15/12/2010 16:56 GMT+7 | Trong nước
Ngày 13/12 (14/12 giờ VN), Julian Assange đã tới tòa án Westminster trong khoảng 5 giờ để cùng luật sư chống lại lệnh dẫn độ sang Thụy Điển đối mặt với các cáo buộc phạm tội hiếp dâm. Ông cũng đưa ra đề nghị mới với tòa để được quyền đóng tiền tại ngoại.
Nỗ lực tìm lại tự do
Trước khi Assange tới tòa, đông đảo báo chí đã đứng chờ ông thành một hàng dài chật cứng. Mẹ Assange, bà Christine Assange, đã đọc một bản tuyên bố do ông viết, trong đó sáng lập viên WikiLeaks vẫn thể hiện tinh thần phản kháng tới cùng. “Các cáo buộc không khiến tôi nao núng. Tôi vẫn trung thành với những lý tưởng mà mình đã thể hiện. Hoàn cảnh hiện nay không hề khiến chúng tôi lung lay. Tôi kêu gọi thế giới bảo vệ công việc của tôi và người của tôi khỏi các hành động bất hợp pháp và phi đạo đức” - Assange nói.
Mark Stephens, luật sư đại diện cho Assange nói rằng ông đã đề nghị việc đeo thiết bị giám sát điện tử vào người thân chủ của mình. Đề nghị này nhằm thuyết phục luật sư người Anh Howard Riddle và cơ quan công tố Thụy Điển rằng Assange không ẩn chứa nguy cơ đào tẩu qua đường hàng không. Stephens nói rằng khả năng Assange bỏ trốn là khá mỏng manh bởi ông là người “dễ nhận ra nhất trên hành tinh” trong thời điểm hiện nay. Ông hy vọng khách hàng sẽ được tại ngoại nhưng cũng cho rằng việc chống lại lệnh dẫn độ sẽ rất khó khăn.
Chiến thuật diễn ra sau khi ông Stephens nói với kênh truyền hình Al-Jazeera rằng một bồi thẩm đoàn bí mật đã được Mỹ lập ra tại Virginia, hòng tìm kiếm các cáo buộc có thể chống lại Assange. Ông cũng hé lộ việc Assange đã không được nhận bất kỳ bức thư nào kể từ khi bị bắt, ngay cả các lá thư mang nội dung pháp lý. “Hàng trăm người đã viết thư cho Assange và nhà chức trách tại nhà tù Wandsworth chẳng trao cho ông lá thư nào cả” - Stephens tuyên bố.
Sự ủng hộ tăng cao
Người ủng hộ Assange tụ tập trước tòa án Anh
Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho Assange đã tăng lên rất cao. Khi ông đang tìm cách được đóng tiền tại ngoại, hàng trăm người biểu tình đã đứng chật bên ngoài tòa án. Một số người nổi tiếng như Jemima Khan và John Pilger đã vào tòa đề nghị được đóng tiền tại ngoại cho Assange. Từ bên kia bờ đại dương, nhà làm phim Michael Moore cũng đề nghị được đóng số tiền 20.000 USD bảo lãnh cho ông.
Người biểu tình đã lên kế hoạch tuần hành tại thủ đô Tây Ban Nha, Hà Lan, Colombia, Argentina, Mexico và Peru để gây sức ép giúp Assange được trả tự do. Họ cũng đòi các cơ quan quản lý tái thiết lập địa chỉ cũ của WikiLeaks và khôi phục dịch vụ quyên góp tiền cho trang web qua các hãng thẻ Visa và Mastercard.
Trong diễn biến mới nhất, Assange đã đánh bại Lady Gaga, Steve Job, Barack Obama để lọt vào vị trí số 1 trong cuộc bình chọn nhân vật của năm do tạp chí Time tổ chức. Theo đó, Assange nhận được 382.020 phiếu bầu trong tổng cộng 1.249.425 phiếu do độc giả gửi đến. Số phiếu của Assange lớn hơn hẳn những người còn lại, vượt tới 148.383 phiếu so với người thứ 2 là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Ergodan. Trong danh sách 10 nhân vật được bầu chọn có cả sáng lập viên Facebook Mark Zuckerberg, các thợ mỏ Chile, các danh hài Jon Stewart và Stephen Colbert. Tổng thống Barack Obama chỉ đứng thứ 6 với khoảng 27.000 phiếu.
Tuy nhiên, kết quả bầu chọn chỉ mang tính tham khảo bởi các biên tập viên Time mới là người có quyền quyết định cuối cùng ai sẽ được vinh danh. Lẽ dĩ nhiên họ sẽ vấp phải sức ép đáng kể. Thực tế thì từ khi trao tặng danh hiệu cho lãnh đạo Iran Ayatollah Khomeini hồi năm 1979, tạp chí đã tránh không tôn vinh những nhân vật bị coi là gây tranh cãi ở Mỹ. Nhưng rất có thể Assange sẽ là trường hợp ngoại lệ và biết đâu Time sẽ không ngại vinh danh kẻ đang chọc giận Lầu Năm Góc. Theo kế hoạch, danh hiệu chính thức của Time sẽ được công bố vào ngày 15/12 (16/12 giờ VN).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất