21/06/2023 08:40 GMT+7 | Văn hoá
Những trang tiểu thuyết của ông được khơi nguồn cảm hứng từ chính cuộc đời làm báo, với cái nhìn toàn cảnh của nhà báo đúng nghĩa "nhà-làm-báo" Trần Gia Thái. Nó rất có ý nghĩa cho thế hệ 8X chúng tôi, trong đó có các con ông.
1. Sóng độc (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tiểu thuyết đầu tay của nhà báo, nhà văn Trần Gia Thái. Nhân vật chính là Phạm Quang Thiện, phóng viên Đài Truyền hình Bắc Hà, tỉnh Nam Bình.
Khảo sát các tên tác phẩm có chữ "sóng", thường không nhạt. Đã có bộ tiểu thuyết Sóng ở đáy sông của Lê Lựu chuyển thể thành phim thành công, thì Sóng độc của Trần Gia Thái có "căng" không khi nhan đề đã đậm chất hiện thực phê phán?
Tiểu thuyết này là vốn sống, nghiệm sinh của Trần Gia Thái với 36 năm làm báo chuyên nghiệp, khởi nghiệp từ phóng viên năm 1979, qua các cương vị khẳng định năng lực và độ tín nhiệm, cho đến 9 năm là Tổng giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
Cả cuộc đời gắn bó với phát thanh - truyền hình, Trần Gia Thái đưa sự am tường vào tiểu thuyết bằng tâm thế của người trong cuộc. Ông như một đạo diễn dùng cùng lúc nhiều máy quay để triển khai từng trang-cảnh. Sóng độc có chất điện ảnh và chắc sẽ lôi cuốn nếu được chuyển thể làm phim truyền hình dài tập. Một tác phẩm văn chương đầu tiên, nếu không nói là duy nhất, phản ánh sinh động hoạt động và những góc khuất của mảng báo nói - báo hình, mà "sóng độc" là căn nguyên mọi náo loạn.
Sóng độc, trước hết là tin sai, giả, tin gây hại cuộc sống, tâm lý... chưa được kiểm chứng đã phát đến khán thính giả. Ở lớp nghĩa khác, nó là thứ độc hại sinh ra từ dục vọng, dã tâm khi tung tin phao tin bịa đặt, vu cáo ai đó nhằm hạ uy tín để cản trở, vùi dập, cô lập, loại bỏ, triệt hạ nhau trong công tác sắp xếp tổ chức, sự thăng tiến. Sự rỉ tai, đồn thổi cấp số nhân có thể hại oan vĩnh viễn một con người nếu không được minh xác kịp thời.
Phản ánh trực diện đời sống báo chí thời đổi mới, Sóng độc còn là bộ phim trên giấy về số phận gia đình, con người từ vùng quê ra đô thị, từ thời chiến đến thời bình… Trần Gia Thái đã sáng tác Sóng độc bằng lao động nghiêm túc và tâm huyết của một nhà văn, chứ không phải trình làng một văn bản tự sự mà sự hư cấu nông chỉ ở mức đặt tên nhân vật và đổi địa lý, bối cảnh.
Nhan đề đầy vẻ thời thượng giữa thời công nghệ 4.0 mà đầy ắp hàm ngôn. Sóng, trước hết là sóng phát thanh, truyền hình - "công cụ" của báo nói, báo hình; sóng dư luận từ thời xa xưa, mõ làng và rỉ tai, truyền miệng; cho tới sóng nhân gian, sóng muôn đời. Và đó còn là sóng của sự say mê làm báo, của sự khao khát trong lành, chính đáng giữa đại dương thông tin sẽ chiến thắng sóng bẩn, sóng độc, sóng hung tàn.
2. Sự kiện trong Sóng độc là kịch mục của sân khấu-đời. Biên bản hoặc nhật ký của thăng trầm đời ông? Thành đạt ư? Từ phóng viên tay trắng, xây dựng gia đình, trải nhiều chức vụ: lãnh đạo đài của Thủ đô, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam... Trần Gia Thái hiểu môi trường sống - khí quyển báo chí từng chân tơ.
Ông tích nạp dữ liệu và cảm xúc từ tập truyện ngắn Thành phố đáy hồ, cuốn sách văn học đầu tiên ra đời tặng con trai đầu lòng, ông nuôi tình yêu văn chương từ khi là cậu thiếu niên lớp 8 có bài in báo tỉnh, để rồi hơn 40 năm sau có tiểu thuyết - đời được các nhà văn tên tuổi thán nể không chỉ vì tính hiện thực mà còn bởi chất thơ của một người sống nghĩa tình, nhớ từng người tốt thuở hàn vi khốn khó.
Cay đắng, bầm dập, bão táp... của nhân vật Thiện hay những người tử tế chịu đắng cay oan uổng, bởi những toan tính thủ đoạn bẩn hèn, ngã ngũ bằng thành đạt chung cuộc của người chân tài, chính nghĩa. Sự chân chính của nhân vật chính diện, chính trực chiến thắng, dù phải trả giá bằng xung đột, giao tranh. Và trả giá bằng cả giằng xé nội tâm trước nhiều thua thiệt. Người tốt bị thế yếu, cô đơn. Nhưng Sóng độc là phản biện xã hội khi những giá trị cốt cách, đạo đức bị lung lay trước vật chất, thế quyền.
Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ đã phát hiện ra tên tiểu thuyết có thể đảo thành "sống đọc", "đọc sống", để "Trần Gia Thái trình bày một cách đọc/ nhìn đời sống qua câu chuyện nghề báo. Thông điệp tác phẩm là ngợi ca giá trị lương tri, tố cáo, đấu tranh với cái ác, xấu, giả dối chà đạp, cản trở tiến bộ xã hội".
3. Tiểu thuyết đề tặng bố mẹ, người anh - liệt sĩ Trần Đức Thịnh đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị, Hải Lăng, trong mùa Hè đỏ lửa 1972. Cho nên, ở Sóng độc, phần gây xúc động nhất là tình tự làng quê với ký ức người thân nơi vùng quê lam lũ.
Tác giả 5 tập thơ, đã thổi chất thơ vào hồi tưởng thanh khiết nhất. Đấy là những năm tháng ấu thơ ở vùng chiêm trũng nghèo, cha mẹ nông dân nhưng luôn bền chí nuôi con ăn học. Người cha mê cải lương, có giọng hát và diễn xuất, người cha mạnh mẽ đóng gạch, trồng xoan, đào ao, dựng nhà nhưng lại dạy con khiêm nhường và ông bị ngã gục khi kẻ xấu gây tai vạ cho con.
Nơi "sống ngâm da, chết ngâm xương" ấy, Trần Gia Thái lớn lên và đưa vào trang viết: "Người di chở cát với vôi nồng/ Người đi đội đá xây mương nổi/ Đong bát mồ hôi đổi cháo không/ Bát cháo đồng chiêm cơ cực ơi/ Nuốt vào cay đắng nuốt không trôi/ Mồ hôi thì mặn nước mặn chát/ Đeo đẳng đời cha từng giọt rơi".
Nhà báo Trần Gia Thái thấm trải đời để thành nhà văn với tiểu thuyết về đời báo "chuyển tải hết được hiện thực một cách nhanh chóng và trực tiếp. Đời tôi cay đắng đủ rồi. Ngay cả khi bức bối nhất, cũng cần bình tâm suy nghĩ tìm ra căn nguyên để thêm yêu điều thiện và mong muốn tử tế cho con người".
Nghề báo thành nghề truyền thống mà những tinh thông, trải nghiệm thác ghềnh của Trần Gia Thái đã được bù đắp khi các con ông nối nghiệp thành công. Trần Thái Sơn (sinh 1981) du học Đức, hiện là ủy viên BCH, Giám đốc Cổng thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam. Trần Thái Thủy (1985) giữ cương vị Trưởng ban Thời sự của Đài PT- TH Hà Nội, trẻ nhất lịch sử các đài tỉnh thành trong cả nước khi nhận đảm chức vụ này, qua 8 năm vẫn uy tín và mới được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Tin tức của đài.
Đọc Sóng độc, vì thế mà nghe được dư vang của khát vọng làm báo chính trực, của bộ lọc nhân ái và tình đời như tác giả viết trong lời mở tiểu thuyết đời: "Con chữ là dòng sông thanh khiết, nhiệm màu đã gột sạch những bụi bặm trước khi bước vào thế giới của cái đẹp vĩnh hằng, cái đẹp nghệ thuật".
Nhà báo - nhà văn Trần Gia Thái đã bước sang tuổi 68, nhưng vẫn đầy năng động, nhiệt huyết và sung sức. Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đang chuẩn bị xuất bản tập thơ thứ 6 để đón sinh nhật của mình và khai bút chương đầu của cuốn tiểu thuyết thứ 2.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất