05/04/2014 11:44 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Không còn nhiều trận cầu thưởng bạc tỷ, không còn những bản hợp đồng “bom tấn”, V-League bây giờ thực sự không còn là cuộc chơi của tiền?
Nếu để ý, không khó nhận ra từ đầu mùa giải đến nay, số lượng trận cầu được thưởng đậm là đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả một số ông chủ có máu mặt cũng đã bắt đầu “chặt chẽ” hơn trong chính sách đãi ngộ cho quân của mình.
Các đội bóng ở V-League bây giờ đã không còn ở cái thời mà ông bầu sướng lên rồi thưởng tiền tỷ cho một trận thắng. Nói vậy để thấy, V-League hiện tại không còn những trận đấu sặc mùi kim tiền, cái thời mà cầu thủ quyết tâm đá thắng đôi khi chỉ để được thưởng, chứ chưa chắc nghĩ đến chuyện nghiêm túc với nghề.
Thực ra, việc V-League đang có biểu hiện “nói không” với những cuộc đua của tiền có nhiều lý do. Đầu tiên phải là vì khủng hoảng kinh tế. Chính vì khủng hoảng mới khiến những ông bầu vốn nổi tiếng chơi trội như Nguyễn Đức Thụy cũng phải “chạy làng”. Bầu Thắng xưa kia hoành tráng thế nhưng bây giờ chỉ nuôi mỗi ĐT.Long An mà cũng vất vả.
Thứ hai, tất cả những phiền toái và sự thiếu hiệu quả của bóng đá (trong đó có nhiều ngôi sao chuyển nhượng tiền tỷ) đã buộc các ông chủ, dưới sức ép của dư luận xã hội, phải suy nghĩ lại về chính sách chi tiền trong địa hạt bóng đá.
Ai cũng thấy, hệ quả của một thời nhà nhà “đấu tiền” ghê gớm đến mức nào. Di hại lớn nhất là sản sinh ra không ít cầu thủ coi trọng giá trị vật chất mà xem nhẹ trách nhiệm của một cầu thủ chuyên nghiệp, như ra sân phải đá hết mình vì ông chủ (trả lương) và vì khán giả. Số lượng tiền đổ ra quá lớn cho việc đeo đuổi những giá trị thời vụ đã đẩy bóng đá chuyên nghiệp đánh mất yếu tố cốt lõi, đào tạo trẻ bị xem nhẹ, các sân cỏ khán giả quay lưng, nguy cơ cao nhất là nhiều tên tuổi truyền thống (nhưng thiếu tiền) đã bị đẩy vào ngõ cụt và giải tán.
Thời kim tiền đã khiến quá trình phát triển của V-League vỡ ra quá nhiều tai hại. Bởi thế, việc V-League thắt chặt chi tiêu được cho là cơ hội để giới cầu thủ tự soi lại giá trị của mình. Xa hơn, giá trị các trận đấu vốn là bạc tỷ ở V-League được đánh giá sát thực hơn.
Các đội bóng V-League bây giờ một là sống bằng tiền của doanh nghiệp và hai là nhờ ngân sách địa phương có xã hội hóa. Khi không còn cuộc đua kim tiền nghiệt ngã, chính là điều kiện, là cơ hội để các đội bóng một thời lấy lại vị thế, các đội bóng đá tử tế nhưng không giàu vẫn có cơ hội để đua vô địch.
Ví như Thanh Hóa mùa này chẳng hạn. Đội bóng xứ Thanh đang mang đến cho V-League một thông điệp rằng hãy đá hết mình, hãy cống hiến đi thì chiến thắng sẽ đến, người hâm mộ không có lý do để quay lưng. Nếu cứ giữ được tinh thần và phong độ như hiện nay, thầy trò HLV Mai Đức Chung khó để đối thủ nào đuổi kịp trong cuộc đua vô địch.
Xu thế doanh nghiệp trả đội bóng lại cho địa phương tiếp quản đang diễn ra ngày càng nhiều. Và có một thực tế, những đội bóng này dù hơi chật vật nhưng vẫn sống tốt. Vậy, vấn đề đặt ra với những đội bóng này là cách làm sao để hiệu triệu được tinh thần cầu thủ cống hiến và kéo khán giả đến sân.
Bóng đá là một cuộc chơi. Khi cuộc chơi không còn nhuốm màu kim tiền nữa thì cuộc đua sẽ công bằng hơn, có đất sống cho những đội bóng tử tế. V-League đang có những đội bóng mang đến thông điệp đó. Đã đến lúc không thể đốt tiền vô bổ cho thứ bóng đá “xây nhà trên cát”.
Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất