Trấn Thành lạm dụng quá nhiều ca khúc hot trend vào Nhà Bà Nữ, hiệu quả không thấy chỉ thấy 'sượng'?

02/02/2023 11:55 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Bỏ qua phần nội dung, kịch bản của Nhà Bà Nữ thì ngay cả phần âm nhạc trong bộ phim Nhà Bà Nữ cũng lộ ra nhiều điểm yếu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của người xem phim.

Nhà Bà Nữ vừa cán mốc doanh thu 300 tỷ đồng chỉ sau 11 ngày công chiếu, đó là thành tích đáng ghi nhận với một bộ phim Việt Nam. Bên cạnh những nhận xét tích cực và kỷ lục phòng vé, Trấn Thành và ekip Nhà Bà Nữ cũng nhận nhiều lời chỉ trích về phần thông điệp của bộ phim, cách xây dựng tính cách nhân vật, sự non tay trong khâu kịch bản cũng như việc lạm dụng các từ chửi thề của các nhân vật.

Bỏ qua phần nội dung, kịch bản của Nhà Bà Nữ thì ngay cả phần âm nhạc trong bộ phim Nhà Bà Nữ cũng lộ ra nhiều điểm yếu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của người xem phim. Việc Trấn Thành đưa quá nhiều ca khúc hot trend vào trong một bộ phim điện ảnh đã tạo tác dụng ngược, khiến bộ phim chiếu rạp không mang tính điện ảnh mà nhiều khán giả nhận xét Nhà Bà Nữ chỉ giống như một bộ webdrama chiếu trên YouTube.

Trấn Thành lạm dụng quá nhiều ca khúc hot trend vào Nhà Bà Nữ, hiệu quả không thấy chỉ thấy sượng?  - Ảnh 1.

Nhạc phim: yếu tố quan trọng làm nên cảm xúc của một bộ phim

Với một bộ phim điện ảnh, phần nhạc nền đóng vai trò vô cùng quan trọng, đóng vai trò là chất xúc tác giúp cho nhiều phân đoạn tâm lý trở nên “thăng hoa”. Chính vì thế, phần âm nhạc xuyên suốt một bộ phim được ekip chăm chút, thậm chí với nhiều tác phẩm lớn còn được sáng tác riêng bởi những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, NSX âm nhạc nổi tiếng. Các giải thưởng âm nhạc danh giá trên thế giới như Oscar, Quả Cầu Vàng,... đều dành riêng một (hoặc vài) hạng mục cho phần nhạc phim càng chứng tỏ tầm quan trọng của yếu tố này với một tác phẩm.

Không ít những nhạc phim đã đi vào “huyền thoại”, trở thành kinh điển trong lòng công chúng như My Heart Will Go On của Celine Dion (nhạc phim Titanic), When You Believe của Whitney Houston & Mariah Carey (nhạc phim Hoàng tử Ai Cập),... bởi đó là các ca khúc được sáng tác riêng, “đo ni đóng giày” cho bộ phim. 

Trấn Thành lạm dụng quá nhiều ca khúc hot trend vào Nhà Bà Nữ, hiệu quả không thấy chỉ thấy sượng?  - Ảnh 2.

When You Believe đánh dấu màn kết hợp đi vào lịch sử giữa 2 diva hàng đầu thế giới.

Phần soundtrack - âm thanh xuyên suốt của bộ phim điện ảnh, các phần nhạc tình huống cũng được sáng tác riêng để đảm bảo sự thống nhất, liền mạch cũng như hỗ trợ đẩy cảm xúc ở các phân đoạn lên cao trào. Nhiều soundtrack cũng trở nên vô cùng nổi tiếng, gặt hái những giải thưởng lớn cũng như mang về giá trị thương mại khổng lồ, góp phần vào di sản âm nhạc của nhân loại. Tiêu biểu có thể kể đến phần soundtrack của Kitaro soạn riêng cho bộ phim Heaven & Earth được nhiều thế hệ khán giả tại Việt Nam quen thuộc; hay loạt các ca khúc được sử dụng làm soundtrack cho bộ phim Bodyguard do Whitney Houston thủ vai lẫn hát chính sau đó đều trở thành những hit “kinh điển” của làng nhạc thế giới: I Will Always Love You, Run To You, I Have Nothing,...

Ở trường hợp khác, cũng có những bộ phim âm nhạc, thường là các phim tiểu sử hoặc phim lấy chủ đề nghệ sĩ ấy, sẽ sử dụng một danh sách các ca khúc cũ gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ. Trường hợp này ta có thể kể đến một số ví dụ như Mamma Mia! (sử dụng nhạc ABBA), Rocketman (phim tiểu sử về Elton John), Yesterday (sử dụng nhạc The Beatles),... Hay ở Việt Nam chúng ta có Em Và Trịnh ra mắt vào mùa hè 2022 vừa rồi sử dụng toàn bộ các sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Trấn Thành lạm dụng quá nhiều ca khúc hot trend vào Nhà Bà Nữ, hiệu quả không thấy chỉ thấy sượng?  - Ảnh 3.

Dẫu vấp phải nhiều tranh cãi song phần âm nhạc của Em Và Trịnh được cho là đã "cứu" rất nhiều cảnh phim.

Ngay cả những bộ phim sử dụng nhiều các các ca khúc quen thuộc thuộc nhiều thể loại đem vào các cảnh phim vẫn được giám đốc âm nhạc của dự án hoặc phối lại, hoặc remake với một phong cách - giọng hát khác,... để đặt để vào tổng thể bộ phim một cách hài hòa. Trường hợp này có thể kể đến bộ phim hoạt hình Sing nổi tiếng thế giới hay ở Việt Nam có các phim như Mắt Biếc, Tháng Năm Rực Rỡ,...

Nhà Bà Nữ: lạm dụng nhạc hot trend, tạo tác dụng ngược?

Trong bộ phim Bố Già trước đó, ekip đã đặt hàng 3 ca khúc riêng để làm nhạc phim gồm: Sao Cha Không, Cha Già Rồi Đúng Không Điều Cha Chưa Nói. Đây là một điều đáng khen, các ca khúc nhạc phim sau đó cũng có đời sống riêng, được lan truyền với hiệu ứng tích cực tỉ lệ thuận với thành công của bộ phim. Tuy nhiên đến với Nhà Bà Nữ, không rõ vì lí do gì, Trấn Thành và ekip không hề đặt làm riêng phần nhạc phim, ngược lại đã bê y nguyên các ca khúc hot trend trên MXH thời gian qua để nhồi nhét vào xuyên suốt bộ phim một cách khá khiên cưỡng.

Cụ thể, xuyên suốt bộ phim, Trấn Thành đã sử dụng tổng cộng 7 ca khúc nổi tiếng Vpop trong thời gian gần đây để lồng ghép vào các phân cảnh bao gồm: Khi Em Lớn (Orange), Yêu Được Không (Đức Phúc), Thích Em Hơi Nhiều (Wren Evans), Bước Qua Nhau (Vũ.), Đôi Lời Tình Ca (Hoàng Dũng), Sập (Pháo ft. Tez), Rồi Tới Luôn (Hồ Phi Nal). Các đoạn nhạc này chủ yếu xuất hiện ở những phân đoạn tình cảm giữa John (Song Luân) và Ngọc Nhi (Uyển Ân) để thể hiện các sắc thái cung bậc cảm xúc. Điểm chung đây đều là những ca khúc hot của Vpop trong thời gian vừa qua với giai điệu vô cùng quen thuộc, khán giả có thể bật ra hát theo khi giai điệu vang lên.

Trấn Thành lạm dụng quá nhiều ca khúc hot trend vào Nhà Bà Nữ, hiệu quả không thấy chỉ thấy 'sượng'?  - Ảnh 5.

Trấn Thành lạm dụng quá nhiều ca khúc hot trend vào Nhà Bà Nữ, hiệu quả không thấy chỉ thấy sượng?  - Ảnh 4.

Các phân đoạn nhạc hot trend lồng vào các cảnh tình cảm giữa John và Ngọc Nhi không mấy phù hợp.

Bên cạnh đó, Nhà Bà Nữ cũng lồng ghép nhiều hiệu ứng nổi tiếng của MXH TikTok để đưa vào trong phim như một cách để “bắt trend”, bao gồm cả trend “Nhìn sang trái, nhìn sang trái…” gắn với sự thành công của Vũ. với Bước Qua Nhau. Sự xuất hiện lần đầu còn có thể mang đến những tràng cười nhưng từ lần xuất hiện thứ 2, nó đã trở nên quá dễ đoán.

Đáng nói ở chỗ gần như tất cả được sử dụng với phần audio bản gốc, không hề qua chỉnh sửa. Điều này mang đến một cảm giác như thể ekip quá vội vàng cho các công đoạn khác để rồi không có thời gian xử lý phần âm nhạc dành cho phim. Ở nhiều phân đoạn âm nhạc vang lên tạo cảm giác… lạc lõng, vô duyên khiến khán giả không cách nào tập trung được vào diễn biến cảm xúc hay biểu cảm của nhân vật trên màn ảnh rộng. Nếu chỉ giới hạn tầm 2-3 bài, giữ lại một số phân đoạn đắt (ví dụ đoạn nhạc Khi Em Lớn vang lên sau mâu thuẫn giữa Ngọc Nhi và John) thì có lẽ mọi thứ đã nằm ở mức vừa phải. 

Đằng này cứ qua vài chục phút phim, lại có một ca khúc nhạc hot trend vang lên cắt ngang sự tập trung của khán giả. Bản chất các ca khúc không phải là vấn đề nhưng sự xuất hiện dồn dập, ngô nghê thiếu tiết chế tạo nên cảm tưởng rõ ràng của một bộ webdrama chứ không phải là phim chiếu rạp. Thậm chí có cảm tưởng Trấn Thành chỉ đang chứng tỏ khả năng, mối quan hệ rộng rãi của anh với các ekip nghệ sĩ để có thể mang vào trong phim cùng lúc nhiều bài hát hot trend đến vậy.

Trấn Thành lạm dụng quá nhiều ca khúc hot trend vào Nhà Bà Nữ, hiệu quả không thấy chỉ thấy 'sượng'?  - Ảnh 7.

Trấn Thành lạm dụng quá nhiều ca khúc hot trend vào Nhà Bà Nữ, hiệu quả không thấy chỉ thấy sượng?  - Ảnh 5.

Có cảm tưởng Trấn Thành chỉ đang chứng tỏ khả năng, mối quan hệ rộng rãi của anh với các ekip nghệ sĩ để có thể mang vào trong phim cùng lúc nhiều bài hát hot trend đến vậy.

 

Nhật Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm