16 người bỏ mạng trên du thuyền, 10 sinh mạng nằm lại sau vụ lật xe... là những vụ tai nạn nghiêm trọng năm 2011.
16 người bỏ mạng trên du thuyền trong đêm tiệc, 10 nạn nhân chết cháy khi xe container đâm trực diện xe khách, 10 sinh mạng khác phải nằm lại dưới đống gỗ sau vụ lật xe... là những vụ tai nạn nghiêm trọng năm 2011.
Xe container đâm xe khách, 10 người chết cháy
2h15 sáng 7/11, người dân sống gần quốc lộ 1A xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) choàng tỉnh bởi tiếng động kinh hoàng. Khi họ nháo nhào chạy ra thì chứng kiến cảnh tượng hãi hùng. Ôtô khách biển Thái Bình bị lật ngang, bẹp dúm và bốc cháy dữ dội. Nhiều tiếng kêu la, cầu cứu vang vọng cả quãng đường. Cách đó không xa xe container, "hung thủ gây án" cũng hư hỏng nặng. Riêng chiếc xe khách khác của hãng Hoàng Long chỉ bị móp một chút phía đuôi.
Nhiều người đã tích cực dập lửa, đập vỡ cửa xe khách Thái Bình để cứu người bị thương ra ngoài. Song, chỉ một lúc sau chiếc xe đã cháy rụi, nhiều tiếng kêu cứu tắt lịm trong biển lửa... 10 người chết và hơn 20 người trọng thương.
Vụ tai nạn ở Bình Thuận, chiếc xe bốc cháy đã cướp đi 10 sinh mạng.
Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận, thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, xe container trên do Trần Thiện Thanh (22 tuổi, ngụ huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cầm lái chạy trên quốc lộ 1A chạy theo hướng Bắc - Nam với tốc độ cao. Khi tới xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), Thanh đã để xe lấn tuyến, tông vào ôtô khách chất lượng cao của hãng Hoàng Long chạy ngược chiều. Sau đó xe container bị mất lái tiếp tục đâm trực diện vào xe khách biển Thái Bình loại 54 chỗ do tài xế Bùi Xuân Ly (40 tuổi ngụ Thái Bình) lái lưu thông ngược chiều và gây ra thảm cảnh. Hai tài xế Thanh và Ly đều thiệt mạng.
Cơ quan chức năng điều tra, xác định Thanh chỉ là phụ xe, chưa có bằng lái dành cho xe đầu kéo. Người lái chính xe container gây tại nạn là Nguyễn Đào (33 tuổi, quê Khánh Hòa). Tuy nhiên, tài xế chính vì buồn ngủ lên đã đưa cho Thiên cầm lái nên gây tai nạn kinh hoàng. Các nhà chức trách đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Đào về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
18 người chết tại mỏ đá Lèn Cờ
Sáng 1/4, như thường lệ, khoảng 30 lao động đang làm việc bên 4 dây chuyền khai thác đá ở mỏ Lèn Cờ (Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An) bất ngờ một tiếng rầm, mặt đất rung chuyển, cả ngọn núi đá cao 40 m, dài hàng trăm mét đổ ập xuống đất. Tiếng la hét thất thanh, tiếng người í ới gọi nhau vang động khắp khu vực.
Ngay lập tức, lực lượng cứu hộ gồm bộ đội, công an, dân quân, người dân và 6 máy xúc được huy động đào bới, tìm kiếm nạn nhân. Một trại cứu thương dã chiến được thành lập ngay cạnh đó. Khó khăn là do lượng đá đổ xuống quá lớn, ngọn núi bị sập lại cao 40 m, dài tới 150 m nên phải mất rất nhiều thời gian di chuyển đi chỗ khác. Trong khi đó, nếu càng kéo dài thời gian tìm kiếm thì cơ hội sống sót của nạn nhân càng ít dần.
Đến 19h cùng ngày, lực lượng cứu hộ mới đưa được 15 người nằm dưới khối đá ra ngoài, 3 nạn nhân khác vẫn đang mắc kẹt. Hơn 400 con người gồm bộ đội, công an, dân quân và người dân địa phương tích cực tìm kiếm các nạn nhân còn lại.
Sau 3 ngày xảy ra vụ sập mỏ đá Lèn Cờ khiến 18 người chết, 6 bị thương, công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi vi phạm an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng.
Buổi sinh nhật trên du thuyền "định mệnh"
Để mừng sinh nhật con trai tròn 3 tuổi, tối 20/5 Giám đốc công ty TNHH Lan Anh (ở Thuận An, Bình Dương) Quách Lương Tài đã mời họ hàng và đồng nghiệp đến Khu du lịch xanh Dìn Ký (cầu Ngang nằm ở xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) dự tiệc. Bữa tiệc được tổ chức sang trọng trên du thuyền 2 tầng của nhà hàng.
Khi du thuyền đang di chuyển trên sông Sài Gòn thì bất ngờ trời mưa to kèm gió lớn. Nhân viên khu du lịch vội vã cho thuyền quay đầu về bến, khi cách bờ chừng 100 m thì tàu chao đảo, lật ngang. Nhiều người đã bơi được vào bờ, tuy nhiên 16 người đã tử nạn, trong đó có 5 trẻ em và 4 người quốc tịch Trung Quốc.
Mẹ bé trai cuối cùng được vớt lên từ tàu Dìn Ký.
Sau 2 ngày mò lặn tìm kiếm dưới dòng sông Sài Gòn nước luôn chảy xiết và dâng cao, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy toàn bộ thi thể người bị nạn. Thi thể người mẹ còn ôm cứng đứa con được lực lượng cứu hộ vớt lên đã khiến những người chứng kiến không cầm được nước mắt.
Một ngày sau khi tàu chìm, cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Đức (sinh 1985, ngụ Bến Tre) lái tàu không bằng lái và quản lý bến du thuyền Lao Văn Quang về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy và vi phạm quy định về điều khiển phương tiện đường thủy.
Quá trình điều tra, phía Dìn Ký đã đền bù cho các nạn nhân người Việt Nam trung bình 2.828 USD một người; bồi thường tổn thất tinh thần là 3.393 USD một người. Đối với 4 người bị nạn người Trung Quốc, Dìn Ký đã phải chi hơn 68.000 USD để mang tro cốt họ về nước. Đã gần nửa năm nhưng vụ án vẫn chưa được đem ra xét xử.
Tai nạn đường sắt hy hữu cầu Ghềnh
Một vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại cầu Ghềnh (phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) vào đầu tháng 2 khiến hai người chết, 24 người bị thương. Điều mà mọi người quan tâm là sự thiếu trách nhiệm của lái tàu, bộ phận gác chắn trên cây cầu này. Và nhất là ý thức của người tham gia giao thông với tư tưởng "không chịu nhường ai".
Tối 6/2, tàu khách Thống Nhất do Nguyễn Văn Túy (43 tuổi) điều khiển chạy từ TP HCM ra Hà Nội, đến cầu Ghềnh bắc trên sông Đồng Nai đã húc trực diện vào một xe tải, 3 xe 4 chỗ cùng 2 taxi bị húc bẹp nát. Vụ tai nạn đã khiến ông Trần Ngọc Khải (49 tuổi) cùng con trai Trần Quang Tuấn (20 tuổi ngụ Đồng Nai) tử nạn tại chỗ, 24 người bị thương.
Nguyên nhân của vụ tai nạn hy hữu này là do Nguyễn Hùng Quốc lái xe taxi đi ngược chiều trên cầu Ghềnh gặp một chiếc taxi của hãng Vinasun do Trần Minh Châu. Tuy nhiên do không chịu nhường đường nên xảy ra cãi nhau giữa 2 tài xế này gây ùn ứ giao thông trên cầu.
Vụ tai nạn cầu Ghềnh được coi là hy hữu trong ngành đường sắt.
Mặc dù không có tín hiệu thông cầu, nhưng 2 lái tàu là Nguyễn Văn Túy (43 tuổi, lái tàu chính), Nguyễn Xuân Phú (47 tuổi, lái tàu phụ) vẫn cho tàu đi vào khu vực cầu Ghềnh nên đã gây ra tai nạn nghiêm trọng.
Còn đối với Tô Quang Toán (nhân viên bảo trì đèn tín hiệu) không kịp thời khắc phục đèn tín hiệu hư nên không cảnh báo được cho đoàn tàu. 4 nhân viên gác chắn đã thiếu trách nhiệm trong công việc, không kịp thời hạ gác chắn phân luồng giao thông.
Vì vậy, 8 người có liên qua đến vụ tai nạn này đã bị khởi tố. Trong đó có lái tàu chính, lái phụ bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt”. 4 nhân viên gác chắn bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tài xế taxi bị khởi tố về tội “cản trở giao thông đường sắt”.
Lật xe chở gỗ, 10 người tử nạn
Vào rạng sáng 7/12, khi trời đang đổ mưa thì chiếc xe tải chở đầy gỗ cùng 17 người trên đường về tới dốc đèo Pù Huột (thuộc xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An) bị lật khiến toàn bộ số gỗ trên xe đổ xuống làm 10 người chết. Hầu hết nạn nhân là người dân tộc Thái.
Cơ quan điều tra đang xem xét có hay không việc chiếc xe “định mệnh” này vận chuyển gỗ lậu thì lại phát hiện sự có mặt của Trạm trưởng kiểm lâm trung tâm Đào Công Thắng (thuộc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) và kiểm lâm viên Kim Hùng ngồi trong cabin. Sau vụ tai nạn, hai vị cán bộ này bỗng nhiên “mất tích”.
4 ngày sau đó Trạm trưởng Thắng và thuộc cấp đã tới cơ quan trình diện với những vết thương ở người. Kiểm lâm Hùng cũng khai nhận, ngồi trên xe chở gỗ lậu theo yêu cầu của trạm trưởng. Hai sếp may mắn thoát nạn vì được "ưu tiên" ngồi trong cabin xe.
Chưa bao giờ xã miền núi Châu Lý của huyện Quỳ Hợp lại tang tóc đến thế. Họ phải chứng kiến 10 cái chết cùng một lúc. Giờ đây, những người thân của các nạn nhân xấu số sẽ phải mang theo sự mất mát quá lớn đi suốt cuộc đời.Theo Vnexpress