Tổng quan bảng B: Khi tử thần cũng phải hoang mang

04/06/2012 13:42 GMT+7 | Bảng B

(TT&VH)- Đức đã từng là một biểu tượng đặc biệt của ý chí. Hà Lan là nơi khởi nguồn của tư tưởng tấn công tổng lực, nền móng cho những lối chơi tấn công tân tiến nhất của bóng đá hiện đại. Bồ Đào Nha được coi là một Brazil của châu Âu, và câu chuyện của Đan Mạch tại EURO 1992 vẫn là một huyền thoại về bất ngờ trong bóng đá. Nhưng tất cả các đội tuyển ấy đều đang lâm vào trạng thái hoang mang về bản sắc, ở những mức độ khác nhau.

Không bản sắc

Thất bại mất mặt trước đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ dù đã tung ra đội hình mạnh nhất ở loạt trận giao hữu rạng sáng qua tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động cho đội BĐN, một đội bóng chưa bao giờ thiếu nhân tài, nhưng tập hợp được những tài năng đầy sự vị kỷ ấy lại thành một khối dường như là bất khả thi.

Carvalho sẵn sàng chia tay tuyển Bồ vì mâu thuẫn với HLV Paulo Bento và trung vệ Pepe. Bosingwa tuyên bố anh sẽ không trở lại khi nào ông Bento còn tại vị. Hai năm trước, chỉ hai ngày trước khi World Cup khởi tranh, Nani bóng gió phản đối việc HLV Carlos Queiroz loại anh khỏi đội hình bằng phát ngôn rằng anh chỉ cần một tuần để bình phục. Đến một huyền thoại như Luis Figo cũng không thể “giữ mình” trước thứ “văn hóa” xấu xí ấy của tuyển Bồ: Anh và Deco từng hục hặc một thời gian dài, và trong giai đoạn Felipe Scolari dẫn dắt BĐN, ông cũng đã từng mâu thuẫn với Figo.

Biểu tượng của tuyển Bồ hiện tại lại là cầu thủ phản ánh đúng tính cách ích kỷ và rời rạc của đội tuyển này nhất: Cristiano Ronaldo. Trong số 4 đội ở bảng tử thần, thì BĐN có tính bản sắc kém nhất, vì họ đã quá lâu rồi (có lẽ từ thời Eusebio) không có ý định chung tay tạo nên nó.



Bảng đấu tử thần- Ảnh Internet

Không đủ “vũ khí” để bảo vệ bản sắc

Đan Mạch thì lại là một đội tuyển trái ngược với BĐN: Họ không có được nhiều cầu thủ tài năng, nhưng lúc nào cũng là một khối vững chắc nhờ sự kỷ luật và tinh thần hy sinh. Hãy nhớ là vào năm 1992, khi Đan Mạch được gọi một cách vội vã để thay thế cho Nam Tư (đang có nội chiến), họ chỉ có hai tuần để chuẩn bị, và nhiều cầu thủ thậm chí còn nhận được trát triệu tập khi đang... nghỉ hè, nhưng tất cả đều đã có mặt đúng hẹn. Đội trưởng Lars Olsen thậm chí còn lái xe không nghỉ từ Thổ Nhĩ Kỳ (nơi anh đang chơi bóng cho đội Trazbonspor) để lên tập trung. Đan Mạch không hẳn là có bản sắc lối chơi, nhưng bản sắc về sự kỷ luật và đồng đội thì không thể xem thường.

Điều làm họ hoang mang hiện nay: Sự đoàn kết chỉ có thể khắc phục, chứ không khỏa lấp được một đội ngũ có chất lượng thua kém rõ rệt ở bảng tử thần. Tại EURO 1992, Đan Mạch vẫn có những cầu thủ nằm trong số những người hay nhất thế giới ở vị trí của họ (Schmeichel, Brian Laudrup). Bây giờ, Nicklas Bendtner, Dennis Rommedahl, hay Daniel Agger... khó có thể là một tập thể tạo ra điều thần kỳ.

Đấu tranh nội tại của bản sắc

Lối chơi thô bạo đến man rợ của đội tuyển Hà Lan ở World Cup 2010 đã khiến họ bị chỉ trích kịch liệt, không chỉ vì tính chất phản bóng đá của hành vi, mà còn bởi người hâm mộ đã quá quen thuộc với một đội tuyển Hà Lan tận hiến, một nền bóng đá đã sản sinh ra một trường phái tấn công vĩ đại là bóng đá tổng lực, và những cầu thủ tấn công hào hoa. Không phải sự thực dụng đến thủ đoạn, và không phải những cầu thủ chơi bóng như đánh kung-fu. Một kẻ thất bại vĩ đại, chứ không phải kẻ chiến thắng dơ bẩn.

Hà Lan đang trải qua một giai đoạn đấu tranh nội tại dữ dội giữa hai thái cực ấy. HLV Bert van Marwijk đã từng khởi xướng một cuộc cách mạng “thực dụng hóa” màu da cam, nhưng phải chùn bước khi phải chịu quá nhiều búa rìu dư luận sau World Cup 2010. Những trận đấu tưng bừng ở vòng loại, bao gồm cả chiến thắng 6-0 trước Bắc Ireland vừa qua, cho thấy Hà Lan vẫn có thể bảo toàn truyền thống của họ.

Nhưng trận thua ngược Bulgaria trước đó, với thế trận “dở dở ương ương”, không nhất quán, lúc tấn công điên cuồng, lúc lại phòng thủ quá tiêu cực, là minh chứng rõ rệt cho cuộc đấu tranh nội tại diễn ra ngay cả trong... 90 phút của Hà Lan.

Thay đổi cùng cực bản sắc...

... Nhưng vẫn để lại manh nha những nghi ngờ. Đội tuyển Đức đã bóc dỡ hoàn toàn cái nền ý chí đã xây dựng trong rất nhiều năm của thế kỷ XX để bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng lớn về tư duy chơi bóng trong hơn nửa thập kỷ qua. Từ phòng ngự sang tấn công, đi kèm với một cuộc cách mạng khác về việc pha trộn chủng tộc trong thành phần tuyển Đức, và thay đổi phương pháp huấn luyện, đặc biệt là về thể lực. Họ đã nhận được lời khen trong suốt 6 năm qua, kể từ màn trình diễn “mát mắt” ở World Cup 2006.

Nhưng những nghi ngờ đã xuất hiện, sau khi người ta thống kê rằng người Đức đã về nhì và ba đến 4 lần ở World Cup và EURO một thập kỷ qua, chưa kể một cơ số không nhỏ những lần đến sát bục vinh quang ở cấp CLB. Thất bại đau đớn của Bayern, đội bóng là xương sống của đội tuyển Đức ở EURO lần này, trước Chelsea tại trận chung kết Champions League vừa qua, cũng bắt đầu khiến người Đức nuối tiếc bản sắc về ý chí trong quá khứ.

Nhưng sự manh nha nghi ngờ của họ chỉ có thể được kiểm chứng rõ ràng hơn ở những loạt knock-out căng thẳng, chứ không phải một vòng bảng có cơ hội sửa sai, nhờ nền tảng lối chơi rất vững vàng. Hà Lan sẽ chỉ có thể đi xa, nếu cuộc đấu tranh nội tại cho ra một kết quả cuối cùng nhanh chóng. Đan Mạch cần một điều thần kỳ, khi các cá nhân chơi với phong độ cũng... thần kỳ để khỏa lấp đẳng cấp. Còn với BĐN-không-bản-sắc, họ chẳng có hy vọng lọt qua bảng tử thần, đừng nói đến chuyện tranh danh hiệu.

Phạm An

Tỉ lệ cược vô địch tại bảng B (theo William Hills)

Đức 3/1 (đặt 1 ăn 3)

Hà Lan 10/1 BĐN 20/1

Đan Mạch 100/1

Bạn có biết?

Thuật ngữ “Bảng tử thần” (trong tiếng TBN là Grupo de la muerte) được sử dụng đầu tiên ở VCK World Cup năm 1970, bởi các ký giả người Mexico, để chỉ bảng 3 của Cúp thế giới năm ấy, với sự hiện diện của ĐKVĐ Anh, ứng cử viên hàng đầu Brazil, á quân năm 1962 Tiệp Khắc, và Romania, pha trộn giữa những nền bóng đá mạnh nhất ở châu Âu và Nam Mỹ khi ấy. Trước đó, “tiền thân” của thuật ngữ này là “giganternas kamp” (tạm dịch “cuộc chiến của những người khổng lồ”, do các ký giả người Thụy Điển sử dụng để chỉ bảng 4 ở World Cup 1958 (có Brazil, Anh, Liên Xô và Áo). “Bảng tử thần” được dùng lại ở World Cup 1982, khi bảng C của lượt đấu bảng thứ hai (chỉ có ba đội), có sự hiện diện của Italia, Brazil và Argentina. Tờ Guardian sau này đã gọi bảng đấu này là “chết chóc nhất mọi thời đại”. Thuật ngữ “bảng tử thần” được phổ biến rộng rãi ở World Cup 1986, với bảng E có sự góp mặt của Uruguay, Tây Đức, Đan Mạch và Scotland, và được sử dụng để chỉ một bảng đấu khắc nghiệt nhất của một VCK World Cup hoặc EURO từ đó đến nay.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm