Cảnh báo của ông Trump từ việc nã tên lửa vào Syria sẽ phản tác dụng?

08/04/2017 13:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Với việc ra lệnh nã tên lửa vào Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng “Bắc Kinh cần phải giúp kiềm chế Triều Tiên, bằng không thì Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với hậu quả tương tự”. Nhưng liệu cảnh báo đó sẽ hiệu nghiệm?

Với việc ra lệnh phóng tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân Syria khi đang đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn truyền thông điệp cứng rắn sẽ tự ý hành động một mình nếu như Bắc Kinh không hỗ trợ kiểm soát chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin căng thẳng leo thang xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên được cho là một trong những ưu tiên hàng đầu để thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ đầu tiên dưới thời ông Trump.

Theo các nhà phân tích quân sự và ngoại giao, việc nã tên lửa nhằm vào Syria khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có bữa ăn tối đầu tiên với nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (Florida) không chỉ là đòn cảnh cáo với chính quyền Bình Nhưỡng mà Mỹ còn muốn gây sức ép với đồng minh duy nhất của Triều Tiên là Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Triều Tiên sẽ phớt lờ thông điệp cảnh cáo từ phía Mỹ.


Ông Donald Trump và Ông Tập Cận Bình

Theo kênh truyền hình CNN, ông Trump đã gặp đội cố vấn an ninh quốc gia để thảo luận về cuộc tấn công căn cứ Syria trước khi có bữa tối với ông Tập Cận Bình.

Chuyên gia quân sự Ni Lexiong làm việc tại Thượng Hải (Trung Quốc) nhận xét cuộc tấn công là một bước đi có tính toán, không chỉ nhằm vào Syria và Nga, mà còn là vào Bắc Kinh. Ông Trump đang muốn nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng “Bắc Kinh cần phải giúp kiềm chế Triều Tiên, bằng không thì Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với hậu quả tương tự”.

Tuy nhiên, với quan điểm của Hwang Jae-ho – một chuyên gia an ninh khu vực đông bắc Á tại Đại học Hankuk (Hàn Quốc), Bắc Kinh sẽ không cho phép Mỹ tấn công Bình Nhưỡng. Triều Tiên về mặt chiến lược rất quan trọng với Trung Quốc, quốc gia đang có mối quan hệ căng thẳng với Hàn Quốc về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD của Mỹ tại đây.

Ông Hwang bình luận: “Trong bối cảnh quan hệ Trung-Hàn đang xấu dần, Bắc Kinh sẽ không bỏ rơi Bình Nhưỡng. Giá trị chiến lược mà Triều Tiên mang lại vẫn lớn hơn gánh nặng mà nó đem đến cho Trung Quốc”.

Trong khi đó, cựu đại sứ Trung Quốc tại Iran ông Hua cho rằng có thể đòn cảnh cáo của Mỹ lần này sẽ gây phản tác dụng. Lãnh đạo Triều Tiên sẽ không dễ dàng từ bỏ chương trình hạt nhân. Mặc dù thông điệp cảnh cáo khá cứng rắn, song Bình Nhưỡng có thể vẫn tin rằng Washington không đủ khả năng để chiến đấu trên cả hai mặt trận. Trước đó, nước Mỹ đã một phen lao đao khi bị thiệt hại ngân sách quân sự cũng như bị phơi bày hiệu quả kém trong việc triển khai hai cuộc chiến liên tiếp tại Iraq và Afghanistan.

Trong chuyến thăm ba nước Đông Á vào tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có những tuyên bố cứng rắn, “chấm dứt chính sách kiên nhẫn với Triều Tiên” và không loại trừ khả năng tấn công quân sự nhằm vào nước này. Nhưng Triều Tiên phớt lờ mọi cảnh báo, vẫn tiến hành thử tên lửa đạn đạo.

Trước khi đến Mar-a-Lago để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ bàn luận về Triều Tiên với ông Tập và tin rằng “Trung Quốc sẽ muốn gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng”. Theo ông Huang Jin đang làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore, phát ngôn trên của ông Trump lại hoàn toàn xóa tan nghi ngờ việc Washington sẽ hành động một mình. Ông Huang cho rằng Tổng thống Trump đang cố gắng giảm nhẹ khả năng Mỹ hành động một mình với “niềm hi vọng” đặt vào Trung Quốc.

Theo Hồng Hạnh - Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm