17/05/2022 08:00 GMT+7 | Văn hoá
Đây là giải thưởng do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) phát động từ năm 2020 nhằm tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc “của thiếu nhi”, hoặc “vì thiếu nhi”.
Đa dạng và nhiều màu sắc
Cũng giống như hai mùa giải trước, mùa giải năm nay vẫn được tiến hành bài bản, quy củ với các buổi chấm sơ khảo trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và TP. HCM nhằm thảo luận, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan nhất các tác phẩm dự thi hoặc được đề cử.
Năm nay, Giải thưởng đã thu hút 89 tác phẩm/chùm tác phẩm dự thi (tính đến hạn chót nhận tác phẩm là ngày 5/5), với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản trong thời gian từ quý II năm 2021 đến 5/2022. Trong đó, có 9 chùm thơ, tập thơ hoặc series thơ nhiều tập; 19 phim hoặc series phim hoạt hình; còn lại là các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết...
So với mùa giải lần 1 năm 2020 và lần 2 năm 2021, số lượng các tác phẩm dự thi ít hơn, nhưng vẫn phong phú về thể loại, tạo nên một bức tranh chung về văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi, của thiếu nhi trong năm xét giải.
Bên cạnh những tác giả đã thành danh, ở mùa giải năm nay, đáng chú ý là một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9 - 12 tuổi sáng tác. Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có những em còn tham gia cùng người lớn trong vai trò là họa sĩ minh họa hoặc dịch thuật cho các cuốn sách tranh. Có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em viết truyện dài trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt - Anh, xác lập nên một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi vừa qua.
Giải thưởng cũng thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.
Vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, giải Dế Mèn vẫn thu hút được lực lượng người viết cho thiếu nhi không hề nhỏ, họ là nhà văn, giáo viên, bác sĩ, kiến trúc sư…, họ còn là những phụ huynh viết sách như là một cách để bồi dưỡng tâm hồn cho chính con em mình.
Văn xuôi chiếm đa số
Sau 2 vòng chấm chọn (vòng loại và vòng chấm điểm), Ban sơ khảo gồm 9 thành viên đã “lẩy” ra được những “gam màu trội” gồm 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, trong đó có 6 truyện dài, 1 chùm truyện ngắn, 1 bộ thơ 5 tập, 1 truyện tranh và 2 sách tranh.
Danh sách 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo 1. Truyện dài Biệt đội thám tử và Emma thảm họa (2 cuốn) của tác giả Quyên Gavoye (Việt kiều tại Pháp) 2. Bản thảo truyện dài Cá Linh đi học của tác giả Lê Quang Trạng 3. Chùm truyện ngắn (bản thảo) của tác giả An Băng (9 tuổi) 4. Sách tranh song ngữ Việt - Anh Chiếc dép thất lạc của tác giả Geralda De Vos (Bỉ) và họa sĩ Sofia Holt (Thụy Điển), dịch giả Kim Ngọc 5. Sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ (7 tập) - Thanh Tâm viết lời, các cháu thiếu nhi vẽ tranh 6. Truyện dài Cơ Bản là Cơ Bản của tác giả Phạm Huy Thông 7. Thơ Dắt mẹ đi chơi (5 tập) của tác giả Mai Quyên 8. Bản thảo truyện dài Đu đưa trên ngọn cây bàng của tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy 9. Bản thảo truyện dài Nếu một ngày chúng tớ biến mất của tác giả Mộc An 10. Truyện dài Trường học có gì vui? của tác giả Hải Nam 11. Truyện tranh Xóm Om Xòm (5 tập) của tác giả Hoàng Giang |
Nhìn vào danh sách các tác phẩm lọt vào chung khảo, có thể thấy văn học, mà cụ thể là văn xuôi chiếm đa số. Đó là những câu chuyện lấy bối cảnh ở một đất nước phương Tây nhưng tác giả là người Việt Nam và có ý nghĩa “quảng bá văn hóa Việt Nam” thông qua những bài học về kỹ năng sống cho trẻ em; là câu chuyện về cuộc phiêu lưu của chú cá linh, để thông qua đó làm nổi bật lên đời sống văn hóa sông nước miền Tây hôm nay trước những diễn biến phức tạp của môi trường; là những câu chuyện đồng thoại được viết bởi một tác giả nhí với những diễn biến bất ngờ, làm cho người đọc ngạc nhiên. Đó là một series truyện tranh có thể thành best - seller khi mà nội dung của nó khá hài hước, hình vẽ sinh động, mới lạ với rất nhiều tiếng cười, có thể đọc liền một mạch mà không vấp phải hạt sạn “giáo huấn” nào. Hay. đó là tác phẩm chỉ đơn giản viết về hành trình đi tìm lại chiếc dép thất lạc của một cô bé với nội dung hài hước, cách triển khai, xử lí tình huống dễ thương, phù hợp với tinh thần vô tư của trẻ em, có khả năng khơi gợi lại tình cảm của mỗi người về những đồ vật thân thương giữa thời đại tiêu dùng…
Chủ đề Covid-19 rất tự nhiên đi vào 2 tác phẩm lọt vòng chung khảo là Covid trong mắt trẻ thơ (7 tập) và Trường học chẳng có gì vui?. Vượt lên trên những thông tin thời sự, giờ đây khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, những tháng ngày giãn cách đã dần đi vào hoài niệm, 2 tác phẩm trên vẫn lắng đọng lại những câu chuyện nhân sinh muôn thuở, làm cho người đọc có thể bật cười hoặc bật khóc. Với tư cách là một giải thưởng nghệ thuật chuyên nghiệp, có thể khẳng định không có tác phẩm nào được Dế Mèn lựa chọn chỉ vì “tính chủ đề” hay “tính thời sự”.
Về thơ, lọt vào chung khảo chỉ có duy nhất có bộ thơ 5 tập khá gọn gàng, trong trẻo, nhiều bài hay và có chiều sâu, gợi thông điệp về sự gắn kết, yêu thương, giáo dục trẻ thơ về tình yêu ông bà, cha mẹ, quê hương…
Từ 11 tác phẩm này, Hội đồng chung khảo sẽ khởi động quá trình chấm qua 2 vòng độc lập trong thời gian từ nay đến 31/5/2022 để chọn Giải thưởng Lớn mang tên “Hiệp sĩ Dế Mèn” (Cricket Knight) và một số giải “Khát vọng Dế Mèn” (Cricket Desire).
Dự kiến Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 sẽ diễn ra vào tối ngày 31/5 tới tại Hà Nội. Trong khuôn khổ của Lễ trao giải, báo Thể thao và Văn hóa sẽ tiến hành đấu giá nghệ thuật Vì mái trường cho em do báo kết nối với các văn nghệ sĩ, các vị Mạnh Thường Quân và ngành giáo dục ở các địa phương nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất cho một số trường/điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.
Trọng tâm của buổi đấu giá sẽ là chiếc xe Vespa được họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ lên; chiếc đồng hồ Nam Ernest Borel GS8380C-221 - thương hiệu đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sỹ. Bên cạnh đó còn có một số các tác phẩm nghệ thuật cùng các kỷ vật giàu ý nghĩa văn hóa của các văn nghệ sĩ, ngôi sao thể thao, người nổi tiếng khác. Số tiền thu được sẽ dành để sửa chữa, xây dựng, hoàn thiện những mái trường mến yêu cho các em.
Đôi nét về Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn Là giải thưởng nghệ thuật thường niên do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) sáng lập và tổ chức từ năm 2020, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn nhằm tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ). Mùa giải Dế Mèn đầu tiên (2020) đã trao 1 giải Hiệp sĩ Dế Mèn cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và 4 giải Khát vọng Dế Mèn cho tác phẩm của họa sĩ nhí Nguyễn Đới Chung Anh, nhà văn nhí Cao Khải An, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, nhà văn Nguyễn Chí Ngoan. Mùa giải thứ 2 (2021) trao 5 giải Khát vọng Dế Mèn cho các tác phẩm của nhà văn Bình Ca; ê kíp làm phim hoạt hình Khúc gỗ mục, họa sĩ nhí Xèo Chu, tác giả truyện tranh Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng) và nhóm tác giả bộ truyện Khác biệt mới tuyệt làm sao. Hội đồng giám khảo gồm nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (Chủ tịch Hội đồng) và các thành viên gồm nhà văn PGS-TS Ngô Văn Giá, họa sĩ Thành Chương, nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ “Thần đồng Đất Việt” Lê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa. |
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất