Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn: Ru tình để nhớ Trịnh Công Sơn

24/02/2014 09:01 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù hội tụ những giọng ca “vàng” như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Tấn Minh, Quang Dũng nhưng Ru tình diễn ra vào tối 7,8/3 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội lại chọn tiếng kèn saxophone của Trần Mạnh Tuấn làm điểm nhấn.

Ru tình cũng là tác phẩm đánh dấu cho phong cách duo gần gũi khán giả lần đầu được thể hiện bởi phần hòa âm của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và tiếng hát của diva Hồng Nhung cách đây 15 năm.

* Không phải là các diva, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn mới là điểm nhấn của chương trình lần này. Anh thấy thế nào?

- Mỗi năm, tôi tham gia rất nhiều chương trình vào những dịp kỉ niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Ru tình là một trong số đó. Quả là ưu ái khi trở thành điểm nhấn của chương trình nhưng thực ra, nghệ sĩ nào cũng vậy, lên sân khấu, ai cũng đều hết mình!

Những tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để “mộc” tự nhiên đã quá hay rồi. Hơn nữa, cùng với việc trình diễn, khi thực hiện phần hòa âm theo tiêu chí: không làm gì khiến tác phẩm trở nên “xa lạ” với tác giả, chỉ có tôn vinh vẻ đẹp của tác phẩm nên tôi cũng không cần phải thay đổi gì nhiều cho phần trình diễn của mình.

* Mặc dù thành công ở khá nhiều các tác phẩm của các tác giả trong và ngoài nước nhưng có thể thấy rất rõ mối duyên tình của anh với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…

- Vâng. Ngay trong đĩa nhạc Trịnh đầu tiên của tôi, tôi đã tự bộc bạch, tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp nhau đúng là mối lương duyên. Tôi được nghe Hạ trắng tình cờ từ lúc 8 tuổi. 8 tuổi khi đó còn quá nhỏ để biết đến Trịnh Công Sơn là ai nhưng tôi đã chơi Hạ trắng một cách hồn nhiên từ sự cảm nhận. Sau này có dịp gần gũi, tôi đã có rất nhiều cơ hội biểu diễn và trò chuyện trong những năm cuối của anh Sơn. Tình cảm vô giá giữa chúng tôi có lẽ nằm ở năm bức tranh sơn dầu anh Sơn vẽ tặng tôi, trong đó có những bức anh kí họa lúc vài giờ sáng. Và mối lương duyên mà ai cũng thấy rõ, đó là từ âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà mọi người biết đến âm nhạc và tiếng kèn saxophone của tôi nhiều hơn.

* Là một trong những nghệ sĩ jazz được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam, anh thấy đời sống của jazz qua những hoạt động của mình như thế nào?

- Có lẽ vì bản chất của jazz vốn rất gần gũi nên càng diễn thì cơ hội khán giả đến với mình càng nhiều hơn ! Điều đó cũng có nghĩa jazz tại Việt Nam vẫn cần có thời gian để đến với công chúng hơn nữa.

Tại TP.HCM, đây là năm thứ 3 tôi thực hiện chương trình jazz tại không gian ngoài trời. Năm đầu, có khoảng 7 ngàn khán giả, năm thứ hai là gần 20 ngàn và năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 30 ngàn khán giả đến với chương trình. Dàn kèn Big Band của tôi cũng duy trì được 2 buổi diễn/ tháng trong suốt năm qua. Đó là một trong số các hoạt động âm nhạc của tôi cho thấy jazz đang đến gần khán giả và khán giả cũng đến với jazz nhiều hơn. Còn nhiều năm nay mỗi lần về Hà Nội diễn, tôi vẫn luôn được đón nhận tuyệt vời. Và thực sự, chính sự ủng hộ của khán giả với jazz là động lực để tôi quyết định thực hiện live show của mình trong năm nay tại Hà Nội.

* Với những thành công đã và đang có, anh có muốn làm một điều gì đó để thay đổi mình vào lúc này không?

- Tôi nghĩ mong muốn của bản thân thì không biết bao nhiêu cho vừa. Nhưng 15 năm trước đây, tôi đã phải làm rất nhiều những điều mình không thích để có cuộc sống tốt hơn. Còn bây giờ, tôi đã có được “quyền” chỉ làm những việc mà mình yêu thích.

Đối với nghệ sĩ, sự tôi luyện, ra sản phẩm, tham gia những hoạt động mới luôn là điều cần thiết nhưng mặt khác, ở tuổi này, thì sự bình an là điều tôi muốn vươn tới.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Lam Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm