bóng tối rình rập như chồn".
Trời đất! Một con mèo biết nghe tiếng đàn buồn thảm, lại còn đàng hoàng chọn chỗ sáng để có thể bị hứng viên đạn mà đứng nghe! Nó tin là, trong cõi người ta, vẫn còn kẻ mã thượng, không đưa súng ngắm vào cái đẹp, hoặc nó sẵn sàng chết để được nghe tiếng đàn đẹp cất lên từ chính cõi người ấy?
Trang Thế Hy đưa chúng ta đi tìm và ánh trăng đã rọi sáng cõi mù mờ kia, thì ra tiếng đàn buồn, vì lẽ ra phải tri âm, con người lại thô bạo phá đám…
Sống thật rồi mới hư cấu
Năm 2024, Trang Thế Hy tròn 100 năm sinh, còn nhớ dịp ông 80 tuổi, chúng tôi tìm về Bến Tre mừng thọ. Hỏi đường. Cô bán quán thật xinh: "Kiếm ông nhà văn ốm nhách phải hôn?". Rồi bước hẳn ra đường chỉ tay: "Đứng đây cũng thấy nè. Chỗ vườn dừa đang lật lá".
Bác Tư Sâm Trang Thế Hy đang sống với cây dừa, hệt như một nông dân chân đất, tay vê thuốc rê, chỉ có điều, rê thuốc sợi vàng nhập khẩu từ Pháp, thứ thuốc chỉ mua được ở chợ Bến Thành, trên TP.HCM. Nhưng lạ một điều, vào vườn dừa rồi mới thấy bác Tư không giống cây dừa, mà giống khóm hành xanh trồng trong "cái thúng sơn hết tuổi biển, xin của dân chài, chứa đầy đất, đặt dưới gốc dừa cỗi…". Giống là vì, đúng như cô bán quán xinh đẹp nhận xét, "ốm nhách như cọng hành"!
Toàn thân, trừ cái miệng đã rụng gần hết răng là còn giống Di Lặc giăng giăng miệng cười, tất cả đã như Tuyết Sơn trơ xương. Một ông thầy gầy không xuống tóc, đang thiền treo trên võng trong thế lép và cong của nét trăng khuyết hạ tuần. Giống cọng hành xanh còn là vì, văn là người, bác Tư viết mà như sắc chữ nghĩa, có thể đưa chuyện đời vào những cọng hành xanh tươi non đến ăn ngay được, cay vừa đủ, thơm hăng hăng, thơm chảy nước mắt.
Cái thúng sơn hết tuổi biển nói trên chính là chi tiết đinh mà tôi có được sau lần mừng thọ. Từ chi tiết này viết thành truyện Vườn dừa có khóm hành xanh in trong tuyển tập Truyện ngắn Bến Tre 1945 - 2000. Trong truyện nhân vật hư cấu bà giáo Trung được xây dựng từ nguyên mẫu… ông giáo Trang Thế Hy.
Nhìn toàn cảnh văn nghiệp Trang Thế Hy mới thấy cây viết gạo cội này đã đọc kĩ lại còn viết chậm! Sống thật rồi mới hư cấu, mới sáng tạo văn chương.
Cũng nhân kỷ niệm Trang Thế Hy tròn 80 tuổi (năm 2004), trong một bài viết, PGS-TS Trần Hữu Tá nhận định: "Trong một số truyện ký khác: Chút hào quang từ mảnh vỡ, Tiếng khóc và tiếng hát, Một nghệ sĩ buồn thích đùa, Rác và hoa..., ông trăn trở với nhiều vấn đề muôn thuở nhưng luôn có giá trị thời sự của lĩnh vực nghệ thuật cao quý như nhân cách của người cầm bút, khát vọng chân chính của người nghệ sĩ".
"Rõ ràng, kêu gọi hướng thiện là tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt các giai đoạn sáng tác của Trang Thế Hy. Tư tưởng đó đã được tác giả chuyển tải bằng giọng điệu bình dị, từ tốn, đôi khi pha chút hài hước kín đáo, thông minh, tạo nên cái duyên riêng, sức hấp dẫn riêng. Sức hấp dẫn ấy không mãnh liệt nhưng thấm sâu, bền chắc. Cùng với Sơn Nam, Mai Văn Tạo, Trần Kim Trắc, Nguyễn Quang Sáng..., Trang Thế Hy đã góp phần tích cực xây dựng, phát triển dòng chảy độc đáo của văn học Nam bộ. Dòng chảy này cùng với các dòng chảy của văn học các địa phương khác đã làm cho trường giang văn học của nước ta ngày càng bề thế, phong phú, đa dạng" - nhà phê bình văn học Trần Hữu Tá viết.
Còn dịp cuối năm 2024 vừaq ua, cũng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh, NXB Trẻ phát hành Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy, gồm 14 truyện ngắn. đọc Một nghệ sĩ buồn thích đùa và các truyện còn lại, thấy quan điểm cầm bút là dù day dứt, ám ảnh, nhưng đã là sự thật thì cứ viết ra. Đấy chính là văn chương Trang Thế Hy.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất