Arsenal - Tottenham 2-3: Và đây, "nghĩa địa" Emirates!

21/11/2010 11:45 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH)- Không thể tin nổi những gì đã xảy ra ở Emirates. Nắng vẫn rất đẹp, và bầu trời rất trong. Nhưng trên cái mặt sân đẹp mê hồn ấy chỉ còn những bóng ma. Chỉ còn những cái xác vô hồn và những thanh âm tắc nghẹn vì kinh ngạc. Thêm một lần nữa, nỗi đau lại thấm đẫm những con tim Pháo thủ. Sự sợ hãi và nỗi cô đơn cùng cực bay lên, khi Arsenal ném xuống cuộc chơi sự tuyệt vọng khốn cùng.

17 năm không thắng trên sân Arsenal đã được Tottenham kết thúc theo một cách không thể gây sốc hơn. “Kế hoạch hoàn hảo” được thầy trò Wenger thực hiện ở 2 trận trước đã tái hiện. Không thể thuận lợi hơn được nữa, khi The Gunners đâm chính xác 2 nhát kiếm trí mạng và tỏ ra cực kỳ vững chắc với những lá khiên phòng thủ. Cả hiệp 1 là thời điểm người ta thấy một Arsenal đoàn kết và kiên cường, quyết đoán nhưng vẫn rất mềm mại khi lên bóng. Khả năng kiểm soát tuyến giữa là rất ổn, góp phần khiến mọi ngòi nổ bên phía Spurs đều không phát huy được sức mạnh. Lẽ nào, tất cả những điều đó lại là dấu hiệu cho cơn ác mộng của hiệp 2?

Hóa ra đúng là như vậy. Tottenham không trừng phạt Arsenal, mà chính The Gunners đã tự sát. Bắt đầu là hàng loạt pha xử lý cẩu thả không thể tin nổi từ Chamakh. Tiếp đến là sự chủ quan của Song, rồi tình huống cao tay khó hiểu của Cesc. Như một phản ứng dây chuyền, Arsenal bắt đầu nã súng xuống chân mình, khởi đầu cho một cú ngã toàn diện cả về thế trận đến con người. Khi bị lôi khỏi cái vỏ ốc xù xì của lối chơi “người lớn”, Arsenal đã lập tức bộc lộ sự kém cỏi trong việc giữ nhịp thở và cả sự bình tĩnh để lật ngược tình thế. Các thay đổi của Giáo sư đều hợp lý, nhưng vẫn quá chậm và không phát huy được hiệu quả. Trong một đêm điên rồ, cú đánh đầu quá khó của Kaboul đã là dấu chấm hết cho mọi nỗ lực của Pháo thủ. Nhưng đâu có gì ngạc nhiên nhỉ? Nếu như Arsenal đã đánh mất chính mình, việc họ gục ngã là điều dễ hiểu.

Sự thất vọng của HLV Wenger khi thua cuộc - Ảnh Getty
* Những đôi chân mỏi mệt?


Nếu muốn dùng vấn đề thể lực để bào chữa cho trận thua này, đó sẽ là nhận định hoàn toàn sai. Đúng là đã có 6 cầu thủ trong đội hình xuất phát của Arsenal thi đấu cho tuyển quốc gia vài ngày trước, chưa kể van Persie và Walcott vào sau. Nhưng nhìn cách di chuyển, phối hợp và tăng tốc của đội chủ nhà, không ai thấy một thảm họa nào đó về sức bền. Nếu như có điều gì đó khiến The Gunners mệt nhoài sau giờ nghỉ, thì đó chính là đường chuyền ẩu và khả năng hỗ trợ lẫn nhau quá kém. Vấn đề rất rõ, Arsenal có thể cầm bóng tốt, nhưng lại quá loay hoay để kết thúc một đợt tấn công. Kết quả, khi mất bóng, hàng thủ của họ thường xuyên bị bất ngờ và chông chênh trước mỗi đợt phản công của đối thủ.

Đáng phải ngả mũ trước Harry Redknapp! Chinh phục pháo đài Emirates không chỉ cần sức mạnh, mà còn cả sự khôn ngoan nữa. Việc Harry loại bỏ Lennon ngay sau giờ nghỉ đã phát huy hiệu quả. Defoe có mặt và bắt đầu kích thích thứ tốc độ đã ngủ quên của Gà trống Spurs.

Điều gì đã xảy ra khi Van der Vaart ngạo nghễ chỉ tay lên các khán đài sau bàn thắng thứ 2? Khi người ta bắt đầu có cảm giác đầu hàng và sẵn sàng tụt xuống vực sâu, sự sỉ nhục có lẽ cũng là một phần của cuộc chơi. Cơn giận dữ tung lên phía trước, tan tành, khi chai nước vô tội bị Wenger trừng phạt. Những khán đài lặng câm nghe hồi còi mãn cuộc.

Emirates – Hôm nay hãy gọi đó là nghĩa địa của niềm kiêu hãnh Gunners. Không, đó không phải là Arsenal! Đó chỉ là những chiến binh vật vờ và vô cảm như những hồn ma lạc lõng. Nỗi đau của họ có thật, nhưng không thể sánh được với cảm giác của hàng triệu tín đồ Pháo thủ.

Vì sao ư?

Đơn giản, vì ngôi mộ thật của người chết luôn nằm trong trái tim người sống…

Yến Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm