18/01/2022 11:36 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/1 tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đánh dấu một năm cầm quyền đầu tiên của ông tại Nhà Trắng. Nhậm chức trong bối cảnh khó khăn song dưới sự dẫn dắt của ông, nước Mỹ vẫn đạt được những thành tựu đối nội, đối ngoại nổi bật.
Dẫu vậy, nhiều “hồ sơ đối ngoại” như quan hệ căng thẳng với Nga, Trung Quốc, các hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, Iran vẫn đặt ra thách thức với người đứng đầu nước Mỹ.
Thành quả đối nội nổi bật
Có lẽ thông điệp “Hàn gắn nước Mỹ” được nêu bật trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống đầu năm 2021 đã phản ánh được phần nào trọng trách và sứ mệnh mà ông Joe Biden sẽ phải gánh vác khi bước chân vào Nhà Trắng cũng như kỳ vọng của người dân đặt vào nhà lãnh đạo mới.
Tiếp quản Nhà Trắng trong bối cảnh đất nước phải đương đầu với các thách thức to lớn: một đại dịch có một không hai, cuộc khủng hoảng kinh tế và một xã hội bị chia rẽ và phân cực sâu sắc, nhưng với những bước đi khá quyết liệt và táo bạo, chỉ trong năm đầu tiên cầm quyền, vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đã đạt được những thành tựu đối nội quan trọng. Đó là bước đầu xoa dịu được những lo âu về một nước Mỹ rối ren và bất ổn do tác động của đại dịch COVID-19, những chia rẽ sâu sắc trong xã hội sau vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021, tạo ra hơn 6 triệu việc làm mới, và thành lập nội các đa dạng nhất trong lịch sử Mỹ.
Báo Mỹ cũng nêu bật những thành tựu lập pháp lịch sử mà Tổng thống Biden đã ký thành luật. Đó là dự luật cứu trợ đại dịch trị giá 1.900 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD cho hầu hết người Mỹ, viện trợ 350 tỷ USD cho chính quyền các bang và địa phương, hỗ trợ những người thất nghiệp, mở rộng chăm sóc y tế công cộng và tăng thêm quỹ dành cho kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và gói cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu được kỳ vọng sẽ tạo động lực để xây dựng một nền kinh tế hùng cường và công bằng, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế và tạo ra nhiều việc làm với mức lương cao cho tầng lớp trung lưu.
Đây là luật được ban hành nhằm cải tổ cơ sở hạ tầng lớn nhất của Mỹ trong hơn một nửa thế kỷ qua. Việc ký thành luật dự luật cơ sở hạ tầng đánh dấu một thành tựu quan trọng trong năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Trong nỗ lực giúp ngăn chặn kịch bản chính phủ rơi vào cảnh vỡ nợ đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế, tỷ lệ lạm phát tăng cao kỷ lục và sự xuất hiện biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 làm gia tăng sự không chắc chắn, vào tháng cuối cùng của năm 2021, Tổng thống Mỹ Biden đã ký ban hành luật tăng mức trần nợ công thêm 2.500 tỷ USD.
Song song với các biện pháp phục hồi nền kinh tế, chính quyền Tổng thống Biden ưu tiên tập trung giải quyết đại dịch COVID-19. Chính quyền Tổng thống Biden đã chi 415 tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch, trong đó 50 tỷ USD cho hoạt động xét nghiệm và 20 tỷ USD để đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm chủng vaccine quốc gia.
Trong thời điểm hiện nay, Omicron không những đã là biến thể chủ đạo mà còn kết hợp với biến thể Delta gây ra “cơn sóng thần” phơi nhiễm COVID-19 tại Mỹ. Điều này dẫn đến hàng loạt những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cũng như làm xáo trộn nhiều hoạt động của người dân Mỹ. Dù "cơn sóng thần" Omicron đang gia tăng tốc độ “càn quét” nước Mỹ trong những ngày gần đây và nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới theo dự báo của giới chuyên gia, nhưng bức tranh COVID-19 tại Mỹ vẫn có nhiều điểm sáng và mang lại những tín hiệu khả quan trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ vẫn không ngừng được đẩy mạnh và Mỹ ngày càng tiến gần mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Ngoài ra, với những biện pháp quyết liệt của chính quyền Tổng thống Biden cũng như những bằng chứng khoa học cho thấy người dân có thể sống chung an toàn với biến chủng này nếu được tiêm phòng đầy đủ và thực hiện nghiêm túc hướng dẫn về phòng chống dịch, tình hình nhiều khả năng sẽ được cải thiện tại Mỹ.
Một dấu ấn phải kể tới là việc Tổng thống Biden thúc đẩy Hạ viện Mỹ thông qua hai dự luật về siết chặt kiểm soát súng đạn, một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất và được cho là không có hồi kết tại quốc gia này. Về di trú, chính quyền Tổng thống Biden đã công bố dự luật nhập cư năm 2021, theo đó quy định lộ trình trở thành công dân Mỹ giảm từ 13 năm xuống còn 8 năm, có kế hoạch đoàn tụ hơn 600 trẻ em bị chia cắt khỏi cha mẹ hay thúc đẩy việc giám sát các sáng kiến về bình đẳng chủng tộc, tối đa hóa nguồn lực cho các cộng đồng thiểu số và đảm bảo sự đa dạng trong các cấp của chính quyền. Trước tình trạng dòng người di cư tới khu vực biên giới phía Nam của Mỹ gia tăng, Washington đã tuyên bố tăng cường viện trợ phát triển cho các nước Trung Mỹ nhằm giải quyết gốc rễ nguyên nhân gây ra làn sóng di cư.
Ông Biden cũng đã thực hiện được một số cam kết về vấn đề nhập cư, như xây dựng dự luật cải cách nhập cư toàn diện, chấm dứt hạn chế đi lại đối với người dân từ một số quốc gia đa số theo đạo Hồi, hủy bỏ yêu cầu của chính quyền tiền nhiệm về việc mở rộng tiêu chí trục xuất người nhập cư và quay trở lại nguyên tắc thời cựu Tổng thống Barack Obama là ưu tiên trục xuất những người nhập cư gây rủi ro cho an ninh quốc gia, an ninh biên giới hay sức khỏe cộng đồng; dừng cung cấp ngân sách và hoạt động xây dựng bức tường biên giới; hủy bỏ quy định tính phí dịch vụ công cộng của người tiền nhiệm Donald Trump mà không khuyến khích người nhập cư sử dụng các lợi ích công cộng.
Đối với cuộc khủng hoảng về phân biệt chủng tộc, Tổng thống Biden đã ký bản ghi nhớ lên án và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung nhằm vào người Mỹ gốc Á. Những động thái của chính quyền Tổng thống Biden thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của các nhóm thiểu số và phần nào làm dịu bớt cơn giận dữ chia rẽ ở trong nước cũng như thu hẹp bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự thảo Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 nhằm hạn chế các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á vốn gia tăng tại Mỹ trước yêu cầu của Tổng thống Biden là một chiến thắng đối nội trong năm đầu cầm quyền của ông.
Ghi dấu những chuyển động ngoại giao
Mặc dù có một chương trình nghị sự trong nước dày đặc trong năm đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Biden cũng ghi dấu những chuyển động ngoại giao theo hướng củng cố, làm mới quan hệ với các đồng minh chiến lược lâu đời ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay châu Âu, đồng thời thăm dò các đối thủ truyền thống như Trung Quốc, Nga..., xử lý các hồ sơ dang dở như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran, cuộc chiến dai dẳng tại Afghanitan... Sự tham gia trở lại của Mỹ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu cũng như tham vọng nâng cao vị thế của Washington từng bước được thể hiện rõ với hàng loạt động thái đối ngoại mà chính quyền của ông Biden thực hiện trong năm cầm quyền đầu tiên.
Đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden đã đưa nước Mỹ quay lại một loạt khuôn khổ đa phương như khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tham gia tích cực vào quá trình cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, củng cố mạnh mẽ mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hay Hàn Quốc, Nhật Bản, trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran.
Thông qua các cuộc gặp trực tuyến quan trọng và các chuyến thăm cấp cao của giới chức Mỹ tới Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ, các tuyên bố chính thức của chính quyền Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng và giá trị của các liên minh. Ngoài ra, ông Biden cũng đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ và cứng rắn với các cường quốc như Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Biden đã thực hiện được hầu hết những hứa hẹn liên quan tới việc cải thiện quan hệ với các đồng minh. Thủ tướng Canada Justin Trudeau và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Biden trở lại vai trò tiên phong của Mỹ trong vấn đề khí hậu, nhiều nhà lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bày tỏ hoan nghênh những nỗ lực phối hợp rất sớm của chính quyền Tổng thống Biden.
Một năm nhiệm kỳ của Tổng thống Biden cũng chứng kiến chuyển động tích cực trong quan hệ Mỹ-ASEAN. Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, vai trò của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Mỹ ngày càng trở nên rõ ràng, với những tín hiệu tích cực được ghi nhận thông qua các chuyến công du của một loạt quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden tới khu vực.
Giới quan sát đánh giá những trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở dưới thời chính quyền Tổng thống Biden thể hiện cách tiếp cận mang đậm dấu ấn bao trùm cả về chính trị-ngoại giao, an ninh, kinh tế, y tế, biến đổi khí hậu…
Trong vấn đề hạt nhân Iran, sau khi lên nắm quyền vào đầu năm 2021, Tổng thống Mỹ Biden khẳng định, ông sẵn sàng quay trở lại JCPOA, miễn là Iran cũng trở lại tuân thủ đầy đủ bằng cách đẩy lùi các hoạt động hạt nhân mà nước này đã thực hiện để đáp trả các lệnh trừng phạt của người tiền nhiệm Trump. Mỹ và Iran đã đàm phán gián tiếp và đây đã là một bước tiến đáng kể do với giai đoạn đối đầu trong quan hệ hai nước sau khi cựu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Chính quyền của Tổng thống Biden cũng rút quân Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 31/8, khép lại cuộc chiến dường như "không có hồi kết" ở nước này.
Mỹ đã tham gia trở lại các vấn đề toàn cầu và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức theo hình thức trực tuyến hồi tháng 11/2021 với sự chủ trì của Tổng thống Biden đã phần nào thể hiện được vai trò dẫn dắt của Mỹ trong hành động môi trường quốc tế. Việc ông cam kết cắt giảm khí phát thải nhà kính từ 50-52% so với năm 2005 được coi “đòn bẩy” để các nước khác hành động mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, việc Mỹ và Trung Quốc ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, theo đó hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới cam kết sẽ xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng là bước tiến lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trong quan hệ với Trung Quốc và Nga, Tổng thống Biden áp dụng cách tiếp cận khá cứng rắn cùng chiến lược huy động các đồng minh cùng hình thành "mặt trận thống nhất" khi thực thi các biện pháp ứng phó với các đối thủ. Tổng thống Joe Biden đã miêu tả Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất” đối với Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng không “tái cài đặt” quan hệ với Nga, thậm chí liên tục đưa ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva, đỉnh điểm là các vụ trục xuất nhà ngoại giao của nhau. Tuy nhiên, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đối thoại và hợp tác với những đối thủ này trong các lĩnh vực hai bên có cùng chung lợi ích, đơn cử như việc Nga và Mỹ đã gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới trước khi thỏa thuận quan trọng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí này hết hạn, hay Tổng thống Biden tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga.
Song nhiều "hồ sơ đối ngoại" vẫn bỏ ngỏ
Một loạt bước đi cụ thể của Tổng thống Biden trong lĩnh vực đối ngoại suốt một năm cầm quyền cho thấy Mỹ đang thực hiện chính sách "kết thân đối tác, thăm dò đối thủ" nhằm tối đa hóa lợi ích và bắt đầu hành trình khôi phục vị thế quốc tế của Washington. Dẫu vậy, khép lại một năm nhiệm kỳ, nhiều "hồ sơ đối ngoại" như vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên, quan hệ Mỹ-Trung, Mỹ-Nga vẫn bỏ ngỏ.
Dù các bên liên quan có nhiều nỗ lực song tiến trình đàm phán nhằm nối lại Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vẫn gặp nhiều trở ngại trong một năm cầm quyền của Tổng thống Biden. Vào những ngày cuối năm, khó khăn trong vấn đề hạt nhân Iran càng trở nên chồng chất khi Iran gửi Mỹ một bản đề nghị gồm 12 điểm liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Để đáp lại việc Mỹ đã gửi phía Iran 2 văn bản không chính thức dự thảo thoả thuận về các vấn đề hạt nhân Iran. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng là thách thức lớn. Đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh năm 2019. Bất chấp việc tiếp cận đối thoại của Mỹ, Triều Tiên vẫn tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo gây quan ngại.
Các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran hay vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được dự báo có thể "vô cùng khó khăn" khi các bên đàm phán chưa có dấu hiệu nhượng bộ. Tuy nhiên, việc gia tăng trừng phạt hay thiếu thiện chí trong đàm phán đều có thể dẫn tới những sai lầm chiến lược. Có thể nói rằng trong vấn đề đối ngoại, những "bài sát hạch" lớn đối với chính quyền Tổng thống Biden vẫn còn ở phía trước.
Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với hai đối thủ Nga và Trung Quốc được dự báo vẫn sẽ quyết liệt. Với Trung Quốc, trong 1 năm qua kể từ khi ông Biden nhậm chức, Mỹ đã thể hiện quan điểm tiếp tục chính sách đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc, nhưng vẫn sẵn sàng hợp tác nếu điều đó nằm trong lợi ích của Washington. Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng thể hiện quan điểm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định quan hệ với Mỹ, tập trung vào hợp tác, giải quyết những bất đồng song dư địa cải thiện quan hệ hai nước vẫn hạn chế.
Cạnh tranh về kinh tế, thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Biden tiếp tục gay gắt. Cạnh tranh về địa chính trị giữa hai nước tại các khu vực chiến lược chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại bang Alaska nhằm đưa quan hệ Mỹ-Trung về quỹ đạo "ổn định", tuy nhiên chưa có dấu hiệu cho thấy căng thẳng sẽ hạ nhiệt khi những bất đồng cốt lõi vẫn chưa thể giải quyết.
Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Nga có chiều hướng gia tăng khi xu hướng chính sách cứng rắn đối với Moskva đang được chính quyền ông Biden đẩy mạnh hơn. Cuộc tham vấn giữa Nga và Mỹ về ổn định chiến lược và an ninh vào tháng cuối cùng của năm 2021 là cơ hội đối thoại song những trở ngại trong vấn đề Ukraine, kiểm soát vũ khí vẫn là thách thức an ninh trong quan hệ Nga-Mỹ.
Với những gì Tổng thống Biden thể hiện trong năm đầu tiên cầm quyền, nhất là một số thành quả đối nội đáng ghi nhận, người dân Mỹ đang kỳ vọng ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay và “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” như ông đã cam kết. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong 3 năm tiếp theo của nhiệm kỳ để biến cam kết đối nội này thành hiện thực và giải quyết những “hồ sơ đối ngoại” còn bỏ ngỏ.
Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất