Trần Trọng Vũ - cá tính lạ của mỹ thuật đương đại

10/10/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa khai mạc đầu tuần này, triển lãm Đã từng thấy như chưa hề thấy của Trần Trọng Vũ sẽ kéo dài hơn 3 tháng, đến ngày 6/12/2019, tại Vin Gallery (6 Lê Văn Miến, Q.2, TP.HCM).

Họa sĩ Trần Trọng Vũ: Hào hứng và… sợ

Họa sĩ Trần Trọng Vũ: Hào hứng và… sợ

Lần trở về này của Trần Trọng Vũ, một trong những tên tuổi hàng đầu của hội họa đương đại Việt Nam ở nước ngoài, không có triển lãm, dĩ nhiên không có ồn ào chúc tụng. Thay vào đó “có một sự im ắng rất Việt kiều”.

Về quy mô, đây là triển lãm cá nhân “nhỏ nhỏ xinh xinh”, nhưng về tính chất và ý nghiệm nghệ thuật, việc tác phẩm Trần Trọng Vũ đến TP.HCM là một điều khá thú vị.

Trần Trọng Vũ (sinh 1964 tại Hà Nội, hiện sống tại Paris) là một trong số rất ít nghệ sĩ thị giác đương đại tiền phong và quan trọng của Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Tuy ý niệm và tác phẩm của anh đã vươn ra ngoài khuôn khổ quốc gia Việt Nam/Pháp, nhưng dấu ấn gián tiếp và trực tiếp của anh trên tác phẩm của nhiều nghệ sĩ tại Việt Nam thì vẫn còn nhìn thấy khá rõ.

Có hai Trần Trọng Vũ

Trên thế giới, tác phẩm của Trần Trọng Vũ được chú ý, từng xuất hiện ở những nơi mà nghệ thuật đương đại được nhìn ngắm đúng tầm đón đợi của nó. Tác phẩm thuộc nhiều bộ sưu tập, trong đó có Bảo tàng Nghệ thuật Đại học bang Arizona (Mỹ), Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…

Chú thích ảnh
Họa sĩ Trần Trọng Vũ

Nhìn lại hành trình nghệ thuật, dường như có hai Trần Trọng Vũ trong một hình hài họa sĩ. Một là Trần Trọng Vũ trong giai đoạn từ bắt đầu Đổi mới (1986) đến lúc bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ (1995). Những tác phẩm theo phong cách phản biện, giễu nhại hiện thực của Trần Trọng Vũ để lại dấu ấn lớn, tạo ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ giai đoạn này. Tác phẩm mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập Trần Trọng Vũ cho ta thấy rõ điều này.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Khi tôi còn là sinh viên mỹ thuật ở Hà Nội (1998 - 2002) thì họa sĩ Trần Trọng Vũ đã tạo dựng được sự nghiệp vững vàng rồi. Qua các lần anh về Việt Nam làm tác phẩm và triển lãm với sinh viên, với các không gian nghệ thuật… tôi thấy rõ phong cách và tinh thần rất riêng biệt. Anh là người rất giản dị, tác phẩm cũng giản dị như vậy, không phô trương kỹ thuật. Mặc dù tương tác với đa dạng vật liệu, chất liệu, tương tác với đa dạng không gian, đề cập nhiều chủ đề, nhưng cái phong cách giản dị vẫn xuyên suốt trong sự nghiệp của anh. Có lẽ đó là cốt cách của một văn nghệ sĩ Hà Nội”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Bên trong khung hình”, màu tổng hợp trên vải bố, 75cm x 125cm, 2019

Trần Trọng Vũ là con trai của thi sĩ Trần Dần - cá tính cách tân và một giọng thơ mạnh mẽ. Từ khi cha mình qua đời (1997), Trần Trọng Vũ gần như chuyển hướng sáng tạo và quan niệm về nơi chốn. Trần Trọng Vũ chia sẻ: “Từ lâu rồi công việc của tôi không còn gói gọn nữa trong khuôn khổ Việt Nam, tôi đề cập đến những gì có thể có ở khắp nơi trên thế giới này, và dĩ nhiên đến cả bản thân tôi - một người không còn thuộc về một địa điểm duy nhất và cố định”.

Từ năm 1997, tác phẩm của Trần Trọng Vũ hòa dần vào dòng chảy nghệ thuật đương đại thế giới.

Anh nói thêm: “Chính sự thay đổi này khiến tôi lại mong muốn mang tác phẩm về Việt Nam - nơi có vẻ chẳng mấy liên quan đến những gì tôi kể bằng hình ảnh, nhưng lại liên quan vô cùng nhiều. Thêm vào đấy, công việc này của tôi, ít nhiều mang tính chất cá nhân, sẽ hợp với những không gian khiêm tốn và không ồn ào, Vin Gallery là một trong những địa chỉ hiếm hoi phù hợp cho ý này”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Khúc nhạc dạo không số”, màu tổng hợp trên vải bố, 75cm x 115cm, 2019

“Đã từng thấy như chưa hề thấy”

Một trong những ý niệm của triển lãm Đã từng thấy như chưa hề thấy là: “Đã có không ít chuyện đã xảy ra rồi, mà chẳng được ai chứng kiến, cho nên những chuyện này chẳng bao giờ xảy ra. Đã có nhiều sự vật có thật không được kiểm chứng bởi mọi điều luật của sự thật cho nên chẳng bao giờ có thật. […]. Dùng mâu thuẫn để kể mâu thuẫn, dùng có thể để nói không thể, và trên hết, hòa trộn nghịch lý và hợp lý để kể hiện thực”.

Dù chọn lựa ý niệm và thế đứng phi địa lý như vậy, nhưng nhìn từ quốc tế, tác phẩm của Trần Trọng Vũ vẫn phảng phất chất Việt Nam. Muốn biến hiện thực phi lý thành cõi vô tri để rồi vừa giễu nhại vừa bao dung, vừa phê phán vừa thấu hiểu, vừa phủ nhận vừa chấp nhận…, chẳng phải là cách cấu thành trong nhiều tác phẩm của Trần Trọng Vũ đó sao.

Chính những điều này làm cho Trần Trọng Vũ trở thành một cá tính lạ của mỹ thuật đương đại, ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ Việt cùng thời và sau anh.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm