19/10/2023 10:31 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngày 18/10, CLB Nhà báo nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, phối hợp với nhóm G4 gồm đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, New Zealand, Thụy Sĩ và chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức tọa đàm Giới và Báo chí.
Phát biểu chào mừng tại tọa đàm, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: "Bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của quốc gia. Để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới, không thể không kể tới vai trò của báo chí. Trong đó, các nhà báo góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, làm thay đổi các định kiến, tạo sự quan tâm đối với tiếng nói của đối tượng yếu thế".
Tuy nhiên, theo ông Patrick Haverman, khi tác nghiệp các vấn đề về giới, các nhà báo cũng cần thận trọng, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, trong đó, ưu tiên sự an toàn, quyền riêng tư của đối tượng được đề cập, đặc biệt tránh đổ lỗi cho nạn nhân. Từ ngữ, hình ảnh các nhà báo sử dụng có thể định hình quá trình tiến bộ bình đẳng giới và ngược lại. Vì vậy, các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng cần được định hướng, nâng cao kỹ năng tuyên truyền về giới.
Theo đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc, tầm quan trọng của báo chí trong việc nỗ lực tuyên truyền bình đẳng giới là vô cùng lớn. Báo chí có thể thúc đẩy, thay đổi bất bình đẳng giới, nhưng cũng có thể làm tăng cường những nhận thức không đúng đắn.
Báo chí có trách nhiệm thúc đẩy quyền con người và xã hội bình đẳng. Trong đó, vai trò của những người làm nhà báo rất quan trọng trong việc tăng cường tiếng nói của phụ nữ, các giới khác nhau; tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy thay đổi chính sách. Do đó, các nhà báo cần có sự cẩn trọng trong việc lựa chọn, cách thức đưa tin, đăng bài để thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ những vấn đề bất bình đẳng, khuôn mẫu...
Tại buổi tọa đàm, bà Vũ Hương Thủy - Phó trưởng Ban biên tập Tin trong nước - Thông tấn xã Việt Nam cho biết: "Để công tác tuyên truyền về bình đẳng giới được hiệu quả trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cơ quan, tổ chức tại địa phương cần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tham gia vào quá trình xây dựng chính sách. Đặc biệt, cơ quan báo chí sẽ được tiếp cận nhanh nhất với các nguồn tin chính thức liên quan đến vấn đề bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới".
Đồng thời, các cơ quan cũng chủ động cung cấp các số liệu để tạo nên sức mạnh tổng hợp để phê phán, đấu tranh đối với các hành động gây bất bình đẳng giới và cùng với đó tăng cường tập huấn kiến thức, kĩ năng cho các phóng viên về bình đẳng giới.
Bà Trần Hoàng Lan - Trưởng ban Gia đình - Báo Phụ nữ Thủ đô đưa ra những thuận lợi khi tác nghiệp về giới: "Đại đa số phóng viên làm việc tại báo là phóng viên nữ. Từ góc nhìn của nữ giới, phóng viên sẽ có nhiều lợi thế trong tác nghiệp về giới cũng như thấu hiểu những vấn đề về giới. Phóng viên của báo luôn xác định rõ quan điểm, tư tưởng về bình đẳng giới, chống kỳ thị giới, bạo lực đối xử về giới... trong suốt quá trình tác nghiệp các vấn đề liên quan đến giới".
Khi tác nghiệp những vụ việc liên quan trực tiếp đến giới như bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em: Nhiều nạn nhân từ chối tố cáo, hợp tác hoặc che giấu bằng chứng cho thủ phạm (là người thân trong gia đình) do rào cản tâm lý hoặc thiếu hiểu biết pháp luật. Ngoài ra, phóng viên nữ tham gia nhiều vụ việc còn gặp nguy hiểm, đe dọa của thủ phạm bạo hành.
Bà Trần Hoàng Lan kiến nghị các cơ quan, tổ chức cần cởi mở hơn trong cung cấp, tiếp cận thông tin, khai thác thông tin đối với phóng viên ở báo giới. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức cũng cần có sự quan tâm nhiều hơn về nguồn lực, con người đối với báo giới và nâng cao nhận thức về giới cho các giới; đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của báo giới.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, bà Minelle Mahtani, Phó Giáo sư Viện Tư pháp Xã hội, Đại học British Columbia, người đã giành được Huân chương Kim cương của Nữ hoàng Elizabeth II vì những đóng góp học thuật của mình về vấn đề chủng tộc và giới tính trên truyền thông cũng đã có bài chia sẻ về kinh nghiệm đưa tin về giới, lưu ý vấn đề nhạy cảm giới, tiếp cận nạn nhân bị bạo lực giới...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất