Hãy hát lên lần nữa, chàng Đam San Y Moan!

30/05/2010 11:08 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Cú điện thoại của nhạc sĩ Nguyễn Cường lúc 7 giờ sáng 25/5 “Y Moan bị ung thư ở vòm bụng di căn giai đoạn cuối” khiến tôi bàng hoàng. Lá phổi đã cho anh tráng khí cao nguyên, giờ ruỗng vì nicotin. Dù thế tôi vẫn mong những điều diệu kỳ sẽ xảy ra và “chàng Đam San của âm nhạc Việt Nam” sẽ tiếp tục hát lên một và nhiều lần nữa.

Giọng hát không thể nhân bản


 NSƯT Y Moan năm 37 tuổi
Chỉ với Ơi M’Drak, Y Moan đã khắc vào tâm trí hàng triệu khán giả trong và ngoài nước, tầm vóc một nghệ sĩ hát. Nghe anh hát, người ta thấy yêu M’Drak, yêu cao nguyên đại ngàn, yêu đất nước mình. Tình yêu tự nhiên, mãnh liệt như khí chất của chàng Ê Đê đang bùng cháy những lời thiêng của Yàng (Trời) từ lồng ngực, từ máu thịt.


Trong Trường ca Đam San - linh hồn của dân tộc Ê Đê và Tây Nguyên, chàng Đam Sam khát vọng đến xứ sở Nữ thần Mặt trời, cướp nàng về làm vợ. Chàng vượt bao gian khổ, hiểm nguy đến xứ sở mơ ước ấy. Sức nóng của mặt trời đã thiêu cháy chàng, song khát vọng của Đam San không lụi tắt.

Y Moan là Đam San mới của Tây Nguyên. Mỗi lời chàng hát, là cất lên khát vọng ngút trời, của Y Moan, của Ê Đê.

Chàng “Đam San” Y Moan suốt 35 năm đã hát không ngừng những khát vọng ấy bằng giọng nam cao vang khỏe, đầy sinh lực vạm vỡ như xuyên đại ngàn, ào sông thác, vươn núi cao hùng vĩ. Một giọng hát không thể nhân bản, hoang dã và huyền bí. NSƯT Y Moan hát trên sân khấu, hát cho bạn bè, hát cho buôn làng, không bao giờ biết chối từ khi có người muốn nghe anh hát. Anh thường vào các buôn làng để sưu tập những làn điệu của kho tàng Tây Nguyên đang mai một, những bộ cồng chiêng “chảy máu” vì thất thoát bán - mua và để hát. Y Moan hát là làm một “tăng” 20 bài hát, nuốt khói lửa, muội đèn, ho ra máu, phải cấp cứu vì bệnh phổi.

Sáng 28/5, nghe tôi báo tin, nhà văn Trung Trung Đỉnh, một người am tường Tây Nguyên giật mình: “Thật ư? Mới ngày nào Y Moan còn hát bốc lửa cơ mà. Những năm 1980, tôi từng cùng Y Moan về các buôn. Y Moan đem theo guitar, hát dân ca Ê Đê rất rock. Bà con đến kéo đến nghe không biết chán. Anh hát liên tục, đứt cả dây đàn vẫn hát. Dân nghèo, mỗi nhà tặng vài quả trứng. Rời khỏi buôn, Y Moan có một gùi trứng đem về Đoàn liên hoan. Ngày ấy, sao đẹp quá!”

Hơn cả ý thức chuyên nghiệp, Moan lao động cật lực khi tập, khi trình diễn. Khác với chuyên nghiệp phải giữ giọng, luyện thanh trước khi hát, Y Moan hát hết sức. “Hát như thể hát lần cuối rồi giải nghệ. Hát như đánh bạc đến hào cuối cùng” (Nguyễn Cường). Khó ví von nào sinh động, sắc nét hơn thế!

Hát và trồng cà phê

Đời Y Moan nghiện nặng hai thứ: Hát và thuốc lá. Cũng uống rượu như bất cứ người Ê Đê chính hiệu nào, từ nhỏ đã biết ché rượu cần. Solist chính của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk không nhận chức vụ gì. Người đàn ông hát và trồng cà phê trên 4 ha ruộng ở Chư M’Nga, cách TP Buôn Ma Thuột 40 km. Nghệ sĩ và “kỹ sư trồng cà phê”, Y Moan chỉ làm hai công việc ấy, để lo cho cuộc sống và ba đứa con.

Y Moan vào đời, chỉ có đam mê và giọng hát.

Cứ thế, Y Moan cống hiến hết, không lo gì cho bản thân. Khi gặp anh trưa 25/7/ 2009, sau đêm nhạc Tiếng đại ngàn, tại vườn KS Hà Nội Sport 96 Hàng Bạc, kế bên nhà Nguyễn Cường, nơi bà mẹ 90 tuổi của nhạc sĩ rất thương quý Y Moan; thấy anh đốt thuốc liên hồi, tôi đã nhắc nhở Y Moan bớt hút, để còn hát mãi ơi M’Drak, nhiều đoạn lên cao kinh hoàng. Anh và cậu con thứ hai, Y Garia cười, cả hai vẫn... tiếp tục hút. Y Moan bảo: “Sẽ hát mãi chứ, gọi M’Drak cả khi không hát mà!”.

Đầu tháng 5 này, Y Moan lên cơn đau. Bệnh viện Đắk Lắk bó tay, gửi nghệ sĩ về BV Ung bướu TP.HCM (quận Bình Thạnh). Bác sĩ hẹn mổ vào thứ ba 24/5. Vừa mổ ra, thấy di căn tứ tung, bác sĩ cho khâu lại ngay. Bất lực rồi, đã quá muộn. Khi bệnh nhân tỉnh gây mê, vợ con phải nói dối Y Moan: “Đã mổ xong, mọi việc ổn cả”. Mới hôm 23/ 5, NS Nguyễn Cường gọi điện hỏi thăm động viên, Y Moan còn nói chuyện như thường, tỏ ra lạc quan, tin tưởng vào liệu trình điều trị. Sau ca mổ, vợ anh có báo với Nguyễn Cường: “Y Moan yếu mệt lắm rồi, mắt dại”. Hiện giờ, anh lúc mê lúc tỉnh.

Anh em ở Đoàn Ca múa Đắk Lắk, ca sĩ Y Zak, nhạc sĩ Trần Tiến đến với Y Moan ngay khi biết tin. 27/5, Siu Black đã thăm người anh. Y Moan đã “đốt” Ngọn lửa cao nguyên của Trần Tiến, những khát khao hoang dại, mà không thể truyền lửa tồn sinh thắng bạo bệnh. Ngày 31/5, Y Moan sẽ trở về thành phố của mình.

“Tây Nguyên còn có Y Moan, đó là một huyền thoại”

Y Moan gắn với âm nhạc của Nguyễn Cường và đỉnh cao sự nghiệp của anh cũng từ những bài hát của Nguyễn Cường. Họ gắn bó không chỉ là nhạc sĩ - ca sĩ, mà còn là tình thầy - trò, anh - em, bạn - bè tri âm. Họ thăng hoa nhau, không thể thiếu nhau, như cặp bài trùng định mệnh.

Trong phòng khách nhà mình ở 94 Hàng Bạc, Nguyễn Cường bồn chồn bức bối lo lắng đau khổ. Người ở phố cổ Hà thành mà hồn thì vào Tây Nguyên. Hồi ức tràn về năm 1981, cuộc gặp đầu tiên của hai người. Ngày ấy, Nguyễn Cường vào Tây Nguyên lần đầu. Không gian, gió, rừng, sông, núi, con người nơi đây lập tức quyến rũ ông, ra đời ngay Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk (bài thường mở đầu các đêm nhạc Nguyễn Cường sau này). Y Moan lúc ấy 27 tuổi, tóc xoăn ngang vai, sắt đanh, da nâu rắn rỏi. Hát lên, Y Moan ưng bụng ngay, vì bài ra màu sắc, tinh thần Ê Đê. “Xôn xang” lạ lùng dù đã sinh trưởng trên vùng đất này, Y Moan chạy về nhà đem rượu và dao tới đoàn, anh cắt tay cho máu chảy vào chén rượu, Nguyễn Cường cũng làm thế và cùng uống cạn. Họ kết nghĩa từ hôm ấy.


Y Moan cõng Nguyễn Cường trên thảo nguyên M’Drak.
Ảnh: Nhạc sĩ Nguyễn Cường cung cấp

Y Moan gọi Nguyễn Cường là thầy. Nhạc sĩ nói: “Có kiểu thầy dạy trực tiếp. Tôi là thầy dạy bằng tác phẩm’’. Ơi M’Drak của Nguyễn Cường gây chấn động qua tiếng hát Y Moan. Tây Nguyên chưa ai hát thế. Việt Nam chưa ai hát thế. Hàng trăm năm sau không có.

Mùa khô. Lại mùa khô, 16/11/ 2009. NS Nguyễn Cường làm tổng đạo diễn đêm khai mạc Đắk Lắk - huyền thoại, voi, 90 phút, VTV2 truyền hình trực tiếp, NS Nguyễn Cường trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Đắk Lắk trước buổi diễn: “Tây Nguyên nhiều huyền thoại, không chỉ có voi. Tây Nguyên còn có Y Moan, đó là một huyền thoại”. Dịp ấy, ông cũng nói điều này với Chủ tịch tỉnh và lãnh đạo tỉnh cũng nhất trí sẽ làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND cho Y Moan, ghi nhận xứng đáng cho những gì Y Moan cống hiến chúng ta. Trong đêm “Huyền thoại” ấy, 9 con voi được huy động. Nguyễn Cường tập hợp đàn em “đệ tử ruột”, cũng là những giọng hát quý, Siu Black hát: Nhịp chiêng buôn K’Siar, Y Moan lại Xôn xang mênh mang ...

“Lúc ấy, Y Moan hoàn toàn khỏe mạnh”, Nguyễn Cường ngậm ngùi. Đâu ngờ, đó có thể sẽ là lần cuối Y Moan hát trước khán giả, lần cuối làm việc với Nguyễn Cường. Đêm nhạc Nguyễn Cường 24/7/2009 tại Nhà hát Lớn buồn thay có thể sẽ là đêm diễn cuối cùng của Y Moan trên sân khấu, cũng là lần cuối cùng anh gặp khán giả Thủ đô. Làm sao để anh có thể trở lại Hà Nội bây giờ?

Không kip ra CD cho riêng mình

Lần ra Hà Nội năm ngoái, Y Moan đã đến nhà NS Bùi Minh Đạo thu âm một số bài “đỉnh” để làm album “kỷ niệm nếu một ngày kia không còn sức nữa”. Ngày ấy còn xa lắm, anh tin thế, anh chưa làm gì cho mình, dẫu chỉ 1 CD, dù nhà đã có phòng thu 3 năm.

Tiếng hát thời hoàng kim nhất đã không có CD ghi lại. Và giờ không kịp nữa.

 Y Moan đặt tên cho các con Y Vol (hơi thở), Y Garia, H’Dresden - những nơi anh đã đến. Hai con trai anh đều đã học và làm việc tại Hà Nội, theo đuổi âm nhạc, anh chơi trống, em hát. Anh đặt tên cho 2 cháu gái nội H’ Sava (lớp 3) H’ Savi (lớp 1) nghĩa là “hoàn hảo” mà không thể trọn kiếp để làm ông dạy chúng hát mỗi ngày. Anh chai tay phát nương rẫy, chân đạp núi lội sông, mà không còn sức phóng mô tô 100km để thăm lại quê mình và cùng Nguyễn Cường dạo bước trên thảo nguyên lần nữa.
 
Y Moan già, sẽ là một già làng uy tín. Anh uy tín từ lúc trẻ, khắp Tây Nguyên; nên lúc già, không còn sức để hát, anh sẽ ngồi trong nhà rông, bên đống lửa để kể khan, kể sử thi, trường ca, huyền thoại. Oái ăm thay, ông Trời hay thử thách người tài người tốt. Số phận ghiệt ngã đã giáng tai họa xuống Y Moan. Chiều 28/5, NS Nguyễn Cường đã điện thoại cho Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư. Ông Cư cho biết, tỉnh đang làm gấp hồ sơ gửi Bộ VH,TT&DL. Mong Nhà nước kịp trao danh hiệu NSND trong khi Y Moan còn ở giữa chúng ta.

Y Moan không kịp ra một CD riêng của mình. Tiếng hát anh vẫn vang lên trong sâu thẳm trái tim công chúng yêu nhạc, như khi anh đã hát từ trái tim cuồng nhiệt. Nhạc sĩ Nguyễn Cường kể, hơn 20 năm trước, Y Moan đã hát cho đồng bào bài Ơi M’Drak bằng cả tiếng Kinh lẫn tiếng Ê Đê. Lúc đầu nhạc sĩ ngạc nhiên hỏi: “Y Moan dịch à?” Y Moan không hiểu từ dịch, anh hồn nhiên: “Em chỉ hát tiếng mẹ đẻ, diễn tả tình yêu quê hương, nguồn cội theo cách của em, sau khi thấm những ca từ của thầy”. Nguyễn Cường khẳng định: “Y Moan không dịch mà làm lời mới. Ba lời của tôi cộng lại, không bằng một phần mười lời của Y Moan bằng tiếng Ê Đê. Y Moan làm lời bằng vô thức, và nó sâu, hay tài đến mức mà lời Ê Đê ấy, khi nghe kĩ (tôi biết tiếng Ê Đê), thấy sức mạnh khiếp khủng hơn cả những bài thơ hiện đại”.

Còn với tôi, hình ảnh “bồ câu rụng” quá ảm ảnh khi Y Moan tả mùa khô Tây Nguyên. Khô đến mức cây thành củi, bồ câu rụng. Y Moan xây dựng hình ảnh bằng “kỳ khí” của một nghệ sĩ thiên bẩm, một sáng tạo vô song. Và đây, Ơi M’Drak lời của Y Moan:

“Mùa cành củi khô rụng
Mùa bồ câu rụng
Tao lại nhớ về M’Drak
Nơi mẹ đẻ ra mày
Nơi mẹ đẻ ra tao
ở gốc cây cổ thụ
Trăng ba mùa lưỡi liềm
Gió thổi và cùng gió thổi’’

Vang vọng không gian, tiếng ca như lời gọi khắc khoải, thảng thốt, chan chứa, ngân mê của Y Moan trong coda (phần kết). Không coda, Y Moan cùng M’Drak sẽ là huyền thoại của Tây Nguyên như lời kết kia thành cao trào “Ơi M’Drak” của tình yêu. Khi yêu quá, người ta không thể nói gì hơn ngoài tha thiết gọi.

Những ông già sẽ kể khan về Y Moan

Y Moan là Đam San. Chàng sẽ tiếp tục đi trong khát vọng của tiếng hát huyền nhiệm của mình. Có thể Y Moan không kịp thành ông già. Nhưng những ông già sẽ kể khan về Y Moan: “Bao nhiêu vì sao đêm đêm về đây, bên cây lửa hồng. Bên tôi, giọng trầm ấm, cha tôi kể khan, mơ Đam San trở về. Tôi đi khắp đất trời xa xôi, không nơi nào như quê tôi”... Dù thế nào thì “Đam San” Y Moan sẽ trở về, ở lại trong Tây Nguyên, và bay bằng chính tiếng hát quyền năng của anh như lời ca Ơi M’Drak “Tôi mơ bay trong ngàn vì sao”.

Mùa khô năm nay, dù Y Moan ở đâu, tôi biết, anh sẽ tưới tiếng hát khắp đại ngàn. Tôi lại thấy Y Moan da nâu cháy nắng, bời bời tóc đen như mắt, ôm guitar hát mãi nơi thảo nguyên bao la. “Cứ hát đi Y Moan/ Anh không có quyền ngơi nghỉ/ Chừng nào chúng ta còn nước mắt/ Người ta nói: Anh có thể chết được cho một M’Đrăk của riêng anh/ Tôi tin điều ấy/ Và thật ra/ Nếu cuối cùng có phải chết trong bài hát của đời mình/ Cũng tuyệt vời cái chết”. Y Moan, như Trần Hòa Bình viết và tiên cảm từ 1987, người đã hát bằng nước mắt Ê Đê, dữ dội và mê hoặc. Anh bất tử với M’ Drak, với Tây Nguyên.

28/5/2010

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm