Cuộc marathon chậm nhất mọi thời

22/07/2017 14:39 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ông cán đích cuộc chạy marathon ở Thế vận hội 1912 sau 8 giờ 32 phút 20,3 giây, cộng với 54 năm 8 tháng 6 ngày. Trên đường chạy lê thê đó Shizo Kanakuri ngủ thiếp đi, giành danh hiệu giáo sư và sinh 6 đứa con.

Không việc gì mà hấp tấp. Không có ai đeo bám. Không có lý do gì để vội vàng. Đối với Shizo Kanakuri phát súng xuất phát cho cuộc đua lịch sử này vang lên trước đây hơn5 thập kỷ.

Người da vàng đầu tiên

Một ngày đẹp trời trong tháng 3/1967, ông hoàn tất đoạn cuối một cách khoan thai, trong chiếc áo măng tô len và đôi giày đen lịch sự. Rồi ông rảo bước chạy vào sân vận động Stockholm, vung tay lên, ưỡn ngực xé tan băng vải ở đích.

Kể từ giờ phút ấy Shizo Kanakuri có tên trong những vận động viên đã cán đích marathon ở Olympic 1912, tuy có chậm trễ. Chậm đến nỗi ông được ghi vào Sách kỷ lục thể thao Nhật Bản. Và vào danh sách những giai thoại kỳ cục của Olympic.

Chú thích ảnh
Shizo Kanakuri (1891-1983) là một trong hai vận động viên Nhật đầu tiên tham gia Thế vận hội. Sau này ông được gọi là “Cha đẻ môn marathon Nhật Bản”

Ngót 55 năm trước đó, ông là một phần của sứ mệnh lịch sử: Năm 1912 vận động viên Nhật Bản Kanakuri tham dự Thế vận hội thứ 5 của thời cận đại với cương vị người châu Á da vàng đầu tiên, đồng nghĩa với ngày hội thể thao thế giới đầu tiên có mặt cả 5 châu lục, ứng với 5 vòng tròn lồng vào nhau trên lá cờ Olympic.

Dù vậy đoàn Nhật Bản hầu như chìm nghỉm khi vào lễ khai trương: 3 viên chức và 2 vận động viên - Mishima Yahiko, 26 tuổi, được đề cử cho các cự ly100, 200 và 400 mét, còn Shizo Kanakuri chạy marathon. Mãi đến phút cuối Kanakuri mới lọt vào “đội tuyển quốc gia mini”, mà cũng chỉ nhờ một cuộc vận động quyên góp được 2.000 yen của sinh viên và giảng viên trường Higher Normal School, tiền thân của Đại học Tsukuba ở Tokyo hôm nay.

Chú thích ảnh
68 vận động viên từ 19 quốc gia xuất phát ở nhiệt độ cực cao, nhiều người phải đội mũ hoặc trùm khăn chống nóng, tuy vậy một nửa bỏ cuộc

Thụy Điển không biết làm sushi

Trước marathon là… marathon.Kanakuri lên tàu hỏa ở Tokyo, chuyển tàu thủy từ cảngTsuruga đến Vladivostok (Nga), sau đó đi tàu liên vận xuyên Siberia, mất 18 ngày mới đến địa điểm thi đấu. Cứ đỗ nơi nào là ông tranh thủ nhảy xuống sân ga… tập chạy.

Ngày 2/6 ông đặt chân tới Stockholm, 6 tuần trước lệnh xuất phát cuộc đua marathon. Tuy nhiên thời gian quá ngắn, vì công tác chuẩn bị có thể coi là thảm họa. Thoạt tiên Kanakuri nằm bẹp 5 hôm liền vì chuyến đi xa khiến ông kiệt quệ. Sau đó tuy bắt đầu tập luyện nhưng lúc nào ông cũng đói hoa mắt vì ở nhà ăn của làng Thế vận hội không có… sushi. Rồi đến lượt trưởng đoàn Nhật ốm nặng, mọi thủ tục hành chính đổ lên đầu thành viên trẻ nhất là Kanakuri, khiến ông rất ít thì giờ ra bãi tập. 

Chú thích ảnh
Tháng 3/1967 Shizo Kanakuri đến Stockholm lần nữa ở tuổi 75…

Ngược lại, người Thụy Điển rất nhiệt tình, vì họ rất có triển vọng giành huy chương vàng trong môn marathon nhờ đôi giày vàng Sigge Jacobsson. Hôm 14/7 sân vận động  Stockholm đầy ắp 18.713 khán giả, 2.000 vận động viên và viên chức, cùng 500 nhà báo. Hàng chục ngàn người không mua được vé thì đứng chực hai bên đường.

Ban tổ chức lo sốt vó vì thời tiết. Mùa Hè năm đó nóng bất thường, hôm nào cũng xấp xỉ 35 độ. Chưa ai quên cuộc marathon 4 năm trước đó ở London, dù mát mẻ 25 độ song hàng loạt vận động viên ngất vì cảm nắng! Thực tế ở Thụy Điển là trong số 68 người ở vạch xuất phát có đến 33 người bỏ cuộc giữa chừng. Nắng nóng cũng hủy hoại hy vọng chiến thắng của nước chủ nhà: Alexis Ahlgren dẫn đầu từ vạch xuất phát nhưng được nửa đường thì đầu hàng. Át chủ bài Sigge Jacobsson cũng chỉ đạt hạng 4.

Shizo Kanakuri đâu?

Thoạt tiên Kanakuri rất lạc quan, ông chạy khá lâu bên cạnh người chiến thắng sau này là Ken McArthur người Nam Phi. Nhưng rồi vấn đề xảy ra: Ngày đó các nhà khoa học còn quan niệm là toát mồ hôi sẽ gây kiệt sức, do đó Kanakuri bỏ qua hầu hết các trạm tiếp nước dọc đường. Đến khoảng cây số 27, giữa nhà thờ làng Sollentuna và trạm kiểm soát ở Tureberg, Kanakuri buộc phải nghỉ chân, và ông ngất đi một thoáng. Một gia đình cạnh đường quan sát sự việc diễn ra ngay trước cửa nhà mình, họ đưa cho ông một cốc nước dâu. Kanakuri cảm ơn, nhận cả lời mời vào nhà nghỉ một lát, và… ngủ tít mít cho đến tận sáng hôm sau!

Dĩ nhiên ban tổ chức tá hỏa đi tìm một cái tên còn thiếu. Cảnh sát lùng sục cả quãng đường nhưng không tìm thấy gì. Đã thế, một vận động viên Bồ Đào Nha lại vừa tắt thở do bị cảm nắng. Chẳng lẽ…

Kanakuri lên đường về quê, chẳng chia tay ai. Ông quá xấu hổ, không còn mặt mũi nào để quay về nhà trọ lấy hành lý hoặc thông báo cho các viên chức Olympic. Ông kinh hoàng tưởng tượng ra giây phút đứng trước các sinh viên đã góp tiền cho ông đi thi đấu, ngõ hầu đem về vinh quang cho nước nhà. 

Trong nhật ký mà ông viết dọc đường, Kanakuri miêu tả nỗi sợ trướcsự nhục nhãmà ông gây ra cho tổ quốc. Đã có lúc ông muốn tự kết liễu đời mình. Nhưng ở đoạn cuối cũng có một câu đáng chú ý: “Thất bại này sẽ đẻ ra thành công!”.

Chú thích ảnh
… để rửa “mối hận” từ năm 1912

Thực hiện lời thề

Về đến nhà, Kanakuri bắt tay ngay vào chuẩn bị cho Olympic Berlin 1916. Trong ba năm tiếp theo ông giành thắng lợi ở mọi cuộc thi quốc gia. Rủi thay, Thế chiến I đã dập tắt giấc mơ Berlin. Nhưng ở Antwerp (Bỉ) 1924, Kanakuri có mặt và về đích thứ 16. 4 năm sau ông lại đại diện cho Nhật Bản ở Paris.

Kanakuri còn sáng lập ra cuộc chạy tiếp sức của sinh viên Nhật mang tên Tokyo-Hakone-Ekiden, nay được coi là di sản lớn nhất của ông. Từ 1920 đến hôm nay, cuộc chạy dài 218 cây số ấy luôn diễn ra vào đầu Xuân và được truyền hình trực tiếp.

Lạ, mà cũng không lạ ở cái thời thiếu Internet: Chẳng ai ở Thụy Điển biết gì về Kanakuri. Nửa thế kỷ liền, người Thụy Điển vẫn nhắc đến một vận động viên châu Á bị chết hoặc mất tích giữa đường chạy marathon! Mãi năm 1962 một phóng viên truyền hình Thụy Điển tình cờ gặp Shizo Kanakuri đang sống khỏe và về hưu sau sự nghiệp giáo sư địa lý ở Đại học Tamana.

Ủy ban Olympic Thụy Điển liền mời ông qua thăm Stockholm, đồng thời dè dặt hỏi, liệu ông có định chấm dứt cuộc chạy 1912 của mình vào năm 1967? Cựu giáo sư Kanakuri, nay đã 75, không ngần ngại thể hiện tinh thần thể thao, và ngày 20/3/1967 ông xuất phát ở đúng nơi đã bỏ dở trước đó hơn nửa thế kỷ.

13 cây số cuối cùng

Giữa một rừng ống kính của báo giới, cụ Kanakuri hoàn tất món nợ ngày nào và tiến vào sân vận động hầu như không hề thay đổi trong 55 năm qua. Các viên chức Olympic Thụy Điển đã bấm giờ chính xác cho cuộc chạy marathon chậm nhất lịch sử: 54 năm 8 tháng 6 ngày 8 giờ 20,3 giây cho 40,2 cây số (chứ không phải 42,195km theo quy định, vì ngày ấy mọi việc đều phiên phiến cho nhanh!) Suy ra Kanakuri đạt vận tốc 14mm/phút. Nói một cách báng bổ là chậm như sên.

Phi hành gia phá kỷ lục về chạy marathon trong vũ trụ

Phi hành gia phá kỷ lục về chạy marathon trong vũ trụ

Ngày 24/4, phi hành gia người Anh Tim Peake (Tim Pích) đã lập kỷ lục chạy marathon nhanh nhất trong vũ trụ sau khi dùng vật nặng cột vào người để thoát khỏi tình trạng phi trọng lượng và chạy trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Nhà nghiên cứu động vật Gerhard Haszprunar lên tiếng phản đối. Vì thực tế là cụ Kanakuri… chậm hơn sên! Giống sên Succineidae mỗi phút bò được 20mm cơ. Hoặc sên Burgundy thậm chí đạt tốc độ 11 mm/phút.

Cụ Kanakuri không quan tâm điều đó: “Quả là một chặng đường dài. Dọc đường tôi đã cưới vợ, sinh 6 đứa con và có 10 cháu nội ngoại”.

Một thế kỷ sau Olympic Stockholm, thiết tưởng nên bổ sung một giai thoại thú vị. Tại cuộc chạy kỷ niệm ở thủ đô Thụy Điển có 7.672 người tham gia, trong đó hiện diện Yoshiaki Kurado là chắt của Kanakuri. Chàng trai 25 tuổi chạy một mạch về đích. Chỉ nghỉ có một lần. Ở làng Sollentuna. Ở đó chàng trai nhận được một cốc nước dâu từ tay cô gái Tatjana Petre, hậu sinh của gia đình từng cho cụ Kanakuri… ngủ nhờ. Rồi chàng chạy tiếp, về đích sau 4 giờ 25 phút.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm