Thành phố Hồ Chí Minh tập trung khống chế ổ dịch mới trong cộng đồng

09/11/2021 15:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng trở lại. Tại nhiều quận, huyện xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng và trở thành những điểm nóng phức tạp.                             

Huy động tối đa nhân lực giúp sức Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19

Huy động tối đa nhân lực giúp sức Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19

Theo thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 14 giờ ngày 24/7, thành phố đang điều trị cho hơn 37.400 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 619 bệnh nhân nặng đang thở máy và 12 bệnh nhân can thiệp ECMO...

Các ca F0 tăng nhanh

Mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận từ 900 đến 1.000 ca mắc COVID-19 mới. Hiện các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho hơn 11.000 người mắc COVID-19, hơn 31.000 ca F0 đang tự cách ly và được điều trị tại nhà. Trong đó số ca F0 mới phải nhập viện đang cao hơn số ca được điều trị khỏi, xuất viện mỗi ngày.

Con thống kê cho thấy, số ca mắc COVID-19 mới và số ca nhập viện ở "tầng 2" các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhẹ trong hai tuần gần đây, đặc biệt tại những quận, huyện có nhiều khu công nghiệp. Dù độ phủ vaccine của thành phố tương đối cao nhưng hiện nay rất nhiều người từ các tỉnh trở lại thành phố học tập, làm việc chưa được tiêm vaccine nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm khá cao.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Trước thực tế này, nhiều địa phương đã chủ động tăng cường những biện pháp mạnh để khống chế dịch và điều chỉnh nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các quận, huyện có số ca F0 tăng cao như Quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh... Theo khảo sát của ngành y tế, hầu hết ca bệnh là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và trú tại các khu trọ trên địa bàn.

Cụ thể, tại huyện Hóc Môn, ngay sau khi phát hiện 9 ổ dịch COVID-19 mới tại xã Xuân Thới Thượng và xã Bà Điểm, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương dập dịch. Đến ngày 7/11, ngành chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 729 người dân và phát hiện 81 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Để chủ động hỗ trợ địa phương sớm kiểm soát dịch, Sở Y tế phối hợp với Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) điều động 15 Trạm Y tế lưu động từ quận Bình Tân tăng cường cho huyện Hóc Môn. Bên cạnh đó, Sở đề nghị Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 14 tăng cường hội chẩn, hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 nặng cho Bệnh viện huyện Hóc Môn.

Quận 12 từ ngày 23/10 đến nay đã ghi nhận hơn 8.000 trường hợp F0, riêng phường Hiệp Thành ghi nhận hơn 1.200 trường hợp. Theo lãnh đạo Quận 12, các ca mắc mới tập trung chủ yếu ở công nhân, người dân sống ở các khu nhà trọ. Quận 12 đã giám sát và theo dõi, chăm sóc điều trị tại nhà cho 5.643 trường hợp đủ điều kiện cách ly.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy thông tin người dân khi lấy mẫu. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Từ đầu tháng 10 đến nay, huyện Bình Chánh có 6.201 ca F0 được phát hiện bằng test nhanh kháng nguyên và RT-PCR. Huyện Bình Chánh vẫn còn 8 Trạm Y tế lưu động do lực lượng quân y hỗ trợ để quản lý và chăm sóc F0.

Mới đây, từ một số trường hợp ở hẻm trên Đường 3/2 (Phường 6, Quận 10) tự khai báo triệu chứng và tự làm xét nghiệm COVID-19, cơ quan chức năng Phường 6 đã tiến hành xét nghiệm và lấy mẫu các hộ lân cận. Kết quả là có hơn 20 hộ ở con hẻm và các hộ ở đường Bà Hạt có cửa thông với hẻm này có ca dương tính. Tất cả người lớn đã được tiêm hai mũi vaccine, trẻ nhỏ chưa được tiêm. Theo bà Đỗ Thị Bích Ngọc, Chủ tịch UBND Phường 6, đây là ổ dịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn được phát hiện sau tháng 9 không có ca mắc mới và chỉ vài ca rải rác từ đầu tháng 10 đến nay. Con hẻm tập trung đông dân cư với hai dãy nhà đối diện nhưng bề ngang hẻm khá hẹp - chỉ khoảng 1 mét, người dân đi lại và tiếp xúc nhiều nơi nên nguy cơ lây lan cao, khó truy vết nguồn lây.

Nhằm kiểm soát ổ dịch cộng đồng vừa phát hiện và mở rộng xét nghiệm các hộ mua bán ở khu vực vòng ngoài chợ gần hẻm, bà Đỗ Thị Bích Ngọc cho biết, địa phương đã thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức như lập các nhóm nhỏ, mở các kênh Zalo để thông tin cho người dân, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng kiểm tra thường xuyên hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn và yêu cầu các cơ sở chấp hành, nhắc nhở tuân thủ quy tắc 5K.

Theo ông Nguyễn Hoài Namn Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minhm trong bối cảnh công nhân tập trung tại các khu trọ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ tại các khu công nghiệp và khu nhà trọ công nhân.

Các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên đánh giá và nắm chắc các nguồn lây nhiễm. Bên cạnh đó, cần rà soát những trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 để có kế hoạch tiêm cho những trường hợp này; tính toán nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch sớm thành lập các Trạm Y tế lưu động phải tương ứng với số lượng F0 mới để có thể hỗ trợ kịp thời cho người bệnh khi lực lượng quân y rút khỏi địa phương.

Chú thích ảnh
Cận cảnh lấy vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Không để mầm bệnh phát triển thành ổ dịch

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết sau hơn 1 tháng thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, tình hình dịch trên địa bàn thành phố tạm ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp.

Đến ngày 8/11, toàn thành phố đã có 13 quận, huyện đạt tiêu chí vùng xanh (cấp độ 1 - nguy cơ thấp); 7 quận, huyện trong vùng vàng (cấp độ 2 - nguy cơ trung bình) và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè trong vùng cam (cấp độ 3 - nguy cơ cao). Giám sát diễn biến dịch bệnh mỗi ngày cho thấy, số ca mắc mới đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong thời gian gần đây.

Do đó, Sở Y tế đã hình thành các đội phản ứng nhanh điều tra, kiểm soát dịch do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đảm trách và kích hoạt các Trạm y tế lưu động với lực lượng các y, bác sỹ dự bị do các Trung tâm y tế và các bệnh viện đảm trách.

Tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Hóc Môn mới đây, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lưu ý rằng dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước có xu hướng tăng trở lại. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch cũng có xu hướng tăng nhẹ. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại về tình trạng chợ tự phát ở huyện Hóc Môn, về vị trí địa lý thì huyện như tiếp giáp nhiều địa phương, dân cư cư trú ở huyện đến từ nhiều nơi, chủ yếu là lao động tự do sống trong các khu nhà trọ chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu huyện Hóc Môn củng cố hệ thống tổ chức từ cấp huyện đến xã, thị trấn, ấp…, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu lấy hiệu quả làm thước đo. Song song đó, huyện phải phối hợp với các đơn vị liên quan, nhanh chóng củng cố hệ thống y tế cơ sở, khắc phục ngay tình trạng y tế cơ sở thiếu hụt. Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng hiện nay mầm bệnh vẫn còn trong cộng đồng nhưng không thể để mầm bệnh phát triển thành ổ dịch, chùm ca bệnh.

Khi phát hiện có dịch ở từng gia đình, tổ dân phố, khu dân cư…phải nhanh chóng khoanh vùng, xét nghiệm để ngăn chặn nguồn lây và tránh để dịch bùng phát. Vì vậy, ngành y tế, chính quyền địa phương phải thực hiện trước, đầy đủ trách nhiệm của mình. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cần có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về những biện pháp cần thiết người dân phải thực hiện khi xác định mình mắc COVID-19, kèm theo đó là phát túi thuốc điều trị cho F0 đang điều trị tại nhà.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị ngành y tế sớm tính toán để bố trí nhân sự các Trạm Y tế theo quy mô dân số, tránh để các trạm y tế ở các phường, xã, thị trấn đông dân bị quá tải. Tuy nhiên, địa phương cũng không phải chờ có đề án củng cố y tế mới thực hiện mà cần cơ cấu lại lực lượng tại chỗ và có chế độ để lực lượng này an tâm làm việc.

“Tránh dịch bùng phát cũng là để tránh áp dụng biện pháp giãn cách, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới giúp Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo sự bình yên, theo kế hoạch thích ứng an toàn với dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Thu Hương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm