23/05/2016 13:44 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, 23/5, sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Barack Obama đi thăm nhà sàn Bác Hồ và có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại đó. Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu về Nhà sàn Bác Hồ, một di tích quý giá trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Tổng thống Mỹ Obama thăm Nhà sàn Bác Hồ Theo lịch trình, sáng 23/5, vào lúc 10 giờ 30, lễ đón chính thức Tổng thống Barack Obama diễn ra tại Phủ Chủ tịch. Sau đó Tổng thống Obama có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Sau hội đàm, nguyên thủ hai nước dự kiến chứng kiến lễ ký kết các văn kiện giữa hai bên. Tiếp đó, ông Obama sẽ đi thăm nhà sàn Bác Hồ và có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại đó. Tổng thống Obama sẽ tham gia cuộc họp báo tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trước khi dự buổi quốc yến của nước chủ nhà. Theo Vietnam+/TTXVN |
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông thuỷ lợi (nay là Bộ xây dựng) được trao nhiệm vụ thiết kế và chỉ đạo xây dựng ngôi nhà này, Đoàn 5 Cục Doanh trại (nay là Cục kiến thiết cơ bản) Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam chịu trách nhiệm thi công. Ông Nguyễn Văn Ninh được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến trao đổi về thiết kế, cách bố trí cụ thể của ngôi nhà.
Ngày 15 tháng 4 năm 1958 ngôi nhà sàn được khởi công xây dựng. Ngày 17 tháng 5 năm 1958 ngôi nhà được khánh thành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà sàn trong 11 năm cuối đời (1958 - 1969). Tại nơi đây, Người đã ngày đêm suy nghĩ để cùng Bộ Chính trị hoàn chỉnh đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
Hiện nay gần 250 tài liệu hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau ở Nhà Sàn vẫn được giữ nguyên vẹn và bảo quản chu đáo như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc.
Nhà sàn được làm bằng gỗ dổi - loại gỗ thông thường trong xây dựng dân dụng, mái nhà lợp ngói. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh ngôi nhà Người đã sinh ra và lớn lên ở quê hương Nghệ An.
Tầng dưới nhà sàn kê một bộ bàn ghế lớn. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc về mùa hè, nơi Người họp, trao đổi công việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, cán bộ phụ trách đầu ngành hoặc các địa phương đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra miền Bắc chữa bệnh và công tác.
Trên bàn làm việc vẫn còn lại những kỷ vật của Người. Đó là những cuốn sách Người đang đọc vào những ngày cuối cùng. Chồng sách ngoài cùng là loại sách nói về người tốt, việc tốt của các giới, các ngành được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người trực tiếp theo dõi việc xuất bản loại sách này.
Hai chồng sách phía trong là những cuốn sách bằng tiếng nước ngoài. ở đây có sách của V.I Lênin viết về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, sách của các tác giả nước ngoài viết về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở ngay trong lòng nước Mỹ.
Trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có chiếc khay đựng bút bằng đá mầu đen hình con thuyền, kỷ vật của Tổng thống nước cộng hoà nhân dân Cu Ba Ôt-xvan-đô Đoóc-ti-cốt tặng Người năm 1967.
Phía cuối phòng có chiếc ghế chao (còn gọi là ghế xích đu) bằng mây, Người thường nghỉ ngơi vào buổi trưa hoặc sau giờ làm việc, sau khi tiếp khách về.
Trong những năm tháng chiến tranh phá hoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm việc tại nhà sàn. Người theo dõi tình hình chiến sự, làm việc với Bộ tư lệnh phòng không, không quân, Cục tác chiến; làm việc với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua những máy điện thoại đặt ở cuối phòng.
Chiếc mũ sắt để bên cạnh được anh em bảo vệ mang theo trong những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các địa phương, đơn vị bộ đội... để phòng tránh những mảnh bom, đạn.
Ngày 17 tháng 7 năm 1966, tại ngôi nhà sàn bé nhỏ này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn dân đứng lên chiến đấu chống Mỹ cứu nước.
Người khẳng định ý chí, quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn Độc lập Tự do".
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ nhân dân Việt Nam tiến lên giành chiến thắng và nó đã trở thành chân lý của thời đại.
Xung quanh tầng dưới nhà là bệ xi măng bên trên lát ván gỗ được làm theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để mỗi lần các cháu thiếu nhi vào thăm Người có đủ chỗ ngồi. Người còn nhắc anh em phục vụ đặt thêm bể cá vàng cho các cháu vui hơn.
Tầng trên nhà sàn có hai phòng: phòng làm việc, phòng ngủ. Diện tích mỗi phòng hơn 10 mét vuông. Đồ dùng sinh hoạt, làm việc chỉ là những gì cần thiết nhất đủ cho một người sử dụng.
Phòng làm việc có một bàn, một ghế, một giá sách. Giá sách được đặt vào vách ngăn giữa hai phòng. Sách ở trên giá thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, kinh tế, lịch sử, khoa học, văn học... Trong đó có nhiều cuốn sách của các tác giả trong nước và ngoài nước tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh với những lời đề tặng đầy tình cảm trân trọng và quý mến.
Ngăn dưới cùng giá sách là chiếc máy chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng hàng ngày như một cây bút.
Tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo nhiều văn bản quan trọng có tính chất định hướng cho cách mạng. Một trong những văn bản quan trọng có ý nghĩa như kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng sau ngày đất nước thống nhất; như lời tâm huyết đầy tình yêu thương giành cho Đảng, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam chính là bản Di chúc lịch sử.
Người viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc vào dịp sinh nhật lần thứ 75. Từ đó hàng năm, Người dành một thời gian nhất định từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 5, để sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh bản Di chúc, tháng 5 năm 1969, Người đọc và sửa chữa lần cuối bản Di chúc.
Tại phòng ngủ, tiện nghi sinh hoạt cũng đơn giản như ở mọi gia đình người dân Việt Nam thời đó. Mùa hè trên chiếc giường gỗ trải chiếu cói, mùa đông có thêm tấm đệm, chăn bông và một lò sưởi điện nhỏ. Để ngăn những trận gió mùa đông bắc lạnh buốt, cửa sổ, cửa ra vào phòng ngủ được lắp thêm kính.
Trên bàn làm việc ở phòng ngủ của Người, vẫn còn một số sách, tạp chí, chiếc mũ cát và chiếc đài bán dẫn của bà con Việt Kiều Thái Lan kính biếu Người.
Trên chiếc tủ nhỏ đặt ở đầu giường vẫn còn chiếc đồng hồ và cuốn sách Người đang đọc: "Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của hai tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đọc dở.
Theo Ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất