04/03/2021 16:17 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Trong báo cáo về chương trình nghị sự năm 2021 đệ trình lên Quốc hội Mỹ, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã khẳng định quan điểm cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc. Đây được coi là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp nối chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc của cựu Tổng thống Donald Trump.
Chiến tranh thương mại thời cựu Tổng thống Trump
Dưới thời cựu Tổng thống Trump, quan hệ Trung-Mỹ đã xuống mức nghiêm trọng nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979 với căng thẳng trong loạt vấn đề từ thương mại, công nghệ, đại dịch COVID-19 đến vấn đề Hong Kong (Trung Quốc) và Biển Đông.
Đặc biệt, Mỹ đã phát động cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc khi áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Tháng 7-2018 Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu mức 25% với lượng hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD trong đợt áp thuế đầu tiên, và còn nhiều đợt áp thuế sau đó. Tiến hành cuộc “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc, cựu Tổng thống Trump hy vọng gỡ lại thâm hụt thương mại với Trung Quốc, thu về những lợi ích kinh tế lâu dài, tiếp tục duy trì vị thế kinh tế, công nghệ thống trị thế giới của mình và kiềm chế được sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Phản ứng với các hành động áp thuế của Mỹ, ở thời điểm đó mặc dù cho rằng không muốn “chiến tranh thương mại” với Mỹ nhưng Trung Quốc cũng đã có hành động đáp trả tương tự khi áp các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất đã gây ra những tác động rộng lớn với cả hai cũng như nền kinh tế thế giới. Sau nhiều cuộc đàm phán, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chỉ tạm thời chấm dứt khi hai bên đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1/2020. Đây là sự kiện được dư luận quan tâm bởi nó đánh dấu bước đi đầu tiên của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc giải quyết cuộc chiến thương mại “hao tiền tốn của” cũng như cài đặt lại mối quan hệ thương mại song phương. Một thỏa thuận thương mại sơ bộ cũng được xem là thiện chí “đình chiến”, là cơ sở để Washington và Bắc Kinh có cái nhìn lạc quan hơn cũng như tạo niềm tin cho nhau để xúc tiến bước đàm phán tiếp theo.
Theo thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng 2 năm, và đổi lại, Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thỏa thuận này chưa đủ để buộc Trung Quốc có những cải cách kinh tế quan trọng - như giảm bớt những chính sách trợ cấp dành cho các doanh nghiệp nội địa - điều mà cựu Tổng thống Trump tìm kiếm ngay khi phát động cuộc chiến thương mại bằng cách áp thuế với hàng hóa nhập khẩu của Bắc Kinh. Hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí rằng sẽ phải mất nhiều năm đàm phán để tìm ra giải pháp thỏa đáng cho các cáo buộc của Mỹ, đồng thời cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 không thể giải quyết mọi vấn đề và chỉ là cách tạm thời ngăn chặn căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang.
Như vậy, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được Mỹ và Trung Quốc ký kết dưới thời cựu Tổng thống Trump không đồng nghĩa với việc kết thúc cuộc chiến thương mại mà chỉ là sự đình chiến tạm thời. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 cũng phủ bóng đen lên thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Tổng thống Biden sẽ tiếp tục chính sách thương mại cứng rắn
Kể từ lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Biden cho biết sẽ xem xét lại quan hệ với Trung Quốc song chưa vội dỡ bỏ những loại thuế thương mại nhằm vào hàng hóa Trung Quốc được triển khai dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Vào ngày 1/3/2021, trong một văn bản trả lời câu hỏi của các nghị sĩ, bà Katherine Tai - người được Tổng thống Biden đề cử vào vị trí người đứng đầu USTR - khẳng định sẽ nỗ lực đấu tranh với hàng loạt hành động thương mại và kinh tế “bất công” của Trung Quốc. Bà nhấn mạnh sẽ cố gắng sử dụng tiến trình tham vấn thực thi trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Washington và Bắc Kinh đã đạt được dưới thời của cựu Tổng thống Trump để đảm bảo sự bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Cùng ngày, trong một tín hiệu nhằm chính thức hóa những tuyên bố của Tổng thống Biden và bà Tai, USTR cho hay Tổng thống Biden sẽ sử dụng "mọi công cụ sẵn có" để ngăn chặn những hành vi thương mại mang tính "lạm dụng" của Trung Quốc.
Còn trong báo cáo về chương trình nghị sự năm 2021 do USTR đệ trình lên Quốc hội Mỹ, đội ngũ phụ trách vấn đề thương mại của Tổng thống Biden cho biết sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với các đồng minh và bảo vệ người lao động Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh việc phục hồi mối quan hệ rạn nứt với các đồng minh và đối tác thương mại cũng sẽ là một phần trong chiến lược ứng phó với Trung Quốc của Tổng thống Biden nhằm giải quyết tình trạng "méo mó" của thị trường toàn cầu do tình trạng dư thừa công nghiệp tạo ra. Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh những thiệt hại do các hành vi thương mại không công bằng và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc gây ra, đồng thời khẳng định những hành vi này "gây phương hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ".
Theo giới phân tích, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Biden khẳng định quan điểm cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc phản ánh bản chất khốc liệt của cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu chưa thể đoán định hồi kết giữa hai cường quốc và cũng là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, việc Mỹ tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc sẽ khiến hai bên sẽ chịu nhiều tổn thất.
Báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ ước tính Washington có thể thiệt hại 1.000 tỷ USD nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài. Mức thiệt hại thậm chí có thể nặng nề hơn khi tính đến tác động từ việc Mỹ mất quyền tiếp cận thị trường ở Trung Quốc đối với doanh thu và thị trường việc làm, trong khi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và khả năng cạnh tranh đều giảm. Thậm chí, chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các nước khác, khi buộc các nước này phải xem xét lại mối quan hệ với Mỹ, động thái có thể làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp Mỹ và giảm khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong khi Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của các nhà xuất khẩu Mỹ, đồng thời còn là một thị trường “khổng lồ” về hàng hóa và dịch vụ được các công ty lớn của Mỹ, từ General Motors đến Burger King đặt làm nơi sản xuất. Bởi vậy, nếu cả hai nước không thể hóa giải những khác biệt về thương mại, thì đó sẽ là một “đòn giáng” không chỉ vào các nhà xuất khẩu của hai nước, mà còn vào đe dọa lĩnh vực thương mại và công nghệ toàn cầu.
Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất