Nhạc sĩ Phạm Hải Âu: Tôi thấy mình còn quá sớm để nghĩ tới Cống hiến

13/04/2014 09:16 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ trẻ người Đà Lạt sinh năm 1989, anh mở đầu sự nghiệp sáng tác với Bài hát Việt năm 2011 và đoạt ngay giải Bài hát ấn tượng do khán giả bình chọn cho Vệt nắng. Sau đó, Phạm Hải Âu rất gắn bó với sân chơi này và hầu như năm nào cũng có giải thưởng.

Khi tên anh được gọi trong đề cử Cống hiến lần thứ 9 trong hạng mục Nhạc sĩ của năm, Hải Âu không khỏi sửng sốt. Anh tâm sự:

- Tôi biết đến giải Cống hiến từ lâu và rất ngưỡng mộ giải thưởng này khi nó toàn vinh danh những nghệ sĩ hạng Top, các ngôi sao thật sự trong làng nhạc. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có mặt ở đây bởi với tôi, thời điểm này còn là quá sớm để nghĩ đến điều đó. Tôi rất bất ngờ khi đọc thấy tên mình trong danh sách đề cử mà các nhà báo đăng trên facebook sau buổi họp báo công bố đề cử.


Nhạc sĩ Phạm Hải Âu

* Anh đang sáng tác cho các ca sĩ như Khánh Linh, Uyên Linh, Phương Linh, Lân Nhã, Anna Trương..., làm album cho Nguyễn Ngọc Anh, sáng tác cả ca khúc cho phim truyền hình, “vốn liếng” như vậy cũng có thể hy vọng chứ?

- Tôi thì tự thấy mình chưa thích hợp để nghĩ đến giải thưởng này (cười). Tôi chỉ mới có được những thành quả bước đầu thôi, nhưng dù sao cũng rất vui khi những thành quả đó được ghi nhận.

* Sẽ nhiều người bất ngờ khi biết anh xuất thân từ khoa Quản lý âm nhạc của trường Đại học Văn hoá TP.HCM, tại sao anh chọn ngành học này để rồi ra trường cũng chẳng “quản lý” gì?

- Tôi thích nhạc từ mẫu giáo, được ba cho học organ ở Nhà thiếu nhi Đà Lạt, sau đó chuyển sang học guitar. Học lớp 8 tôi đã cùng các anh em họ lập band rock tên là Sương mù, ban nhạc của chúng tôi đã 3 lần chơi ở Rock Storm. Vì thế việc học ở một trường nào đó cũng chỉ là để lấy cái bằng cho ba mẹ tôi yên tâm.

Thật sự thì lúc thi đại học tôi cũng suy tính nhiều. Như mọi người thích nhạc, tôi cũng muốn thi vào nhạc viên nhưng vì đó là môi trường đào tạo thiên về nhạc cổ điển, muốn thi vào cũng phải là người được học hành bài bản từ nhỏ, rồi khi vào học cũng phải có tư duy, sự tiếp thu về cổ điển. Còn tôi thì lại thích nhạc nhẹ. Tôi đã tìm hiểu thông tin và được biết còn có trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội nhưng lại cũng thấy mình không thích hợp lắm với môi trường quân đội, vậy là thôi, thi vào Đại học Văn hoá.

* Khởi đầu sự nghiệp với rock vậy mà bây giờ các sáng tác của anh không hề có bóng dáng của rock, tại sao vậy?

- Mỗi thời điểm mình lại thích hợp với một thể loại. Lúc đó, tôi thường nghe rock nặng và chỉ thích chơi rock. Nhưng càng trưởng thành lại càng thấy thích những thứ sâu lắng, nhẹ nhàng hơn, thích David Foster, Michael Jackson, Bruno Mars, Rihanna… và ngưỡng mộ nhạc sĩ Anh Quân, ca sĩ Mỹ Linh.

* Thường những nhạc sĩ tuổi như anh và hoạt động trong môi trường âm nhạc ở TP.HCM thường có xu hướng sáng tác các ca khúc gần gũi với thị trường, với teen... Tại sao anh chọn lối đi khác?

- Tôi nghĩ là vì tôi phù hợp với thứ tôi đang chọn. Tôi quan sát thị trường âm nhạc rất kỹ và thấy rằng cách đây 10 năm, dòng nhạc chính thống với những chuẩn mực về nghệ thuật rất được yêu thích, song song với đó là sự yêu thích dành cho những ca sĩ ở khu vực phía Bắc. Nhưng 4-5 năm trở lại đây, các ca sĩ hát dòng nhạc này như đang dừng lại, hoạt động không tích cực lắm. Đây lại là lúc các ca sĩ thị trường liên tục tung ra các sản phẩm rất đa dạng, từ album audio đến clip, MV. Những sản phẩm này được nhiều trang mạng rồi truyền hình đăng tải rộng rãi và trở nên cực kỳ phổ biến. Điều đó đôi khi khiến cho công chúng yêu nhạc không có nhiều lựa chọn.

Rất may là 2-3 năm trở lại đây tình hình đã khác, đã khả quan hơn. Các ca sĩ theo dòng nhạc tạm gọi là nghệ thuật lại tiếp tục chịu khó ra sản phẩm trở lại. Tuy nhiên, họ cần phải tích cực hơn nữa để “lấy lại địa bàn”. Có như vậy thì công chúng mới nhiều lựa chọn và điều đó có lợi cho sự phát triển của nhạc Việt.

* Dự định sắp tới của anh là gì?

- Tôi đang gấp rút hoàn thành album cho ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh và dự định sẽ tham gia các khoá học về hoà âm phối khí, kỹ thuật phòng thu ở trung tâm đào tạo của nhạc sĩ Đức Trí. Hy vọng tôi cũng sẽ góp được một phần nhỏ tạo thêm sự lựa chọn cho công chúng nghe nhạc.

* Cảm ơn anh.

Các đề cử Nhạc sĩ của năm

1. Phạm Hải Âu

2. Đỗ Bảo

3. Bảo Lan

4. Nguyên Lê

5. Quốc Trung

Huyền Thơ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm