Ngẫm chuyện cậu bé thành Padova ném đồng xu…

22/05/2014 10:37 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - 1. Một đồng nghiệp đã viết trên trang facebook mấy lời làm tôi suy nghĩ: “Tối nay con gái bảo: Mẹ ơi, Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Con nói thế làm mẹ giật mình. Nhưng lại thấy hân hoan khó tả. Con gái 5 tuổi mà mẹ tưởng chỉ biết làm nũng, đòi đồ chơi và quà vặt đã dạy cho mẹ nó hiểu rằng: Tình yêu nước vốn vô điều kiện!”.

Có lẽ, trong hoàn cảnh đó, không chỉ chị thấy hân hoan mà rất nhiều người làm cha làm mẹ cũng thấy hân hoan và có niềm tin tưởng vào tương lai.

Chuyện gợi lại một câu chuyện mà hẳn nhiều người ngồi trên ghế nhà trường từng nhớ nằm lòng trong Những tấm lòng cao cả của Edmondo De Amicis.

Cậu bé Enrico Bottini đã ghi vào nhật ký của mình câu chuyện về lòng yêu nước của cậu bé thành Padova.

2. Một chiếc tàu Tây Ban Nha rời bến, trên tàu, ngoài người Tây Ban Nha, còn có một số người Pháp, Italy, Thụy Sĩ, và người nhiều nước khác nữa. Hành khách nhận thấy một đứa trẻ độ 11 tuổi, ăn mặc nhơm nhếch, đứng riêng một chỗ và nhìn những người kia bằng đôi mắt hầm hầm. Đó là cậu bé nghèo khổ, ít được giáo dục và thiếu thốn tình thương. Ai cũng xa cách nó.

Nhưng có ba người khách không phải là dân Italy lại thương nó, cho tiền để nó nói chuyện cho họ nghe.

Đứa bé sung sướng, vơ tiền bỏ túi, cảm ơn rồi vào phòng. Nó buông màn cửa xuống ngồi yên lặng và nghĩ đến những việc nó sẽ phải làm.

Nó nghĩ: với số tiền ấy, nó sẽ được ăn no, không phải thèm nhạt như trước. Khi tới nhà, nó sẽ sắm một bộ cánh mới để thay bộ quần áo nó đeo hai năm trời nay, rách như tổ đỉa. Nó lại định để ra một ít tiền đem về cho cha mẹ. Số tiền ấy đối với nó là một món tiền lớn.

Lúc ấy, ba người khách nói trên đang ngồi ở buồng ăn, quây quần uống rượu và nói chuyện về những cuộc du lịch của mình cùng phong tục những nước đã đi qua. Tình cờ, câu chuyện nhằm vào Italy, đất nước của nó. Một người bắt đầu phàn nàn về khách sạn, người chê về xe lửa. Cuối cùng, rượu say, họ thi nhau nói xấu tất cả những gì thuộc về nước Italy. Người thứ nhất nói biết thế, họ sẽ đi du lịch ở cực Bắc châu Âu còn hơn sang nước Italy.

Người thứ nhất nói: Đó là một dân tộc ngu dốt!

Người thứ nhì tiếp: Bẩn thỉu! Và ăn...

Người thứ nhì định nói câu "ăn cắp" nhưng chưa dứt lời thì một trận mưa toàn tiền vàng và bạc hắt vào mặt những người ấy rơi tung tóe xuống bàn và trên sàn. Ba người hầm hầm đứng dậy xem trận mưa dữ ấy ở đâu ra thì lại bị ném thêm.

Cậu bé thành Padova vén rèm thò đầu ra thét bằng giọng khinh bỉ: “Cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những kẻ đã lăng mạ nước ta”.

Thời gian trôi đi, nhưng những gì tác giả gửi gắm qua từng bài học của thuở đầu đời về công ơn cha mẹ, thương người, về tình thầy trò, bè bạn và đặc biệt là lòng yêu nước vô điều kiện của cậu bé nghèo khổ, vẫn không bao giờ cũ.

Một cậu bé nghèo đói đã ném những đồng bạc vào mặt những kẻ giàu có, to xác hơn mình khi họ xúc phạm đến đất nước cậu. Dù cậu đang rất cần những đồng bạc ấy. Chúng ta nghĩ gì về hành động đó? Đấy cũng là điều thiên tài Edmondo De Amicis gửi gắm cho những người đọc của ông, như chúng ta.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm