Nhà thơ Vũ Quần Phương: Người đẹp cũng có lúc ế lâm thời

22/06/2012 06:30 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - “Người đẹp” của nhà thơ Vũ Quần Phương, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn VN 20 năm liền, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ khóa VII, không cần đến đôi chân dài bởi vì nàng là…THƠ. Nhưng không phải vì không cần đến chân dài trong thời buổi “lắm chuyện với chân dài” hiện  nay mà nàng không bị lâm nguy. 

Đánh giá lại văn học VN thế kỷ 20

* Mới đây, trong tọa đàm thơ Quang Dũng, ông có nêu đề xuất đánh giá lại văn học Việt Nam thế kỷ 20?

Nhà thơ Vũ Quần Phương

- Đúng vậy. Chúng ta đang ở năm thứ 12 của thế kỷ 21 rồi, nhưng việc đánh giá lại văn học thế kỷ 20 thì vẫn chưa làm cho thấu đáo, tôi muốn đề xuất: Lâu nay chúng ta nhìn nhận nền văn học thế kỷ 20 có đến 80 hay 90% là nói về văn học Cách mạng. Còn văn học ngoài Cách mạng thì rất ít. Tỷ lệ đó theo tôi là không thỏa đáng.

* Theo ông, nên đánh giá lại như thế nào?

- Có hai vấn đề. Thứ nhất là về bề rộng. Nền văn học Việt Nam trước 1945, trong đó có nhóm Tự Lực văn đoàn và các nhóm nhỏ khác, họ mở đầu cho nền văn học chữ Quốc ngữ. Lâu chúng ta đánh giá một cách sơ sài rằng đó là những tác phẩm lãng mạn, tiêu cực. Nay cần nhìn nhận lại, ít nhất khẳng định những giá trị lịch sử của họ. Thêm nữa, nói đến văn học đất nước thế kỷ 20, không thể thiếu văn học Sài Gòn trước 1975. Bên kia vĩ tuyến 17 là một nửa của đất nước. Ở đâu có dân tộc Việt Nam thì ở đó có vui buồn của người Việt Nam. Mà có vui buồn thì có văn chương.

Thứ hai là chiều sâu. Riêng văn học miền Bắc, trước đây vì nhiều lý do, chúng ta nâng niu biểu dương toàn thể các tác giả, nhưng giờ đây, đất nước đã thống nhất, hòa bình, chúng ta cần cái nhìn khoa học, công tâm, không thể có sự thiên vị nào cả. Chỉ có một thước đó duy nhất: chất lượng nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Những nhà văn, nhà thơ có sáng tác cả trước và sau Cách mạng đều cần được đánh giá lại. Sau Cách mạng, có người viết hay hơn, có người lại không thế, họ không hơn, có người lại kém đi. Nhưng đó không phải lỗi của Cách mạng, mà là do nhà văn không hợp “tạng” với  hoàn cảnh sáng tác mới. Mỗi người có một lý do riêng.

Nên có chỗ đứng thỏa đáng cho văn học Sài Gòn trước 75

* Ông đã đọc nhiều tác phẩm văn học miền Nam trước 1975 chưa?

- Tôi đọc rải rác 40 năm nay, nhưng biết là chưa đủ nhiều. Những nhà thơ của Sài Gòn trước 1975 tiêu biểu như Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Nhã Ca… nên có một vị trí trong nền văn học. Mà tôi cũng mới kể vài tên tuổi ngẫu nhiên thôi, chưa nói hết được vì chưa biết thấu đáo.

Cũng phải nhắc đến văn học hải ngoại, người Việt ở ngoài nước viết bằng tiếng Việt, trong ba giai đoạn: trước 1945, trước 1975 và nhất là sau 1975. Không đề cập đến khía cạnh quan điểm chính trị, thì những người này giữ trong lòng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, lòng trân trọng tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Đó là mảng đóng góp độc đáo cho văn chương nước nhà. Cần chọn lựa mà gìn giữ.

* Tại sao ông cho rằng bây giờ là thời điểm chúng ta  nên thay đổi cách nhìn nhận nền văn học nói chung, và thi ca nói riêng, của thế kỷ 20?

