26/11/2022 22:15 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Sau hơn 40 năm kể từ khi trận phóng hỏa kinh hoàng khiến 37 người chết trong một hộp đêm ở London diễn ra, gia đình các nạn nhân quyết định tập trung vào ngày 24/11 để tổ chức một buổi lễ tưởng niệm dành cho người đã mất.
Trước khi xảy ra vụ cháy tại Tháp Grenfell vào năm 2017, vụ phóng hỏa trên con phố Denmark Place năm 1980 vẫn là trận hỏa hoạn nguy hiểm nhất tại London kể từ sau chiến tranh kết thúc. Thế nhưng, sự việc đau thương này lại chẳng để lại được nhiều dấu vết trong lịch sử, khiến gia đình các nạn nhân phải khó khăn tìm kiếm thông tin của người ra đi.
Denmark Palace là một con hẻm chạy dọc theo phố Denmark, nơi tập hợp của những cửa hàng bán đàn guitar và phòng thu âm. Con phố này hiện đã được quy hoạch vào một dự án phát triển khu giải trí có giá trị lên tới 1 tỷ bảng Anh mang tên The Outernet, và sẽ được khai trương vào tháng 11.
Tại ngôi nhà số 18 của con hẻm nhỏ, nơi mà vào năm 1980 đã từng là hộp đêm sầm uất, nay đã được lắp đặt một tấm bảng tên mới.
Rodo's, hay còn được gọi là El Dandy là một hộp đêm nổi tiếng với người Colombia, thường làm việc trong các khách sạn lân cận và tới đây sau ca làm buổi tối. Hơn 150 người đã tập trung tại đây vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, tức là vào sáng sớm thứ Bảy, ngày 16 tháng 8 năm 1980.
John Thompson, một tên tội phạm lọc lõi đã đổ xăng vào hộp thư trước cửa hộp đêm và ném vào một que diêm đang cháy. Sự việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi hắn ta cáo buộc một người phục vụ ở đây đã tính tiền quá cao.
Ngọn lửa và khói chỉ mất vài phút để tràn vào tòa nhà không có lối thoát hiểm. Lính cứu hỏa đã tìm thấy một vài nạn nhân vẫn đang nắm chặt đồ uống của mình dù đã không còn hơi thở. Một trong số những người tham gia cứu hộ đã nói với tờ Observer: “Tôi từng chứng kiến những vụ hỏa hoạn còn lớn hơn, nhưng chưa bao giờ thấy xác chết chất đống như vậy trước đây".
Tờ Sunday Times cũng đưa tin: “Nếu đây là một vụ phóng hỏa, thì nó sẽ là một vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh".
Nhưng thay vì tiếc thương cho cái chết của những con người xấu số, một số nội dung đưa tin lại bộc lộ sự phán xét các nạn nhân, với nhiều lần đề cập đến tính chất “tệ nạn" của khu vực này. Tờ Daily Mail cũng từng viết rằng các quán nhậu, hộp đêm tại Denmark Palace thu hút “không chỉ các nhóm người thiểu số và gái mại dâm, mà là tất cả những loại người nghèo khổ tại khu ổ chuột".
Paddy Crossin, người về nhà sớm vào buổi tối kinh hoàng ấy cho biết: “Tôi đau lòng khi nghĩ rằng những người này đã chết và không một ai quan tâm đến họ. Đây là một vụ giết người. Và việc họ là ai chẳng quan trọng, không ai trong số họ đáng phải chết cả”.
Janette Reid, 62 tuổi, cũng đã từng cùng anh trai Alex Reid ghé qua hộp đêm vào tháng 4 năm 1980: “Ở đây có một máy hát tự động và những người trong quán bar thì đều quen biết nhau. Nó đẹp hơn nhiều quán rượu mà tôi đã từng đến".
Chỉ sau đó 4 tháng, cô phải bắt chuyến tàu từ Glasgow đến London, vượt qua quãng đường dài hơn 500 km khi nghe tin rằng anh trai, người sắp chào đón đứa con thứ tư, mất tích sau vụ cháy. “Chiếc xe của anh ấy dừng bên ngoài hộp đêm, bên trong xe vẫn còn vắt chiếc áo khoác, đó là giây phút tôi biết rằng chuyện gì đã xảy ra", Janette chia sẻ.
Nhưng khi đó, vào thời điểm mà những hộp đêm không có giấy phép tại London sắp bị buộc phải đóng cửa, không một ai đi điều tra về vụ cháy. Vụ việc chỉ được nhắc đến trong một vài cuốn sách và blog, thậm chí là không ai đề cập đến nó trên Wikipedia - nơi mà bất cứ người nào cũng có thể đăng tải thông tin.
Cathie Russell, 63 tuổi, em gái của nạn nhân Anita Murray cho biết: “Cho đến bây giờ vẫn chưa có bất cứ thứ gì để tưởng niệm các nạn nhân. Người ta có thể nghĩ rằng những người đã khuất chẳng phải là một nhân vật quan trọng, nhưng họ có thể là chị em, là con cái, hay bạn bè của một ai đó. Và họ có nơi để thuộc về".
Đến tận năm 2015, một tin tức được đăng trên báo mới khiến vụ cháy được chú ý rộng rãi hơn, thúc đẩy chiến dịch lập một tấm bia tưởng niệm. Bài báo gồm danh sách tên của các nạn nhân lần đầu tiên được công bố, nhiều gia đình đến tận lúc này mới biết được về hoàn cảnh qua đời của những người thân yêu, và chẳng thể đối mặt nổi với sự mất mát ấy.
Cristina cùng với anh trai Alex Reinhard của mình đã lớn lên trong sự thắc mắc rằng liệu có phải cha của họ đã mất trong một vụ đánh bom hay không, và giờ đây, cô cảm thấy tốt hơn khi ít nhất là mình đã biết được điều gì đó về cha.
Bà Pam Hopkins, 72 tuổi cũng không hề biết rằng cháu gái Diana của mình đã qua đời cùng với 36 người khác khi mới chỉ 18 tuổi.
Các nạn nhân trong vụ việc đến từ 8 quốc gia khác nhau, và dưới sự đồng ý của những thành viên trong gia đình, tấm bia tưởng niệm đã được viết: “Thành kính tưởng nhớ 37 người đa văn hoá tại London đã mất trong vụ phóng hỏa ngày 16 tháng 8 năm 1980”.
Cathie Russell, một trong những người tham dự lễ tưởng niệm đã nói: “Ít nhất là họ đã được công nhận, đó là điều quan trọng đối với tôi".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất