(TT&VH) - Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều qua 31/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: “Với quyết định của Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng thì Chính phủ chưa có chủ trương và bất kì kế hoạch nào để triển khai đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, nghiên cứu các phương án là việc cần thiết, muốn như vậy phải có sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị này là rất lâu dài cho nên việc nghiên cứu từ bây giờ là khá cần thiết”.
Cần quy hoạch để giữ đất cho đường sắt cao tốc Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: “Để tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn về Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM báo cáo Quốc hội, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng công trình đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang thuộc dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM”. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: “Nghiên cứu Dự án đường sắt cao tốc từ bây giờ là cần thiết”
Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, việc tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam là việc cần thiết để giải đáp các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội xung quanh dự án này, mà trong báo cáo tiền khả thi vì giới hạn khuôn khổ nội dung nên chưa đáp ứng được các yêu cầu đó, như về: quy mô dự án, thời gian đầu tư, hiệu quả dự án, ảnh hưởng tác động môi trường, tác động đến kinh tế xã hội, sức chịu đựng của nền kinh tế... Về vấn đề nhiều ý kiến cho rằng, nếu nâng cấp đường sắt Bắc Nam hiện tại lên thành đường sắt khổ 1,435m, tốc độ 200km/h, sẽ bớt tốn kém hơn và vẫn hiệu quả; bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng điều này là bất khả thi ngay từ khâu giải quyết mặt bằng cho dự án. Hiện nay nạn lấn chiếm mặt bằng, đô thị hóa đã khiến ngành đường sắt không thể nào hóa giải nổi. Chắc chắn cần phải tuyến mới, duy trì tuyến đường sắt cũ để vận tải địa phương, vận tải hàng hóa. |
Về các điều kiện xây dựng nội dung của báo cáo khả thi, tiến tới hoàn thiện trong bước lập dự án, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói: “Yêu cầu đặt ra là làm rõ quy hoạch chi tiết toàn tuyến đường sắt Bắc Nam. Thời điểm đầu tư lúc nào chúng ta sẽ tính, có thể vài chục năm chúng ta mới làm, nhưng không thể không có một tuyến đường sắt Bắc Nam thứ hai, đường sắt đôi. Muốn vậy phải có quy hoạch chi tiết toàn tuyến. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết này, chúng ta có thể xác định được mốc giới mặt bằng và Chính phủ sẽ có điều kiện để lập dự án cắm mốc giới mặt bằng để giữ đất cho quy hoạch này. Thứ hai là để lập được dự án khả thi cần phải đi sâu vào các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ. Thứ 3 là xác định tương đối chính xác hiệu quả kinh tế của dự án, mà trong dự án tiền khả thi, Chính phủ mới chỉ nêu lên một số chỉ số tổng quan chứ chưa xác định rõ hiệu quả kinh tế. Cuối cùng là đánh giá tác động môi trường, tác động kinh tế xã hội trong báo cáo khả thi sẽ nêu cụ thể hơn”. Không có bất kỳ ràng buộc giữa nghiên cứu và đầu tư dự án Về việc hợp tác với Nhật Bản để lập dự án nghiên cứu này, Bộ trưởng cho biết, trong các chương trình về ODA do Nhật Bản tài trợ, có dạng ODA hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại để giúp VN nghiên cứu về quy hoạch, chiến lược. Thí dụ như quy hoạch và phát triển giao thông, hay nghiên cứu nhiều dự án cụ thể như về dự án đường sắt vành đai 1 ở TP.HCM, nghiên cứu dự án đường sắt trên cao Ngọc Hồi - Yên Viên (Hà Nội)... Việc nghiên cứu này không sử dụng vốn của Nhà nước mà sử dụng dạng ODA song phương tài trợ không hoàn lại để hỗ trợ kỹ thuật cho những dự án. Trong chương trình hợp tác chung của hai nước tài khóa 2010 - 2011 có nội dung hợp tác là tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, trong đó tập trung vào đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang. Bộ GTVT đang bàn với JICA để thống nhất về đề cương, nội dung nghiên cứu, về cách tổ chức thực hiện để nghiên cứu các dự án này. Việc đầu tư dự án như thế nào thì phải trên các kết quả nghiên cứu này. Sau khi đã báo cáo các cấp có thẩm quyền và đặc biệt là Quốc hội, nếu như có hiệu quả mới bàn tới chuyện đầu tư. Chính phủ sẽ xem xét tính hiệu quả của dự án, tính khả thi và sức chịu đựng của nền kinh tế và chọn thời điểm thích hợp để báo cáo Quốc hội. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: “Không có bất cứ một ràng buộc, thỏa thuận nào giữa việc nghiên cứu dự án và đầu tư dự án. Về quyết định đầu tư, Quốc hội sẽ quyết định nếu thấy hiệu quả, cho nên có dư luận nghi ngại việc chọn nhà đầu tư là không đúng. Chọn công nghệ nào, nước nào, doanh nghiệp nào là chưa xác định”. Về thời gian hoàn thành nghiên cứu dự án, theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, thông thường với báo cáo lớn như Dự án đường sắt cao tốc phải 3, 4 năm. Việc đầu tư là quyết định sau này, Quốc hội sẽ chọn thời điểm thích hợp, có thể là 5, 10 năm nữa hoặc 20 năm. Trong báo cáo trình Quốc hội sau này, Chính phủ có thể đưa ra nhiều phương án, có thể giai đoạn đầu dài đến 25 năm đến năm 2035, nếu nhận thấy thời cơ đất nước có thể phát triển hơn nữa chúng ta có thể đẩy nhanh hơn. Về sự cần thiết của trục Hồ Tây - Ba Vì
Liên quan đến trục Hồ Tây - Ba Vì trong quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, đã gọi là trục giao thông thì yếu tố đầu tiên phải là đảm bảo cho giao thông vận tải, nhưng trục này (Hồ Tây - Ba Vì) không đơn thuần chỉ là giao thông vận tải mà là một trục giao thông đô thị kết nối sinh thái, văn hóa để tạo tiền đề phát triển những trung tâm du lịch văn hóa dọc hai bên trục. Quốc hội sẽ quyết định đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc vào thời điểm thích hợpChúng ta đừng nghĩ đường Láng Hòa Lạc là đảm bảo giao thông rồi. Chúng ta phải nghĩ đến tầm nhìn 50 năm và quỹ đất cho giao thông chúng ta như vậy chưa phải đã nhiều, nhất là so với sự phát triển kinh tế của thủ đô. Đường 32 hiện không phải là đường trục hướng tâm nữa mà nó trở thành đường đô thị rồi.
Cho nên về lâu dài, để có quỹ đất quy hoạch dành cho giao thông, cần trục Hồ Tây - Ba Vì và cần thêm các trục nữa. |
Mạnh Cường