- Mấy chục năm trước thì chưa được vì còn có vết hằn của chiến tranh. Còn bây giờ tư duy đã đổi mới nhiều rồi. Tình hình xã hội hiện nay cũng khác nhiều. Và quan trọng nhất là, nếu không kịp làm thì nhân chứng, vật chứng của các thời kỳ đó không còn nữa. Nếu chúng ta không làm bây giờ, để con cháu chúng ta sau này mới làm thì sẽ có nhiều đánh giá sai lầm vì thời gian làm méo mó nhiều thứ đi.

* Ông có thể cho một ví dụ tiêu biểu về đối tượng văn học cần nhìn nhận lại chính xác?

- Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chẳng hạn. Hiện có hai luồng đánh giá đều không ổn. Thứ nhất là coi họ như phản động. Thứ hai là đánh giá quá cao, coi họ là đỉnh cao của nền văn học mấy chục năm qua, họ là những chiến sĩ đấu tranh cho tự do, mở đường cho văn học hướng đến cách tân. Cả hai cách nghĩ đều chưa thỏa đáng.

Hiện tại, chúng ta có nhiều vấn đề lịch sử văn học bắt buộc phải giải quyết.

Thí dụ trường hợp Phạm Quỳnh hay Nguyễn Văn Vĩnh chẳng hạn. Trước đây vì sai lầm chính trị, họ bị xóa cả phần đóng góp văn hóa. Những năm gần đây, các đóng góp của họ đối với nền văn hóa Việt Nam đã được ghi nhận trở lại. Ghi nhận công lao các vị về văn hóa, cứ ghi, phải ghi. Còn sai lầm về chính trị, nếu có đến đâu, cũng cứ ghi đến đó, không có gì phải lúng túng cả. Chúng ta phải minh bạch ở chỗ đó.

* Nếu không thì…

- Thì con cháu chúng ta không học văn nữa. Vì chúng ta đánh giá không đúng, khen những tác phẩm mà các em cho là dở. Chúng ta chọn tác phẩm theo mục đích tuyên truyền, có khi là để khuyến khích tác giả từ cơ sở lên, hay cổ võ cho một đề tài nào đấy. Nhưng học sinh bây giờ phải thấy hay các em mới khen. Mà điều đó là mừng đấy. Thế nên nếu không đánh giá lại cho chính xác, thì văn học không đủ sức thuyết phục, khiến các em không tin cậy.

* Thế ông đã nghĩ hiện thực hóa ý định này chưa?

- Tôi đang biên soạn một cuốn sách về thơ Việt Nam thế kỷ 20, nhưng trong vòng 6 tháng tới tôi lại bận nên chưa thể hoàn thành được. Hiện tôi đã soạn xong hai phần ba nội dung. Còn một phần ba lại thấy hơi khó.

* Tại sao vậy?

- Đó là phần về các nhà văn Sài Gòn trước 1975. Vì tôi phải gặp gỡ trực tiếp, hoặc thư từ với họ, thương lượng với họ để đăng tác phẩm, đảm bảo quyền tác giả. Không phải ai cũng dễ dàng đồng ý. Với tôi, đây là một việc khó khăn.

* Ông dự định chọn tác giả và tác phẩm theo tiêu chí nào?

- Tiêu chí thơ hay. Những bài thơ làm giàu tâm hồn con người, đôi khi biến đổi  cả cuộc đời họ, khiến người ta sau khi đọc thơ xong không thể sống như trước được nữa.


Chỉ đến Ngày thơ VN tổ chức hàng năm vào Rằm tháng Giêng, thơ mới được nhiều người "để mắt" đến

Văn học đương đại: đang lúng túng?

* Trong văn học Việt Nam thế kỷ 20, giai đoạn sau 1975 cũng chưa có được khẳng định về giá trị và cũng chưa được đưa vào sách giáo khoa. Ông nghĩ sao về chuyện này?

- Việc đưa vào sách giáo khoa thì phải hỏi các nhà tu thư. Tôi chỉ nói chung thế này: Không thể tách rời văn học khỏi điều kiện chính trị, xã hội. Hiện nay, chúng ta đang lúng túng, sự lúng túng của cả một thể chế, tôi nghĩ thế. Văn học cũng phải chịu tác động thôi. Lý luận văn học chưa rõ đâu. Riêng về thơ trẻ, tài năng chưa tập trung vào những cá nhân nhất định. Họ có một đám đông, nhưng nếu tách riêng từng người thì không đủ mạnh. Còn văn xuôi thì khá hơn, có Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư…

* Vì sao ngày trước chúng ta không bị lúng túng?

- Ngày ấy tiêu chí dễ thống nhất hơn.

Thời đó, tiêu chí là phục vụ đất nước, nhân dân, động viên nhân dân, đề cao cộng đồng, xã hội. Bây giờ mọi sự phức tạp hơn. Như các vụ gọi là “giải phóng mặt bằng” ấy. Anh đứng về phía nào? Tiêu chí đã thay đổi. Xã hội trở nên đa cực hơn. Mà những người quản lý có khi cũng chưa tự tin vào cái “cực” mà mình lựa chọn.

Có thể gọi đây là thời kỳ “giáp hạt”. Lúa vụ trước ăn hết rồi mà lúa vụ sau thì chưa chín.


Những bài thơ “hôn mê” hàng thế kỷ

* Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có nói “Thơ hay thì không chết”, nhưng tôi sợ rằng trong giai đoạn lúng túng như thế này người ta cũng chẳng biết đâu là thơ hay, thơ dở.

- “Thơ hay thì không chết” là đúng đấy. Có những bài thơ hay không chết nhưng lại “hôn mê”, có khi tới hàng thế kỷ. Thơ hay cũng như người con gái đẹp, ở đâu đi đâu cũng lấy được chồng. Nhà thơ Chế Lan Viên phán thế. Nhưng có khi cô ta cũng phải “ế lâm thời” vài năm, dăm năm, chục năm… Cuộc đời là thế.

* Thơ hay mà “hôn mê” đến mấy chục, mấy trăm năm thì có phải là nghiệt ngã với tác giả (có tài) quá không?

- Không hẳn. Cuộc đời không ai định trước được. Nhận ra cái hay cũng có thời có thế của nó. Văn học cũng có “mốt”. Biến động để xã hội làm người ta chợt tỉnh và nhận ra tác phẩm này, tác phẩm kia là hay.

Những nhà văn không được xã hội công nhận ngay thì có hai trường hợp: một là họ quá tài, đi trước thời đại quá xa, người ta không hiểu được họ ngay; hai là họ tưởng mình có tài nhưng không phải thế. Đã làm văn chương thì người ta sẽ chấp nhận cái nghiệt ngã đó, làm vì ý thích của mình chứ không phải để được đề cao. Nếu anh viết để được đề cao, thì biết đâu anh vô tình biến mình thành nô lệ cho người có quyền, có tiền, có thế.

* Vậy theo ông tại sao thơ mất dần độc giả?

- Tôi cho là có hai lý do. Thứ nhất là chất thơ ngày nay không chỉ tồn tại trong thơ, mà còn trong điện ảnh, kiến trúc, trong các ngành nghệ thuật và trong đời sống… Vì thế chất thơ, chất trữ tình không mất đi, nhưng cũng không là độc quyền của thơ nữa.

Thứ hai, ngày nay chúng ta có quá nhiều thứ lôi cuốn. Với mạng Internet thôi, đã bao nhiếu thứ lôi mình đi. Ngày nay, mật độ sống, chất lượng sống tăng lên, người ta càng có ít thời gian cho thơ.

* Biết đâu một tiếng đọc thơ ngày trước có ý nghĩa hơn vài giờ lướt web hôm nay…

- Có thể. Nhưng thời nay người ta không thể không lướt web. Cũng như thuốc phiện, đã nghiện rồi thì khó bỏ. Trang mạng không độc như thuốc phiện, nhưng càng khó bỏ. Chính vì thế ngày nay người ta lại khuyên nhau sống chậm. Các cụ rỉ tai nhau châm ngôn: “Sống chậm, chết nhanh/ Ít của để dành, nhiều người thương tiếc” (cười).

* Ông nghĩ sao về nhận định của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Việt Nam là một cường quốc về thơ”?

- Nói vui thôi. Đã ai thống kê đâu. Có khi còn là câu nói giễu. Người Việt Nam do đặc điểm ngôn ngữ có sắc, huyền, hỏi ngã, nặng nên thích nói có vần có điệu. Ngày trước nhiều người mù chữ nên vần điệu giúp cho dễ nhớ. Ngay câu châm ngôn vừa nói cũng là một cách nói vần điệu nên chỉ nghe một lần là nhớ. Nhưng vần điệu đã đủ để coi là thơ chưa. Tôi rất ngần ngại khi nói đặc tính của cả đất nước. Từ nghiêm chỉnh đến khôi hài cách nhau chỉ một sợi tóc.

Mi Ly (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm