“Carmen lại dậy sóng”: Khoác “tấm áo Việt” thế nào cho vừa?

16/06/2011 14:23 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ chuyện “Việt hóa” các game show, kịch bản phim truyền hình đến “Việt hóa” các tác phẩm kinh điển thế giới luôn gặp phải những tranh luận có thể nói là bất tận. Chuyện đó đã từng xảy ra năm 2006, khi Nhà hát Kịch VN dựng kịch Bà tỷ phú của kịch tác gia nổi tiếng người Thụy Sĩ Fiedrich Duerrenmatt. Và điều đó đã lặp lại khi mới đây, Nhà hát Nhạc vũ kịch dàn dựng opera Carmen.

Trở lại câu chuyện về số phận vở kịch Bà tỷ phú do Nhà hát Kịch VN dàn dựng cuối năm 2006. Khi đó, vở diễn được đầu tư với số kinh phí kỷ lục: 100.000 USD. Đạo diễn Rudolph Straub người Thụy Sĩ phá cách bằng việc chuyển dịch câu chuyện bối cảnh ở châu Âu 50 năm trước thành chuyện ở Việt Nam đương thời. Ông sáng tạo thêm hai nhân vật nữ lao công với vỏ chai LaVie, vỏ bao thuốc lá Vinataba vứt đầy sàn trong cảnh mở màn; đưa dân ca và nhạc Việt Nam vào vở diễn (bài Bèo dạt mây trôi Trống cơm). Điều này khiến nhiều người xem cảm thấy bất ổn khi thấy những hiện thực nghiệt ngã được khoác tấm áo Việt Nam nhưng thực chất không phải là câu chuyện của Việt Nam. Trước phản ứng của dư luận, sau khi vở kịch công diễn, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VH-TT&DL có văn bản yêu cầu nhóm tác giả và Nhà hát Kịch VN sửa chữa nhiều chi tiết trong vở diễn. Vở kịch đổi tên từ Bà tỷ phú về thăm quê thành Bà tỷ phú. Sau khoảng 10 suất diễn ở cả Hà Nội và TP.HCM, đến nay, vở diễn chưa xuất hiện trở lại.


Nàng Carmen cùng người yêu đã được “Việt hóa”


Còn Carmen của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN là vở opera được dàn dựng theo xu hướng thiên về cổ điển, không quá phá cách. Đúng là đạo diễn muốn “Việt hóa” để đưa vào vở nhạc kịch vấn đề xã hội khá “nóng” ở VN hiện nay: bạo lực gia đình. Vì thế, ngay cảnh đầu, Carmen bị anh chồng say rượu đánh khiến cô đã cùng con bỏ đi.

Carmen kinh điển từng mê hoặc không ít khán giả, nhưng vở diễn được “Việt hóa” này cũng mở ra cách dàn dựng mới, trẻ trung, hiện đại. Phần múa do nghệ sĩ Anh Phong dàn dựng cho vở cũng khá đẹp và tươi mới. Rõ ràng với cách xử lý không gian linh hoạt (diễn viên xuất hiện ở bất cứ chỗ nào trong nhà hát), cách lồng ghép vấn đề mới (bạo lực gia đình), vở có nhiều cái để xem. Đặc biệt là khi khán giả Việt hầu như không có điều kiện xem những vở mới ở nước ngoài.

Như thông tin đã đăng tải trên báo TT&VH ra ngày 15/6/2011, việc “Việt hóa” Carmen đã bị cho là phản cảm, trong khi đó nhiều ý kiến trao đổi với TT&VH lại cho rằng, “Việt hóa” là xu hướng tất yếu để thể hiện “dấu ấn Việt Nam”, làm cho tác phẩm nước ngoài gần gũi hơn, và sáng tạo hơn. Chính vì vậy TT&VH đã ghi nhận những ý kiến đa chiều xung quanh vấn đề này.

ThS Đỗ Quốc Hưng - Phó khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc: “Cách dựng này dễ thành công”

Tôi đi xem Carmen trong trạng thái tò mò vì trước đó, ngay sau buổi tổng duyệt, nhiều giảng viên trong trường đã có phản ứng dữ dội với cách dàn dựng vở này. Đó là những giảng viên không dạy hát, chỉ dạy đàn. Đa phần họ bực bội, không hiểu tại sao vở diễn đã không giữ như nguyên bản.

Cá nhân tôi thấy vở diễn hấp dẫn. Với người xem Việt Nam, cách Việt hóa như vậy khá hợp ký. Nó khiến vở diễn gần gũi, dễ hiểu hơn. Nó cũng chứng tỏ đạo diễn, người viết thoại đã tìm tòi để có kịch bản gần với đời sống.

Là người trong nghề, tôi rất hiểu việc làm kịch bản trở nên gần gũi quan trọng thế nào. Opera mất khán giả phần nhiều vì họ thấy khó hiểu quá. Chính vì thế, nhiều cơ quan nói với chúng tôi sau một, hai lần tài trợ rằng họ rất muốn “nâng tầm văn hóa” cho nhân viên nhưng sau vở diễn phần lớn nhân viên chẳng hiểu gì. Nếu đứng từ góc cạnh muốn mở rộng công chúng, Carmen với cách dàn dựng này sẽ dễ thành công.

Các vai diễn khá tròn về kỹ thuật biểu diễn. Thăng Long (Miceala) hát rất sáng. Vành Khuyên hát hơi mờ một chút, nhưng điều này không phải do cô. Giọng của Carmen là mezzo soprano, còn giọng Khuyên lại là soprano nên chọn cô chưa phải tối ưu. Nhưng nếu Nhà hát không có giọng mezzo soprano thì Khuyên vẫn là lựa chọn tốt. Chuyện Bình (José) hát thỉnh thoảng có sạn cũng có thể chấp nhận được bởi đó đều là những nốt rất cao, và Bình phải hát khi đang quỳ đỡ Carmen. Về khả năng hát tiếng Pháp, tôi nghĩ, với điều kiện ở Việt Nam, nếu đòi hỏi hát như người Pháp là điều khó. Có thể nói, tiếng Pháp là thứ tiếng khó hát nhất trong opera. Nhiều danh ca trên thế giới khi hát tiếng Pháp, hoặc Nga cũng có chỗ “ngọng”.

NSND Phạm Thị Thành: “Một vở đáng xem”

Tôi thấy opera Carmen là một vở diễn tốt. Không như nguyên bản, song xã hội Việt Nam được đưa vào khiến người xem thấy nó gần với mình.

Về dàn dựng, trong chuyện, Carmen vốn không có con. Nhưng ở bản dựng mới, Carmen có con vẫn rất đáng yêu, vì có trách nhiệm với con. Cô cũng không phải người xấu. Carmen thích tự do nhưng không phải là người tự do vô kỷ luật. Mà Carmen có con cũng vẫn có quyền yêu chứ. Sau cuộc hôn nhân thất bại, cô vẫn có quyền gặp gỡ và yêu người khác. Sự thay đổi này có gì ghê gớm lắm đâu. Chuyện đưa những cái tên Hải Phòng, Yên Bái, buôn lậu vào cũng chỉ thoáng qua thôi, không sao cả. Nhiều bản dựng lại kịch Shakespeare trên thế giới, người ta còn cho diễn viên bắn súng lục vào đầu tự tử cho hợp “văn cảnh” ấy chứ.

Nhận xét xã hội trong vở này đen tối thì khắt khe quá. Những công nhân vẫn luôn bên cạnh Carmen đấy chứ. Khi Carmen có con nhỏ, nhiều người cũng giúp cô chăm sóc bé, đưa bé đi ngủ. Nói chung, không khí người với người sống với nhau ấm áp. Người bán nước cũng gần gũi với công nhân. Nhóm bảo vệ cũng tốt.

Còn về nghệ thuật, đạo diễn dàn cảnh đặc biệt tốt, nhiều cảnh hát đồng ca rất hay. Chuyển cảnh sáng tạo. Các vai chính hát cũng ổn tuy có chỗ hơi “xuống” một chút. Phụ đề hơi nhỏ, khó đọc. Dàn nhạc hay. Đồng ca hát rất tốt. Cả một nền tập thể dàn dựng tốt. Theo tôi, đây là một vở diễn đáng xem.

(Còn nữa)

Kiều Trinh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm