Tòa án Tối cao Mỹ khôi phục các hạn chế của chính quyền liên bang đối với 'súng ma'

09/08/2023 14:23 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 8/8, với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Tòa án Tối cao Mỹ đã khôi phục quy định của chính phủ liên bang về kiểm soát "súng ma" (loại súng tự chế, không đăng ký, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong vấn đề quản lý), vốn đang xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt là tại hiện trường các vụ tấn công trên cả nước. 

Các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ đã quyết định hoãn việc thực thi phán quyết hôm 5/7 của Thẩm phán liên bang Reed O'Connor ở Texas - vốn ngăn chặn quy định của chính phủ về súng tự chế. Như vậy, trong khi chờ chính quyền của Tổng thống Joe Biden kháng cáo phán quyết của Thẩm phán O'Connor lên Tòa Phúc thẩm liên bang số 5 ở New Orleans và có thể là Tòa án Tối cao, quy định được Cục quản lý rượu, bia, thuốc lá, vũ khí và chất nổ (ATF) - cơ quan thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, ban hành hồi năm 2022, vẫn có hiệu lực.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ đã hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao, cho rằng phán quyết này đã xét tới an toàn cộng đồng, giúp các cơ quan thực thi pháp luật đối phó với tội phạm, giảm lượng "súng ma" đang tràn ngập cộng đồng. 

Mỹ: Tòa án Tối cao khôi phục các hạn chế của chính quyền liên bang đối với 'súng ma' - Ảnh 1.

Súng được bày bán tại một cửa hàng ở Las Vegas, Nevada, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Lập luận tại tòa, Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh riêng trong năm 2021, các cơ quan thực thi pháp luật địa phương đã thu giữ 19.000 khẩu "súng ma" tại các hiện trường phạm tội, tăng gấp hơn 10 lần chỉ trong 5 năm. Trong bối cảnh vũ khí tự chế gia tăng nhanh chóng, năm 2022, ATF đã ban hành quy định mới và mở rộng định nghĩa về súng cầm tay. Theo đó, "súng ma" là "súng cầm tay". Để nhà chức trách quản lý dễ dàng hơn, các bộ phận như khung của súng ngắn và hộp khóa nòng của súng trường phải được cấp phép và có số seri. Các nhà sản xuất cũng phải kiểm tra lý lịch của người mua súng trước khi bán, như đã làm với các loại súng thương mại khác. Yêu cầu này được áp dụng đối với tất cả các loại súng, không phân biệt cách thức chế tạo, trong đó bao gồm cả "súng ma" được làm từ các bộ phận riêng lẻ hoặc bộ lắp ráp súng hoặc bằng máy in 3D. 

Tuy nhiên, Thẩm phán O'Connor cho rằng ATF đã vượt quá thẩm quyền khi điều chỉnh quy định liên quan đến súng cầm tay. Một số luật sư và nhóm vận động cũng bảo vệ phán quyết của Thẩm phán O'Connor. 

Trong khi đó, kết quả khảo sát, do Reuters/Ipsos hoàn thiện ngày 8/8, cho thấy 70% số người Mỹ ủng hộ yêu cầu "súng ma" phải có số seri và do các nhà sản xuất được cấp phép chế tạo và sản xuất.

Ngọc Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm