Tôi lại về núi

30/06/2017 07:58 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 20 ngày nữa tôi sẽ lại về núi. Chuyến này đi cùng nhóm thiện nguyện “Chung tay vì trẻ em vùng cao”, cắt băng khánh thành điểm trường thứ 5 tại một bản ở xã Phố Cáo, thuộc địa phận Đồng Văn, Hà Giang, một dự án thầm lặng của nhóm từ 2014 đến 2017, làm cho 5 điểm tại 5 xã vùng cao khó khăn nhất, mỗi điểm 2 lớp học 2 buồng cho từ 40 đến 60 cháu mẫu giáo.

Còn nhớ năm 2014, cô Hằng trưởng nhóm, phóng viên của một tờ báo nói với tôi rằng muốn làm một dự án từ thiện mà chưa tìm được địa chỉ. Cô kể với tôi cái đận đi Tây Bắc đến một địa điểm do một số tổ chức giới thiệu để khảo sát, đoàn được đón tiếp tưng bừng, cỗ bàn thịnh soạn.

Sau đó vào bàn bạc thì trường xin làm một bếp ăn và một cái giếng khoan cho các cháu tiểu học, còn lớp học thì đã rất khang trang. Nhưng chủ trương của nhóm là giúp nơi nghèo khó nhất, lớp học chưa có mới là nơi tìm chọn.

Chú thích ảnh
Giờ học của học sinh vùng cao. Ảnh: Internet

Trước khi ra về, một thầy nhìn thấy chiếc xe bốn chỗ màu đỏ tươi, thích quá, thầy bảo: khi nào muốn bán thì gọi, thầy thích con xe này. Ba anh em đi khảo sát nhìn nhau: không nói, nhưng đều ngầm hiểu đây không phải là nơi cần giúp! Và một đi không trở lại nữa...

Sau vụ đó, tôi thành người kết nối địa chỉ đầu tiên cho nhóm.

* * *

Khó có thể tưởng tượng trong vòng 4 năm, nhóm thiện nguyện trực tiếp chỉ có 3 người, họ đều đang làm việc nơi này nơi kia, mà đã xây dựng cho Đồng Văn được 5 điểm trường với 11 lớp mẫu giáo và tiểu học lớp 1, 2 với số tiền từ trên 80 triệu đến 150 triệu. Cho dù có hợp tác chặt chẽ của địa phương thì đó cũng là điều kì diệu! Cũng khó tưởng tượng được là trụ cột tài chính cho 11 lớp học tại 5 điểm trường này là cô Thủy nhỏ bé, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cùng các phụ huynh học sinh.

5 lần xây điểm trường, trường Nghĩa Tân đều thiện nguyện góp cả 5 lần, từ 50 triệu đến 80 triệu một điểm, là nhà tài trợ lớn nhất. Tôi ngồi chuyện trò với cô Hiệu trưởng mong tìm hiểu xem động lực nào, uy tín nào mà cô làm được vậy, và niềm tin nào là cơ sở để những người thầm lặng đóng góp kia đã tự nguyện không chỉ một lần. Nhưng hầu như chưa có câu trả lời hiện rõ được hết cội nguồn sâu xa của việc làm từ thiện này, dù thành quả nhìn thấy được.

Thành quả hôm nay, đó là các điểm trường với 2 lớp mẫu giáo đầu tiên năm 2014 ở thôn Phìn Chải A, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn. Đó là điểm trường thứ hai, năm 2015 ở thôn Khó Chớ, xã Vần Chải heo hút giữa rừng già cho 40 em. Đó là điểm trường thứ 3 ở thôn Giàng Sì Tủng, xã Thài Phìn Tủng năm 2016; đầu năm 2017 khánh thành căn nhà hai lớp tại thôn Mao Só Tủng, xã Phố Là, và tháng 7/2017 này, điểm trường thứ 5 với ba lớp học tại thôn Sà Lủng A, xã Phố Cáo.

Đạp xe qua 63 tỉnh vì trẻ em vùng cao

Đạp xe qua 63 tỉnh vì trẻ em vùng cao

Sinh năm 1991, mới chỉ đi làm được vài năm, anh chàng Trần Việt Anh tạm gác lại mọi công việc để thực hiện ước mơ mà không nhiều người trẻ dám thực hiện. Đó là đạp xe xuyên Việt.

Năm điểm trường này đều thuộc những xã khó khăn nhất của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

***

Mấy hôm nữa, tôi sẽ lại lên Đồng Văn cùng nhóm từ thiện cắt băng khánh thành điểm trường thứ 5 của dự án. Lúc này đất nước đang nóng lên về bê bối quanh một số dự án ngàn tỉ, gà thả ra đang đuổi bắt! Đất nước cũng đang ồn ã về những lâu đài biệt phủ vài chục tỉ chỗ này chỗ nọ của một số quan chức địa phương.

Nhưng chỉ với trên nửa tỉ đồng cộng với sự bền bỉ của nhóm thiện nguyện, họ làm được bao nhiêu việc giá trị cho thế hệ mầm non rẻo cao. Việc làm thầm lặng của nhóm từ thiện, của cô Thủy hiệu trưởng và các phụ huynh Trường Tiểu học Nghĩa Tân như những ngọn đèn thắp sáng hy vọng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống vẫn còn đó!

Trong cái tối tăm của nạn tham nhũng, lãng phí, mới thấy cái lớn lao nhân cốt của những tấm lòng nhân ái đem lại niềm tin về ngày mai tốt đẹp. Lần về núi này tôi thấy rất vui. Nhóm từ thiện cũng rất vui, và kết thúc vụ này, họ đang hướng về Tây Bắc.

Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm