Tới 'Mai', Trấn Thành mới thành đạo diễn thực thụ

01/02/2024 06:38 GMT+7 | Giải trí

Nếu tính cả phim điện ảnh, phim truyền hình, phim chiếu mạng, phim hoạt hình (lồng tiếng Việt) thì Trấn Thành đã tham gia khoảng 50 phim, trong đó giữ vai trò đạo diễn một số phim và vài lần nhận giải đạo diễn xuất sắc. Nhưng, nếu sòng phẳng đánh giá, đến phim Mai thì Trấn Thành mới thành đạo diễn thực thụ.

Đạo diễn thực thụ là người quán xuyến, cân đối được bộ phim từ kịch bản cho đến diễn xuất, dàn dựng, quay phim, hậu kỳ và các khâu quan trọng khác như âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ… Đạo diễn mà không quán xuyến được những điều này, thì kiểu gì phim cũng bị mất cân đối, thậm chí bị lệch, hoặc bị một hai bộ phận giỏi nghề hơn "tự tung tự tác". Ví dụ như chuyện nhiều phim quay đẹp, lãng mạn như video clip, hoặc như MV, thành ra lại mất chất điện ảnh, vì đạo diễn không quán xuyến được phần hình ảnh.

Trong phim Mai, Trấn Thành còn đóng một vai nhỏ, nhưng cũng là một bước tiến về diễn xuất, vì nó hạn chế được sự diễn cương, hoặc tính hài kịch thường thấy ở diễn viên này.

Trấn Thành đã làm đạo diễn thế nào?

Nếu so với phim Bố già (năm 2021, đồng đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng) và Nhà bà Nữ (2023, đang giữ kỷ lục về doanh thu phòng vé tại Việt Nam), Mai là một bước tiến khá xa. Hai phim trước vẫn vin vào khả năng diễn cương và tấu hài của Trấn Thành cùng vài gương mặt giàu tính hài khác, với câu chuyện khá đơn giản, để chiều chuộng tối đa một bộ phận thị hiếu mà phía làm phim đã bắt nhịp được. Cũng không có điều gì nghiêm cấm nhà làm phim chọn đi theo hướng này. Mà quốc tế cũng vậy. Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan… còn có hẳn một dòng phim tạm gọi là "hài nhảm" vẫn có đông khán giả xem, có nhiều giải thưởng vinh danh.

Tới 'Mai', Trấn Thành mới thành đạo diễn thực thụ - Ảnh 1.

Trấn Thành (trái) và đạo diễn hình ảnh Diệp Thế Vinh ở phim trường “Mai”

Với Nhà bà Nữ chẳng hạn, trong cương vị đạo diễn, Trấn Thành từng được vinh danh Đạo diễn xuất sắc ở Giải thưởng Ngôi sao Xanh lần thứ 10 và ở LHP châu Á Đà Nẵng năm 2023. Điều này cho thấy cái cách đạo diễn mà Trấn Thành đã chọn cũng không có gì là lệch lạc, vừa giúp phim có được doanh thu cao, vừa có được giải thưởng.

Còn nhớ, tối 10/1/2023, khi Trấn Thành vượt qua hai đạo diễn cao tay nghề là Bùi Thạc Chuyên (phim Tro tàn rực rỡ) và Victor Vũ (Người vợ cuối cùng) để giành giải Đạo diễn xuất sắc tại Giải thưởng Ngôi sao Xanh lần thứ 10, nhiều người đã khá bất ngờ. Khi lên nhận giải, Trấn Thành nói: "Đứng trước hai tiền bối, Trấn Thành chỉ là một con tép mà thôi. Tôi nghĩ mình được trao giải này là được thương, giống như được ưu ái khích lệ cho tụi trẻ làm tiếp. Tôi còn rất nhiều điều phải học từ hai anh và nghề. Hy vọng giải thưởng là động lực để tôi làm nghề thật tốt, cống hiến những phim hay hơn".

Tới 'Mai', Trấn Thành mới thành đạo diễn thực thụ - Ảnh 2.

Với phim Mai, lời hứa "làm nghề thật tốt, cống hiến những phim hay hơn" của Trấn Thành đã bắt đầu thành hiện thực.

Phim này hạn chế tối đa các chiêu trò hài hước thường thấy, để tập trung lột tả nỗi đoạn trường của cô gái tên Mai (Phương Anh Đào thủ vai), một người mẹ đơn thân đang tuổi U40. Phim nhẩn nha kể lại hành trình làm mẹ đơn thân nhiều nước mắt của Mai, kể từ lúc bị người cha (Trấn Thành đóng) ép bán trinh tiết cho đến lúc làm nhân viên massage, rồi đến mối tình đũa lệch và những phân biệt, kì thị khác.

Tới 'Mai', Trấn Thành mới thành đạo diễn thực thụ - Ảnh 3.

Phương Anh Đào (trái, vai Mai) và Tuấn Trần (vai Dương) trong phim

Bi kịch của Mai chẳng có gì mới, thậm chí nó là "chuyện thường ngày ở huyện", nhưng đã được sắp xếp, bố cục lại. Trấn Thành đã cùng đạo diễn hình ảnh Diệp Thế Vinh đặt để được những góc máy có ý đồ, vừa vặn với bối cảnh bình dân chủ đạo và tâm trạng rối bời, nhưng muốn giấu kín của Mai.

Nếu có điểm nào chung giữa Bố già, Nhà bà Nữ, Mai, thậm chí cả Hẻm cụt, đó là cách Trấn Thành chọn những con người bình dân, nghèo khó, ở những xóm "thợ đụng" để kể. Hướng nhìn này khá giống với văn học hiện thực phê phán, nơi sự lương thiện bị chèn ép đến oan ức, nhưng vẻ đẹp của lương tri thì khó bị mất đi.

Tới 'Mai', Trấn Thành mới thành đạo diễn thực thụ - Ảnh 4.

Đạo diễn một câu chuyện nhiều kịch tính, nhiều tình huống lên gân thường dễ dàng hơn một câu chuyện phẳng lặng, thiên về nội tâm, với các tâm sự, bi kịch chỉ muốn giấu kín. Phim Mai là một trường hợp như vậy. Nên, như đã nói từ đầu, nhờ Trấn Thành quán xuyến được các ê-kíp trong đoàn phim, họ cùng nhau kể câu chuyện vừa đủ kịch tính, vừa đủ cảm xúc, lấy được nước mắt người xem, mà không cần phải lên gân, gào rú hoặc tận dụng hình thể.

Dù hai câu chuyện và bối cảnh hoàn toàn khác nhau, nhưng xem cái kết của phim Mai, có thể liên tưởng đến quan niệm về chữ trinh trong Truyện Kiều

Cái kết có hậu, mà… vô hậu

Cốt truyện của phim này do Trấn Thành nghĩ ra, nhưng đảm trách phần biên kịch chính là Bình Bồng Bột. Đây có lẽ là kịch bản hay nhất của biên kịch này - hay vì sự dày dặn và khó đoán về cái kết của nó. Hay còn vì cách sắp đặt cấu trúc khá tự nhiên, lột tả được chất trần trụi của một vài nghề nghiệp, với lời thoại đủ liều và đủ tiết chế.

Sau bao nhiêu biến cố và đoạn trường, Mai hoàn toàn xứng đáng có một tình yêu, một hạnh phúc. Nhưng không đơn giản như vậy. Tài năng của biên kịch và đạo diễn là ở điểm này, để làm sao cái kết có hậu mà thành vô hậu, hoặc nói cách khác, cái kết này chỉ có Mai và khán giả biết nó vô hậu, còn những nhân vật có quan hệ hữu cơ với Mai, trong đó có anh chồng hụt, đều không biết.

Một trong những phẩm chất xưa của phụ nữ Việt Nam là sự chịu đựng và hy sinh, nhưng trong văn học - nghệ thuật sau này, ít khi thể hiện thuần túy về điều này. Có lẽ do quan niệm đời sống thay đổi, sự chịu đựng và hy sinh thường đi kèm những sắc thái khác. Phim Mai thì trở lại với sự chịu đựng và hy sinh kiểu cũ, nhưng không bị luận đề hoặc giáo điều. Bởi, kịch bản chặt chẽ và cách dàn dựng hợp lý mang lại cảm giác cho người xem rằng nếu rơi vào tình huống như Mai, thì họ cũng sẽ làm như vậy.

Tới 'Mai', Trấn Thành mới thành đạo diễn thực thụ - Ảnh 6.

Các vai thứ hoặc vai phụ diễn khá “đủ lửa”

Dù hai câu chuyện và bối cảnh hoàn toàn khác nhau, nhưng xem cái kết của phim Mai, có thể liên tưởng đến quan niệm về chữ trinh trong Truyện Kiều. "Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng/ Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương/ Chữ trinh đáng giá nghìn vàng/ Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa". Mai và Dương từng nghĩ, từng muốn sống "chẳng thẹn" như vậy. Nhưng rồi những đoạn trường mới ập đến, buộc Mai phải hy sinh, phải thay đổi quan niệm về chữ trinh, giống như Thúy Kiều lúc đoàn viên với Kim Trọng: "Chữ trinh còn một chút này/ Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan/ Còn nhiều ân ái chan chan/ Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi".

Hai vai chính của Phương Anh Đào (vai Mai) và Tuấn Trần (vai Dương) đã thể hiện khá trọn vẹn ý đồ đạo diễn, với những lóe sáng bằng cử chỉ, bằng ánh mắt, bằng lời thoại hợp lý. Các vai thứ hoặc vai phụ do NSND Việt Anh, NSND Ngọc Giàu, Hồng Đào, Khả Như, Lộ Lộ, Kiều Linh, Ngọc Nga, Ngọc Nguyễn, Anh Đức... cũng khá "đủ lửa". Họ là một "vòng bao" dày dặn, đa dạng để hai vai chính đủ đất diễn.

Bước ra khỏi rạp, số khán giả không hài lòng với kết cuộc của đời Mai chắc không ít. Nhưng trong số họ, chắc sẽ có nhiều người hài lòng với kết cuộc bi kịch mà Trấn Thành và Bình Bồng Bột chọn lựa cho phim. Bởi chỉ cần cho Mai nhiều màu hồng hơn một chút, nhiều hạnh phúc hơn một chút, thì phim này sẽ trở nên giả tạo hoặc giáo điều. Bởi "đời không như là mơ, nên đời thường giết chết mộng mơ".

Chính việc chọn cái kết có hậu mà vô hậu đã cho thấy bản lĩnh và sự phiêu lưu của đạo diễn. Bởi nếu chọn cái kết có hậu trọn vẹn hơn, tầm nhìn và tay nghề đạo diễn có thể bị tầm thường đi một chút, nhưng cơ hội bán vé sẽ tăng cao hơn, do số đông thị hiếu thường thích đời phải như là mơ, phải có hậu viên mãn. Nhưng có lẽ vì muốn trở thành một đạo diễn thực thụ, Trấn Thành đã chọn làm khác.

Thử dự đoán doanh thu


Những giá trị về nhân cảm và đời sống có thể giúp phim Mai phù hợp với không khí ngày Tết, nơi cần có thời gian nhìn lại bản thân và gia đình. Việc phim Mai có doanh thu cao, có lẽ cũng không có gì bất ngờ, vì nó hội đủ nhiều yếu tố của phòng vé, nhưng để cao bằng Bố già (420 tỷ đồng) hoặc Nhà bà nữ (475 tỷ đồng) thì rất khó. Thứ nhất, vì phim Mai dán nhãn 18+ và có thời lượng dài đến 131 phút, để sắp xếp cùng nhau đi xem dịp Tết, không hề đơn giản. Thứ hai, đó là cách chọn kể câu chuyện và dàn dựng không quá chiều chuộng thị hiếu số đông, nên để xem cho vui, xem giải trí ngày Tết thì Mai kém xa Nhà bà Nữ.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm