Tích cực phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

05/04/2013 09:58 GMT+7 | Y tế


Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long: 3 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã có trên 200 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) và trên 900 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Hiện, ngành Y tế đang phối hợp với các ngành liên quan và 8 huyện, thành phố chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng chống 2 loại dịch bệnh này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mắc bệnh, tử vong và khống chế không để bệnh bùng phát thành dịch lớn trên địa bàn.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TT YTDP) tỉnh Vĩnh Long, năm 2013, do thời tiết thay đổi bất thường nên dự báo bệnh TCM sẽ tăng cao trong các tháng 4 và tháng 5; bệnh SXH sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5 và tháng 6 khi chuyển sang mùa mưa. Hiện nay, số cas bệnh TCM toàn tỉnh tăng hàng ngày và mỗi tuần ghi nhận gần 20 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng khoảng 40% so với các tuần cuối tháng 2 và đầu tháng 3; trong đó, các trường hợp bệnh nặng cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Thành phố Vĩnh Long và huyện Vũng Liêm là 2 địa phương có số trường hợp mắc bệnh SXH cao nhất tỉnh, chiếm gần 50% so với tổng số trường hợp mắc bệnh.

Ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư, hóa chất, cơ số thuốc đièu trị khi có dịch, TT YTDP tỉnh đã phối hợp với Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm những địa phương có nguy cơ bùng phát dịch bệnh để có kế hoạch xử lý kịp thời, đặc biệt là các ổ dịch nhỏ, khống chế không để lây lan thành dịch lớn. Công tác truyền thông được đẩy mạnh với nhiều loại hình truyên truyền phù hợp với mục đích nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh. Trong đó, TT YTDP tỉnh kết hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn về điều trị SXH, TCM; mở các lớp tập huấn về giám sát dịch bệnh, xử lý dịch cho các cán bộ tuyến huyện, xã để nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho các y bác sĩ hệ điều trị.

Ngoài ra, TT YTDP Vĩnh Long và các địa phương trong tỉnh còn tích cực tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên, cán bộ y tế trường học, cán bộ quản lý nhà trường về cách chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh cho trẻ và các triệu chứng của trẻ bị các bệnh TCM, SXH, từ đó giúp cho giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học kịp thời cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, nắm vững những kiến thức cũng như phát hiện trẻ bệnh để chăm sóc, điều trị. Trung tâm cử cán bộ chuyên trách phối hợp với các Trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã về các xã, phường, thị trấn có chiều hướng bệnh tăng cao để giám sát dịch bệnh, xử lý các ổ dịch phát sinh, không để lây lan diện rộng.

Theo Phạm Thị Bình
TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm