Trần Thế Trung và hành trình giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia

15/09/2019 15:29 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Với sự tự tin, Trần Thế Trung – lớp 12 chuyên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An đã xuất sắc vượt qua 4 vòng thi và giành vòng nguyệt quế cuộc thi đường lên đỉnh Olympia lần thứ 19. Em cũng là thí sinh đầu tiên mang vinh dự này về cho tỉnh Nghệ An.

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2019: Vượt qua Hải Đăng, Thế Trung đoạt vòng nguyệt quế

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2019: Vượt qua Hải Đăng, Thế Trung đoạt vòng nguyệt quế

Trần Thế Trung, Nguyễn Hải Đăng, Đoàn Nam Thắng và Nguyễn Bá Vinh là 4 thí sinh sẽ góp mặt trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2019.

* Chinh phục cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

 “Bây giờ em đã hoàn thành ước mơ lớn nhất là giành được vòng nguyệt quê danh giá của chung kết Đường lên đỉnh Olympia. Món quà này em muốn dành tới người chị thân yêu của em, người đầu tiên đã truyền lửa, tiếp thêm động lực, ý chí, niềm tin, truyền cho em cảm hứng, ước mơ với Olympia khi em còn từ nhỏ. Và em tin chị vẫn luôn dõi theo em, bên cạnh em suốt chặng đường dài sau này. Điều thứ hai, món quà này em muốn dành cho bố mẹ, nhà trường, bè bạn, những người thân yêu của em và cuối cùng Nghệ An đã có nhà vô địch Olympia, em rất tự hào”, Trần Thế Trung vui mừng chia sẻ cảm xúc ngay sau khi cuộc thi kết thúc.

Chú thích ảnh
Trần Thế Trung trên bục vinh quang

Trần Thế Trung có một niềm đam mê đặc biệt với cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và bắt đầu làm quen với các câu hỏi từ khi còn học tiểu học, dù ngày ấy Trung chỉ trả lời được một số câu hỏi liên quan đến lĩnh vực tự nhiên. Lên Trung học cơ sở, cậu bé bắt đầu chia sẻ sự yêu thích này với mẹ, chị gái và được cả hai ủng hộ rất nhiệt tình.
Suốt những năm Trung học cơ sở, trong khi những người bạn cùng tuổi chỉ thích tặng đồ chơi, áo quần thì “quà” của gia đình tặng Trung chủ yếu là những cuốn sách về khoa học, lịch sử để cậu bé thỏa sở thích khám phá.

Năm lớp 9, một cú sốc lớn đến với gia đình Trung, khi người chị gái của em không may qua đời. Những tưởng Trung sẽ từ bỏ niềm đam mê của mình. Nhưng, vì lời hứa với mẹ, với chị Trung đã nỗ lực vượt qua và em đã đậu thủ khoa đầu vào lớp chuyên Vật lý - Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu.

Với đầu vào thuận lợi, Trung cũng được thầy giáo chủ nhiệm và các thầy cô ở tổ Vật lý lựa chọn, tạo nguồn cho đội tuyển quốc gia. Nhưng, Trung đã từ chối vì muốn dành thời gian cho cuộc thi Olympia mà mình đã mơ ước. Khó khăn của Trung lúc bấy giờ là đã rất nhiều năm, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu không có sân chơi cho học sinh ở cuộc thi này. Không nản lòng, Trung cùng với một bạn học khác ở lớp chuyên Tin đã viết đơn lên nhà trường đề nghị được tổ chức cuộc thi cấp trường.

“Thực ra lúc ấy chúng em cũng không biết làm thế nào để đến được với cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Thế nên, em nghĩ, nếu nhà trường có một cuộc thi để chọn thí sinh thì cơ hội sẽ đến với học sinh trong trường dễ dàng hơn”, Trần Thế Trung chia sẻ.

Hy vọng là vậy, nhưng không ngoài dự đoán, lá đơn của Trung và người bạn cùng khóa đã không được chấp nhận vì đơn giản là “chưa có tiền lệ”. Không nản lòng, sau đó, Trung lại viết một bức tâm thư lên diễn đàn của Trường với những lời “thú nhận” rất tâm huyết: “Em nghĩ học sinh trường Phan đâu cứ cần phải học chuyên?. Học đều thì cũng là giỏi và nếu học sinh ấy có thể làm rạng danh nhà trường bằng cách này hay cách khác thì cũng là niềm tự hào rồi phải không?... Em mong các anh chị và các thầy cô nếu đọc được tâm thư này thì hãy hiểu cho tâm sự của em và tạo điều kiện cho học sinh nhà trường tham gia sân chơi trí tuệ đầy bổ ích này...”.

Bức tâm thư của Trung khi đó không ký tên nhưng không hiểu vì sao rất nhiều học sinh trong trường đã đoán được chủ nhân của bài viết. Điều đáng mừng hơn, tâm sự của Trung cuối cùng cũng khiến ban giám hiệu nhà trường thay đổi. Ngay trong năm đó, một cuộc thi cấp trường đã được tổ chức khá quy mô. Nhớ lại cuộc thi này, Trung cho biết: “Vòng thi đầu tiên dù tổ chức bằng hình thức thi viết nhưng thí sinh ngồi kín hết hội trường. Phải đến vòng 3, nhà trường mới chọn được thí sinh cuối cùng. Điều bất ngờ, là đối thủ cạnh tranh với em ở vòng thi cuối cũng chính là bạn học đã cùng viết đơn với em và em may mắn đã là người được chọn”.

Từ cuộc thi cấp trường, Trung đã có một chặng đường khá dài để đến với vòng thi tuần của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Thế nhưng, trái với tâm trạng hồi hộp, lo lắng, Trung đến với vòng thi tuần với một tâm thế rất bình tĩnh: “Lần đầu tiên đứng ở trường quay S14 của Đài Truyền hình Việt Nam em thấy thực thân quen như dành cho mình. Có thể, vì cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đã gắn bó với em từ rất lâu rồi”, Trung nhớ lại.

* Món quà dành cho chị gái

Sinh ra trong một gia đình công nhân viên chức bình thường. Bố là sỹ quan quân đội, mẹ công tác trong ngành Giáo dục nên Trung thừa hưởng được nền giáo dục tốt từ mẹ và đức tính trầm tĩnh, chắn chắn của bố.

Bước vào trận thi đấu cuối cùng vào ngày 15/9, Trung giữ cho mình một tâm thế tự tin, thoải mái và không nghĩ nhiều đến thắng thua bởi với em “Đi đến trận chung kết này đã là một thành công rất lớn. Em chờ đợi trận đấu này vì đây là cơ hội để các thí sinh giao lưu, học hỏi, để tất cả các thí sinh tham dự cuộc thi năm nay có dịp được gặp gỡ nhau. Em cũng muốn cảm ơn tất cả mọi người đã cổ vũ cho em trong suốt chặng đường đã qua. Sự cổ vũ này là áp lực nhưng cũng là động lực để em tiếp tục cố gắng và thi đấu hết mình”, Trung tâm sự.

Với điểm số 245, Trung đã xuất sắc vượt qua các đối thủ và giành được vòng nguyệt quế Olympia.

“Em cảm thấy niềm vui vỡ òa khi bạn Thế Trung về đích, nhất là khoảnh khắc bạn bước lên bục vị trí thứ nhất thì tất cả các bạn cùng thầy cô ở Quảng trường không thể nói nên lời. Em thấy bạn rất bình tĩnh bởi có những câu hỏi bạn trả lời không đúng và bị trừ số điểm nhưng bạn vẫn không hề nao núng hoặc bạn nhận được số điểm từ câu hỏi của thí sinh khác bạn ấy cũng không tỏ ra quá vui mừng. Chính sự tự tin ấy là một phần giúp cho Trung chiến thắng”, em Lê Linh Đan – học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho biết.

Còn thầy Mai Văn Quyền – giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu vui mừng chia sẻ: “Tôi cũng từng nhiều học sinh tham gia nhiều cuộc thi khác nhau nhưng chưa bao giờ tôi có cảm xúc vỡ òa như hôm nay. Quả thực là một ngày đáng nhớ khi chúng tôi những thầy cô cùng học sinh trong trường chung một niềm tự hào”.

Nói về con trai sau trận chung kết, chị Nguyễn Thị Tuất không cầm được nước mắt: “Trung và chị gái rất thân thiết với nhau, từ nhỏ đã quấn quýt, vui buồn cùng chia sẻ. Chị gái là người đầu tiên biết Trung thích Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, luôn hết mình ủng hộ Trung, hai chị em cùng xem không bỏ buổi phát sóng nào.

Khi chị gái qua đời, Trung suy sụp rất nhiều. Đó cũng là cú sốc lớn đối với cả gia đình chúng tôi. Nhưng sau đó, cháu lại là người vực cả nhà dậy bằng sự quyết tâm, bằng niềm tin vào cuộc sống. Và suốt thời gian qua, Trung luôn cố gắng không ngừng nghỉ để đến hôm nay đã hực hiện trọn vẹn lời hứa đến với Đường lên đỉnh Olympia với chị gái”.

Đặc biệt, dù là một học sinh thiên về khối tự nhiên nhưng Trung có biệt tài ghi-ta, đàn và hát khá hay. Hiện Trung tham gia rất nhiều câu lạc bộ ở trường như Câu lạc bộ Âm nhạc, Câu lạc bộ Bóng rổ, Mô phỏng Liên hợp quốc, Báo chí và tuyên truyền và giữ luôn vai trò Trưởng ban kỹ thuật của tờ Nội san Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu. Bạn bè cũng quý mến Trung vì cậu là một người rất nghiêm túc và thẳng thắn nhưng cũng là một người rất tình cảm./.

Bích Huệ (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm